“Hôm nay nhà khỏe, mọi người đang chơi vui lắm nè anh”.
Nhận được tin nhắn và clip từ em gái, anh Diệp Vĩnh Kiến (sinh năm 1993) thở phào nhẹ nhõm.
Chàng trai 28 tuổi nhớ như in ngày 3/8, con hẻm trên đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình), nơi anh sống cùng gia đình dì ruột, có người qua đời vì Covid-19.
Quá lo lắng, anh đặt mua kit test nhanh gửi về cho cả nhà.
Kết quả, 8 người dương tính với SARS-CoV-2. Hai hôm sau, 4 thành viên khác cũng trở thành F0. Cả nhà 13 người sống chung chỉ có mình anh Vĩnh Kiến khỏe mạnh.
Gia đình anh Diệp Vĩnh Kiến ở quận Bình Tân có 12 người là F0. |
“Từ tháng 7, mình đăng ký đi làm tình nguyện viên ở quận 3. Công việc nguy hiểm nên không về nhà mà ở nhờ người bạn. Lúc biết tin cả nhà mắc Covid-19, mình rất hoảng sợ và bối rối. Không chỉ nhà mình mà nguyên con hẻm bị hết, không rõ nguồn lây”, anh kể với Zing.
Dìu nhau vượt qua dịch bệnh
Sau khi phát hiện cả nhà trở thành F0, anh Vĩnh Kiến báo y tế phường nhưng không ai được đưa đi cách ly, điều trị. Mọi người quyết định cùng nhau tự chữa ở nhà.
“Người lớn nhất khoảng 60 tuổi, nhỏ nhất đang học lớp 4. Đầu tiên, mọi người có triệu chứng sốt, ho rồi tới đau họng, đau đầu, tiêu chảy. Trong đó, chị chồng của dì mình có bệnh nền huyết áp, tim mạch”, anh kể.
Thấy anh Vĩnh Kiến lo lắng, các tình nguyện viên ở cùng chỗ làm động viên, hỗ trợ về thuốc thang. Một số từng chiến thắng Covid-19 chia sẻ kinh nghiệm chữa trị. Anh cũng nhờ được bác sĩ thăm khám, hỗ trợ gia đình qua Zalo.
Là người duy nhất trong nhà không mắc Covid-19, anh Vĩnh Kiến lo tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho mọi người. |
Vì không ở trực tiếp ở nhà, anh Vĩnh Kiến cập nhật tình hình của mọi người thông qua em gái.
“Mình nói cả nhà chia nhau ở 2-3 người một phòng cho thoáng, uống nhiều nước ấm, ăn đúng cữ, bổ sung vitamin C, trái cây, sữa chua, ráng ngày xông 2 lần, tập thể dục, yoga, hít thở”, anh nói.
Khi đó, anh Vĩnh Kiến tham gia tình nguyện hỗ trợ tiêm vaccine nửa ngày, thời gian còn lại đi mua thực phẩm, thuốc thang cho cả nhà.
Nhiều hôm đi mua thuốc phải xếp hàng lâu, sang hết tiệm này tới tiệm kia mới có loại cần nên anh khá vất vả.
Xong đâu đấy, chàng trai chở đồ tiếp tế sang, để ở trước cửa nhà cho người thân. Sau ngày TP.HCM siết chặt phong tỏa, việc đi lại trở nên khó khăn hơn.
“May mắn là vài ngày trước, nhà mình test nhanh lại thì 5 người đã âm tính, còn lại vẫn dương tính nhưng không còn triệu chứng gì. Có 2 người bị nặng hơn là em trai cùng tuổi với mình và chồng của dì. Em mình bị khó thở, không tự đi lại được nên chuyển lên bệnh viện ở quận Tân Phú. Dượng mình hiện ở khu cách ly, điều trị, sức khỏe tạm ổn, sắp được về nhà. Cả hai từng phải thở oxy nhưng đã dứt bình”, anh Vĩnh Kiến kể.
Hiện những người đã hồi phục tập trung ở trên sân thượng để cách ly với F0. Sắp tới, anh dự định test PCR cho cả nhà để an tâm hơn.
Cuộc sống thay đổi trong đại dịch
Anh Vĩnh Kiến quê gốc Đồng Nai, sinh sống ở TP.HCM 8 năm nay. Vốn là người mẫu, công việc của anh phải tạm dừng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhiều tháng qua, nhịp sống của anh hoàn toàn thay đổi.
Không ánh đèn sân khấu, sàn diễn thời trang hay quần là áo lượt như mọi khi, ở hiện tại, thứ gắn với chàng trai hàng ngày là đồ bảo hộ.
Anh Vĩnh Kiến tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở TP.HCM hơn một tháng qua. |
“Đi tình nguyện cũng vất vả nhưng mình vui vì giúp đỡ được nhiều người. Nhiều hôm, hỗ trợ tiêm xong mình lại cùng anh em đi xuống hàng cho các mạnh thường quân tài trợ từ gạo, rau củ đến đủ loại hàng hóa. Có hôm 6-7 người giúp nhau xuống 5 tấn gạo. Về tới nhà là ăn uống, tắm rửa nhanh rồi lăn ra ngủ vì quá đuối”, anh kể.
Vì vừa lo làm việc, vừa lo lắng, chăm sóc gia đình, anh Vĩnh Kiến sút hơn 3 kg. Dù vất vả, chàng trai vẫn thấy mừng khi nghe tin sức khỏe của người thân tiến triển tốt từng ngày.
“Sự việc ập tới bất ngờ, may mắn cả gia đình mình đã vượt qua. Mong dịch bệnh sớm qua đi, mọi người trở lại cuộc sống bình yên như trước đây”, anh nói.