Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình ông Nguyễn Đức Chung nộp thêm 15 tỷ đồng

Sau khi một mực nói không có tội, ông Nguyễn Đức Chung đã nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua chế phẩm Redoxy 3C.

Chiều 21/6, sau khi nhóm luật sư kết thúc tranh luận và nêu quan điểm bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung, HĐXX công bố bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) và người thân đã nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho cựu Chủ tịch Hà Nội.

Đối với số tiền 10 tỷ đồng mà chị gái ông Chung là bà N.T.V. đã nộp khi xét xử sơ thẩm cuối năm 2021, ông Chung cho biết sáng 21/6, bị cáo được trực tiếp nghe bà V. chia sẻ.

“Chị nói rằng sau khi nghe VKSND cấp sơ thẩm đề nghị tuyên 10-12 năm tù, chị thương xót nên đã vay mượn để nộp”, ông Chung trình bày và nói rằng bị cáo đồng ý để cho chị gái nộp thay số tiền này. Như vậy, hiện nay ông Nguyễn Đức Chung và gia đình đã nộp đủ số tiền 25 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc bị cáo phải khắc phục.

Gia dinh ong Chung nop them 15 ty anh 1

Cảnh sát dẫn giải ông Chung đến tòa. Ảnh: Hải Nam.

Không còn kêu oan như trước đó, ông Chung nói rằng bản thân đã nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua, nhập chế phẩm Redoxy 3C. Và khi được HĐXX đề nghị nêu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kết luận lại một số vấn đề về quan điểm luận tội trước đó.

Với bị cáo Nguyễn Trường Giang, tại phiên tòa phúc thẩm phía gia đình Giang đã nộp đủ hơn 7 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm buộc bị cáo này khắc phục nên đại diện VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Giang.

Đối với kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung, kiểm sát viên thấy rằng ban đầu, ông Chung kêu oan. Sau đó, nhóm luật sư đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông Võ Tiến Hùng và những người khác và diễn biến phiên phúc thẩm, cơ quan công tố đủ cơ sở ông Chung đã lợi dụng chức vụ, lợi dụng sự ảnh hưởng để chỉ đạo việc nhập chế phẩm Redoxy 3C trái quy định.

Về việc gia đình ông Chung đã nộp đủ 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm một phần hình phạt cho ông Chung.

Còn đối với ông Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước), bị cáo không kháng án nhưng khi ra tòa, ông Hùng đã xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, gia đình bị cáo cũng đã nộp đủ 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên VKS cũng đề nghị tòa giảm án cho ông Hùng.

Với việc 3 bị cáo đã hoàn thành nộp đủ số tiền hơn 36 tỷ đồng thiệt hại của vụ án, đại diện VKS đề nghị hủy toàn bộ các quyết định kê biên tài sản của ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng.

Sau khi kết thúc tranh tụng, chủ tọa cho biết tòa phúc thẩm dành một ngày để nghị án. Phán quyết sẽ được HĐXX đưa ra vào chiều 22/6.

Bản án sơ thẩm xác định tháng 5/2016, ông Chung với vai trò người đứng đầu chính quyền Hà Nội, đã chỉ đạo nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm Redoxy 3C. Sau đó, ông Chung tạo điều kiện để Nguyễn Trường Giang đi cùng đoàn công tác của UBND thành phố sang Đức tham quan, dự triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Mục đích để Giang tiếp cận, tham gia vào quá trình mua bán hóa chất Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước.

Sau khi được ông Chung hậu thuẫn, Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo không bằng văn bản của ông Chung, bị cáo Hùng còn ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua hóa chất với Arktic. Hành vi của 3 bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ.

Chiều 13/12/2021, TAND Hà Nội tuyên ông Chung 8 năm tù và buộc khắc phục hậu quả 25 tỷ đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp 10 tỷ. Nguyễn Trường Giang bị phạt 4 năm 6 tháng tù và phải bồi thường 7,1 tỷ đồng, xác nhận đã nộp 1 tỷ. Còn ông Võ Tiến Hùng (không kháng án) nhận 4 năm tù và phải nộp khắc phục 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung một mực nói không có tội

Ông Chung tiếp tục có quan điểm cho rằng bản thân không chỉ đạo Nguyễn Trường Giang phân phối độc quyền Redoxy 3C. Bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc có động cơ vụ lợi trong vụ án.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm