Hơn 2h ngày 15/11, tức tròn 12 tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ cướp ngân hàng táo tợn tại địa bàn phường Phố Cò, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, nghi phạm gây án là Phạm Đức Anh (SN 1989, trú xóm Vũ Chấn, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, tạm trú phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã bị bắt giữ.
Xác định nghi phạm lúc nửa đêm
Sáng cùng ngày, phóng viên đã có mặt tại Công an TP Sông Công để tìm hiểu về hành trình trắng đêm truy bắt đối tượng của lực lượng công an, những lời khai ban đầu của đối tượng Phạm Đức Anh và nguyên nhân gây án, quá trình chạy trốn của nghi phạm.
Thượng tá Nguyễn Phương Nam, trưởng Công an TP Sông Công, cho biết vụ cướp xảy ra lúc hơn 14h ngày 14/11, đại tá Bùi Đức Hải, giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên và đại tá Đào Thế Hưng, phó giám đốc công an tỉnh, đã trực tiếp xuống chỉ đạo tại hiện trường.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là đồng chí trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các lực lượng: Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Phổ Yên, Công an huyện Phú Bình, Công an TP Sông Công và các đơn vị liên quan tập trung họp bàn phương án rà soát, xác minh, đấu tranh truy bắt nghi phạm. Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ của Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an do đại tá Lê Khắc Sơn, trưởng phòng dẫn đầu.
Khó khăn ở chỗ, nghi phạm có sự chuẩn bị từ trước, ngụy trang khó nhận diện như đeo khẩu trang, mặc áo mưa trùm kín đầu, đeo găng tay, tháo biển số... Sau khi gây án, nghi phạm bỏ xe máy, đi taxi di chuyển lòng vòng rất nhiều nơi để tránh sự truy xét của lực lượng công an.
Phạm Đức Anh tại cơ quan công an. |
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các lực lượng, khoảng 24h ngày 14/11, lực lượng công an đã làm rõ được nghi phạm gây án là Phạm Đức Anh và tập trung xác minh, truy bắt. "Đến 2h15 ngày 15/11, tròn 12 tiếng đồng hồ truy bắt, chúng tôi đã bắt giữ đối tượng tại nhà, ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình", thượng tá Nguyễn Phương Nam thông tin.
Chạy trốn lòng vòng, thay đổi trang phục nhiều lần
Tại Công an TP Sông Công, Phạm Đức Anh tỏ ra tỉnh táo, rất bình tĩnh, nhưng liên tục cúi mặt khi kể về quá trình phạm tội của mình. Theo đó, do chơi bời các trò cờ bạc trên mạng nhiều dẫn đến nợ nần nên 10h ngày 14/11, nghi phạm nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Người đàn ông này đến hàng tạp hóa gần nhà mua khẩu súng lục đồ chơi và đôi găng tay len, rồi mua bộ áo mưa màu đen, có hình con gà màu trắng trên ngực áo bên trái để chuẩn bị trang phục, phương tiện đột nhập ngân hàng.
Tiếp đó, Đức Anh đi tìm và đi lại 2 lần trước chi nhánh ngân hàng sẽ gây án để thăm dò. Về phòng trọ, nghi phạm tháo biển số xe máy (đây là xe mượn). 12h45, người đàn ông này bắt đầu thực hiện kế hoạch, phóng xe đến đường mòn, đoạn đất trống, thì dừng lại mặc áo mưa rồi mới đi đến ngân hàng. Do còn sớm chưa mở cửa, nghi phạm lại phóng xe đi vòng quanh, rồi đứng ở cổng chợ đến 13h40 thì vào ngân hàng, chờ một bà cụ đang giao dịch.
Ngồi một lúc, nhân viên gọi hỏi lý do, nghi phạm bảo cần rút tiền và nhận tờ khai ghi thông tin. Sau đó, người đàn ông này vờ ra mở cốp xe lấy căn cước công dân, khi vào thấy ngân hàng còn ít người, nên đã rút súng chĩa vào một nhân viên nam và 3 nữ nhân viên đe dọa và đưa túi bóng đen yêu cầu để tiền vào túi.
Sau đó, Phạm Đức Anh cầm tiền đi ra ngoài, phóng xe máy chạy về hướng Hà Nội. Lòng vòng qua khu đô thị vắng người, nghi phạm dừng lại cởi áo mưa rồi về phòng trọ. Phạm Đức Anh để lại xe máy, quần áo, một số tiền, khẩu súng nhựa, găng tay ở phòng, sau đó khoác áo khoác bắt taxi đi "thanh toán nợ".
Gây án xong, Phạm Đức Anh đi chuộc lấy ôtô đến khu công nghiệp mua súng nước cho con trai chơi, về nhà chờ con trai ăn cháo xong, thì đưa xuống công ty của vợ đang làm để chơi bắn súng nước, chờ đón vợ về. Sau đó, nghi phạm ở nhà cho đến khi bị bắt vào lúc rạng sáng.
Tổ công tác của Công an tỉnh Thái Nguyên và Cục Cảnh sát Hình sự đã huy động hơn 10 mũi công tác trắng đêm rà soát, xác minh, truy tìm khắp các nẻo đường để bắt giữ do nghi phạm nhiều lần thay đổi quần áo, trang phục trên người, phương tiện di chuyển để tránh sự phát hiện.
Cướp ngân hàng lấy tiền trả nợ
Phạm Đức Anh sinh ra trong gia đình cơ bản, là con trai út trong gia đình 5 anh chị em và quen được cưng chiều, bao bọc. Thích vào quân ngũ nên học hết lớp 12, Đức Anh thi Trường Lục quân nhưng đều trượt, sau đó đi nghĩa vụ quân sự và tranh thủ ôn thi Trường Lục quân lần thứ 3 nhưng không đủ điểm. Ra quân, Phạm Đức Anh học Đại học Nông lâm Thái Nguyên và về làm ở Khu Công nghiệp Điềm Thụy.
Cách đây 10 ngày, nghi phạm viết đơn xin nghỉ việc vì thấy chán và "đề xuất cải tiến nhiều thứ, nhưng không thay đổi được gì". Tuy nhiên, nghi phạm thuộc dạng chơi bời có tiếng, khiến gia đình từng phải trả nợ hơn một tỷ đồng.
Cũng do mê "tài xỉu" qua mạng, nên nghi phạm tiếp tục chơi và bị thua, phải cắm chiếc ôtô Kia K3 - tài sản hai vợ chồng tích cóp được lấy 270 triệu đồng để trả nợ. Sợ bố mẹ, vợ con biết được, người đàn ông này đành "tự giải quyết" bằng cách cướp ngân hàng lấy tiền trả nợ. Gần 700 triệu đồng cướp được, nghi phạm mang 290 triệu đồng đi trả nợ, đưa thêm chủ nợ 20 triệu đồng vì đang mượn xe máy (chính là chiếc xe gây án)... Ngoài ra, Phạm Đức Anh cũng đang nợ nần một số người khác, mỗi nơi mấy chục triệu đồng.
Tiếp xúc với phóng viên, nghi phạm cho biết từng lên mạng tìm kiếm qua các vụ cướp ngân hàng trước đây, nhưng ý định cướp ngân hàng thì từ 10h hôm qua. "Mới đầu định dán giấy che biển số xe, nhưng sau tháo biển vì sợ bị truy ra nhanh", nghi phạm nói.
Kể lại quá trình trốn chạy của mình và bị công an bắt tại nhà, Phạm Đức Anh cho biết đó là vì "Đến tối tôi có cảm giác bất an, tiếng chó cắn dọc đường càng lo sợ, nhưng không có ý định chạy. Khi xác định cướp, công an phát hiện ra mình rồi thì sống chui lủi sao được, thà cứ chấp nhận. Có trốn cũng chỉ là chui lủi, nhà còn gia đình các thứ, nên không xác định trốn đi đâu cả.
Đến 18-19h, thấy mạng xã hội đăng nhiều lắm, thấy hình của mình ở đó, nhưng người thân, bạn bè không ai phát hiện ra, vì bố mẹ không dùng mạng xã hội, vợ thì bận chăm con...", nghi phạm kể.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.