Đầu tháng 7, vợ chồng chị Hoa cùng các con chuyển từ trung tâm thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa đến một ngôi làng nhỏ ngoại ô Tokyo (Nhật Bản) với mong muốn được sống hòa mình cùng thiên nhiên. Gia đình 4 người thuê căn nhà gỗ cũ rộng chừng 50 m2, có 4 phòng tất cả.
“Điều mình thích nhất khi chuyển ra vùng ngoại ô là được sống giữa những cánh đồng chạy dài theo đường chân trời. Căn nhà mới với một mảnh vườn để trồng rau củ đúng như mình mong ước”, chị Hoa nói với Zing.
Việc đầu tiên khi chuyển đến nhà mới của chị Hoa là sắp xếp lại căn bếp 3,5 m2. Hầu hết dụng cụ làm bếp từ xoong nồi, bát đũa cho đến lò nướng, lọ đựng gia vị đều được chuyển từ nhà cũ sang. Nhiều thứ đã gắn bó với gia đình chị Hoa 4-5 năm nay, trải qua nhiều lần chuyển nhà vẫn chưa đổi.
“Dù yêu cuộc sống xê dịch, gia đình mình thích giữ lại mọi thứ. Gian bếp có lẽ là nơi ít thay đổi nhất, luôn nhỏ bé nhưng đủ ấm áp để mình có thể nấu ‘cả thế giới’ cho người thân”, chị Hoa cho biết.
Chị Quỳnh Hoa trong căn hộ ngoại ô Tokyo mà gia đình chị mới chuyển đến đầu tháng 7. |
“Của để dành” cho các con
Trước khi lập gia đình, chị Hoa vốn đã yêu thích lối sống xê dịch, không muốn bó buộc bản thân ở một nơi quá lâu. Trong thời gian còn là du học sinh Nhật Bản, chị chuyển nhà 4 lần.
“Mình thích chuyển nhà vì muốn thay đổi không khí, môi trường sống, thử thách bản thân cũng như tìm kiếm một nơi phù hợp cho mình sau này”.
Sau khi lấy chồng, sinh con, chị Hoa nói rằng mình càng có thêm nhiều lý do để theo đuổi lối sống này. Trước hết, cả hai vợ chồng chị đều là những người làm công việc sáng tạo nên thích thay đổi môi trường sống để tìm nguồn cảm hứng mới.
Ngoài ra, chị Hoa coi những ngày tháng xê dịch của gia đình chính là “của để dành cho các con”. “Số tiền chuyển nhà 4 lần có lẽ cũng đủ mua một mảnh đất nhỏ, một chiếc xe hơi, một căn hộ mới nhưng sẽ thành vô nghĩa khi mình không có những tháng ngày rực rỡ dám sống, dám thay đổi, dám phá vỡ để bắt đầu”.
Gian bếp ít thay đổi qua các lần chuyển nhà. |
Trong lần chuyển nhà mới nhất, gia đình chị Hoa tiêu tốn khoảng 600.000 yen (hơn 120 triệu đồng) cho chi phí di chuyển và thuê nhà vườn.
Không ít người từng hỏi chị vì sao phải chuyển nhà nhiều như vậy thay vì mua nhà, sống ổn định. “Mình cũng từng nghĩ đến những điều thường ràng buộc mọi người như kiếm tiền, mua nhà, tậu xe... Thế nhưng, nếu cần phải ổn định, mình muốn bị ràng buộc bởi những thứ như trách nhiệm sống và yêu thương chứ không phải bằng việc sở hữu một ngôi nhà, một nơi chốn nào đó”, chị Hoa giải thích.
Trước khi chuyển nhà, đôi vợ chồng đều trao đổi, hỏi ý kiến các con. Mỗi tuần, cả nhà thường đi cắm trại nên các con của chị Hoa cũng yêu thiên nhiên, quen với việc di chuyển. Ngoài ra, chị Hoa cho biết hai con đều hoà nhập khá nhanh nên việc chuyển trường không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập.
“Khó khăn lớn nhất của cuộc sống xê dịch có lẽ là vượt qua tâm lý của chính mình mỗi khi thay đổi chỗ ở. Khi đã vượt qua tâm lý e ngại rồi thì mình thấy không có gì trở ngại cả”.
Quyết định bỏ phố về quê
Khi mới đến Nhật Bản, gia đình chị Hoa sống ở Yamagata, Tohoku - vùng nông nghiệp trọng yếu của Nhật Bản. Khoảng một năm sau đó, cặp vợ chồng cùng hai con chuyển về Tokyo để thuận tiện cho công việc.
Tuy nhiên, không lâu sau, họ nhận ra cuộc sống đô thị quá sôi động, nhộn nhịp không phù hợp với mình. Những năm tiếp theo, vợ chồng chị tiếp tục chuyển nhà và chỉ chọn các vùng ngoại ô.
Ngôi nhà vừa chuyển về hồi đầu tháng 7 của gia đình chị Hoa cách xa trung tâm thành phố, tiện ích không được như ở các khu vực họ từng sống trước đó.
“Giờ đây, vợ chồng mình phải đạp xe đi khá xa mới có siêu thị lớn để mua đồ. Buổi tối đầu tiên đi chơi về, chúng mình đã bị lạc, đi qua mấy cái hầm tối om đầy cỏ, đường không một bóng người, lại nhiều dốc cao quanh co, lúc đó mình nhớ đến khoảnh khắc đi lạc vào ngày đầu tiên khi đến Nhật, vừa buồn cười, vừa sợ”, chị Hoa kể.
Quang cảnh phía trước nhà mới của gia đình chị Hoa. |
Dù vậy, sau hơn một tháng bỏ phố về quê, gia đình chị Hoa không hề cảm thấy hối tiếc. Cuộc sống ở vùng nông thôn gần gũi thiên nhiên đem đến những trải nghiệm mới, năng lượng tích cực hơn cho các thành viên.
“Nhà mình bắt đầu thay đổi thói quen với những bữa ăn chỉ có rau củ, tận hưởng không khí trong lành buổi sớm, trưa hè mở cửa đón gió trời thay vì sử dụng điều hoà, chiều chiều đứng ngắm hoàng hôn trên đường tàu sau nhà rồi trở về nấu cơm và tối đến thắp nến ngồi ngắm trăng hóng mát”.
Không còn ánh đèn đường chói lóa, họ có thể thấy trăng rằm vằng vặc, vài con đom đóm bay lập loè phía rặng tre, tiếng chão chuộc hoà vào tiếng ve kêu huyên náo trong những ngày hè.
“Cuộc sống mới không dễ dàng nhưng sẽ là những ngày tháng an nhiên hơn”, chị Hoa nói.