Năm 2009, chị Nguyễn Thị Diễm (42 tuổi, quê Hà Nội) đến Bhutan, sống ở một ngôi làng du mục trên thảo nguyên Sakteng, quận Trashigang, miền đông Bhutan.
Hiện tại, chị Diễm đã trở về Việt Nam, còn gia đình vẫn ở lại nơi được mệnh danh "đất nước hạnh phúc nhất thế giới".
Nhớ thương mảnh đất đã gắn bó với mình nhiều năm, vào mỗi dịp Tết cổ truyền Bhutan, hay còn gọi là Tết Losar, gia đình chị Diễm vẫn thực hiện đầy đủ nghi thức đón năm mới.
Chia sẻ với Zing, chị Diễm cho biết Tết Losar thường diễn ra gần hoặc trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam, được coi là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Vào dịp này, người dân địa phương thích mua sắm tài sản thay vì tiếp tục sử dụng đồ cũ.
Gia đình chị Diễm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán và Tết cổ truyền của người Bhutan. |
Giống như Việt Nam, người Bhutan bắt đầu chuẩn bị cho năm mới bằng cách dọn dẹp nhà cửa, nấu món ăn đặc biệt.
Tuy nhiên, Bhutan không cúng giao thừa, không có tục lệ xông đất hay mừng tuổi năm mới.
Trong ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Bhutan, chị sẽ dậy sớm, chuẩn bị các món truyền thống mang lại may mắn cho cả gia đình, trong đó có Torma, Khabzey, cháo Thukpa, và Emadhatshi - món được xem là "quốc hồn quốc tuý" của Bhutan - chỉ gồm phô mai và ớt.
Ngoài ra, chị cũng chuẩn bị thêm bánh quy chiên, mía thái hạt lựu và trái cây. Theo quan niệm của người dân Bhutan, chuối xanh và mía mang đến điều tốt lành cho năm mới.
“Ba ngày đầu tiên trong năm mới là quãng thời gian ý nghĩa nhất đối với mỗi người. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ và tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc”, chị Diễm kể.
Người dân Bhutan thường đi chơi Tết, tham gia trận đấu bắn cung, phi tiêu và các môn thể thao khác. Ngoài ra, họ cũng thích nhảy múa và hát nhạc truyền thống trong mùa lễ hội.
Trong 4 năm đón Tết ở đây, điều chị ấn tượng nhất là chỉ thị từ nhà vua, giáo hội, thủ tướng yêu cầu đóng cửa tất cả cửa hàng thịt để "tích lũy thiện lành" cho cả năm. Điều này không gây khó khăn gì cho người dân, bởi đa phần họ ăn rau, ớt, phô mai, trứng gà công nghiệp.
Về Việt Nam, gia đình chị vẫn thực hiện đủ các nghi lễ và ăn Tết Losar suốt 10 ngày đầu năm mới.
Năm nay, do dịch Covid-19, gia đình chị đón Tết tại Đà Lạt. Trước Tết, chị cùng các con đi phóng sinh rồi ra chợ mua cặp bánh chưng, bánh tét, ghé siêu thị mua thêm túi bột để làm bánh Khabzey.
Gia đình chị Diễm từng sinh sống ở một ngôi làng du mục trên thảo nguyên Sakteng, quận Trashigang, miền đông Bhutan. |
Theo tinh thần Phật giáo, gia đình chị Diễm đón Tết không quá cầu kỳ. Bàn thờ chỉ cúng nước, hương, hoa và nến.
"Tết là thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ, làm những điều mình thích và đặc biệt làm những việc thiện", chị Diễm chia sẻ.
Trong ngày đầu năm Tân Sửu, chị đã đi tặng quà và quyên góp tiền cho các gia đình khó khăn.
Khi được hỏi về lựa chọn trong tương lai, người phụ nữ 42 tuổi khẳng định mình yêu quê hương Việt Nam và đã chọn sống ở Đà Lạt vì khí hậu mát mẻ, cuộc sống yên bình. Dù vậy, chị vẫn nhớ về cuộc sống thảo nguyên.
"Ở đó, gia đình mình tự túc về lương thực, tự chăn thả gia súc lấy sữa. Người dân ăn uống đạm bạc, đơn giản nhưng đầy đủ. Cha và em trai vẫn đang ở đó nên mình muốn quay lại đó cùng mọi người. Nếu được chọn, khi về già, khi các con trưởng thành, mình muốn về Sakteng sống nốt quãng đời còn lại".