Người chồng qua cơn nguy kịch và khối tài sản khổng lồ
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tâm sự, có rất nhiều trường hợp người nhà xin cho bệnh nhân về nhà chờ chết. Và có những trường hợp rất lạ lùng. Điều các bác sĩ thấy lạ lùng nhất là dù bệnh nhân còn có cơ hội được cứu sống nhưng họ một mực xin về với trăm nghìn lý do khác nhau.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn T. là điển hình khiến các y bác sĩ ái ngại. Gia đình ông T. khá giả. Ông T. nhập viện vì bệnh viêm phổi cấp. Trên phim chụp CT cho thấy hai lá phổi bị tổn thương rất nặng. Khi đưa vào bệnh viện ông T. đã hôn mê và phải thở máy.
Bằng các nỗ lực của mình, các bác sĩ của khoa Hồi sức Cấp cứu cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân. Tình hình bệnh nhân tiến triển khá rõ. Tuy nhiên, trong khi bác sĩ cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân thì vợ của bệnh nhân T. lại một mực xin cho chồng về nhà để chết. Dù chi phí điều trị có tốn kém nhưng BHYT đã thanh toán 95%, bệnh nhân chỉ chi trả thêm một vài thuốc không có trong bảo hiểm thanh toán. Số tiền ấy cũng không quá nhiều.
Người nhà bệnh nhân lấy lý do không đủ điều kiện kinh tế. Bác sĩ thuyết phục bệnh nhân đang tiến triển khả quan và giữ lại điều trị. Sau nhiều lần thuyết phục, không cho bệnh nhân về, gia đình ông T mới để ông ở lại cho viện điều trị.
Bằng mọi nỗ lực cố gắng, cuối cùng ông T bình phục. Ngày ra viện, ông T, rưng rưng cảm ơn các bác sĩ đã cứu chữa cho mình. Chỉ có vợ ông bực tức lườm nguýt các y bác sĩ đã cứu chồng mình. Bà không cảm ơn hay có hành động gì khác ngoài ánh mắt “căm thù” với những người đã cứu chồng mình.
Sau này, bác sĩ Cấp mới được tin, nếu ông T không may qua khỏi, sẽ được bảo hiểm trả hơn 1 tỷ đồng. Có lẽ vì thế, bà vợ của ông mới xin ông về nhà điều trị. Ông T. còn sống thì gói bảo hiểm kia không thể về với vợ con ông.
Bác sĩ Cấp đang chăm sóc cho một bệnh nhân. |
Chỉ mong mẹ chết để chia tài sản
Trường hợp một cụ bà ngoài 80 tuổi trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội vào điều trị trong khoa của bác sĩ Cấp cũng tương tự như của ông T. Bà cụ bị ốm, được 5 người con đưa vào viện. Sau khi bác sĩ đặt nội khí quản cho bệnh nhân và muốn gặp người thân của bệnh nhân, cả năm người con đều ra ngoài xin hội ý.
Họ ra ngoài hành lang bệnh viện cãi nhau om xòm khiến bác sĩ phải ra nhắc nhở giữ trật tự. Lúc này, bác sĩ chỉ thấy họ to tiếng với nhau nhưng không rõ họ cãi nhau vì việc phân chia chăm sóc mẹ già hay đóng góp viện phí. Khi đi ngang qua đám con của người bệnh, bác sĩ chua chát thấy 5 người con đang phân chia tài sản khi mẹ chết và họ không ngại ngùng tranh giành nó ngay tại hành lang bệnh viện nơi mẹ đang nằm điều trị ở đó.
Một lúc sau, hai người con xin vào gặp bác sĩ. Đúng như bác sĩ dự đoán, họ đồng thanh trình bày mẹ đã già yếu nên xin bà về nhà để gần con cháu thay vì nằm ở viện điều trị. Họ lấy lý do sợ mẹ chết ở viện. Khi bác sĩ lạnh lùng cho rằng “mẹ của anh không chết được, tôi sẽ cứu bà cụ” thì các con của bà tức giận mắt trợn lên như muốn thách thức các bác sĩ. Bằng tấm lòng lương y của mình, các y bác sĩ vẫn cố giữ bà cụ ở lại. Chỉ sau 1 tuần, bà cụ ra viện trong niềm vui của cán bộ y tế và sự lườm nguýt của người thân bệnh nhân.
Hay trường hợp của ông Trần Văn B. trú tại Sơn La cũng tương tự. Từ khi vào viện, ông B. được hai người phụ nữ chăm sóc rất chu đáo. Hỏi ra bác sĩ mới biết đó là hai bà vợ của ông. Đến ngày thứ hai, mọi người ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ trẻ cũng đến và cô ấy chỉ đứng khóc ở hành lang bệnh viện. Cô ấy chỉ đứng ngoài nhìn vào buồng bệnh nơi có người đàn ông đang được hai phụ nữ khác chăm sóc. Hỏi ra, bác sĩ mới biết cô ấy là vợ ba của người bệnh. Khi ông ý đổ bệnh, hai người vợ đầu hùa nhau vào không cho vợ ba vào chăm chồng.
Họ không lo cho sức khỏe của người chồng mà họ chỉ nghĩ nếu khi người đàn ông này qua đời, tài sản chỉ chia cho hai người vợ đầu, người vợ thứ 3 sẽ không được hưởng quyền thừa kế.
Với bác sĩ Cấp, mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh khác nhau nhưng điều khiến bác sĩ ái ngại nhất là xin bệnh nhân về nhà chờ chết không phải vì nghèo, không phải vì bệnh quá nặng bác sĩ phải bó tay, mà vì khối tài sản để lại.