"Tôi đã phải trằn trọc suy nghĩ từ đêm này qua đêm khác, cuối cùng quyết định đi ngược lại quy định của tổ tiên và miễn phí công thức thuốc gia truyền cho mọi người", đó là lời quảng cáo phổ biến của một trong những nhóm lừa đảo tự xưng "thần y" trên mạng xã hội ở Trung Quốc, The Paper đưa tin.
Cuộc điều tra của phóng viên cho thấy các nền tảng mạng xã hội đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các bác sĩ, chuyên gia y tế giả mạo tự quảng cáo bản thân, thực hiện hành vi lừa đảo trắng trợn.
Các nhóm lừa đảo cắt ghép, chỉnh sửa các bản tin một cách tinh vi để lồng ghép nội dung quảng cáo của mình, đính kèm đường link trang web hoặc cách thức liên hệ với những người được gọi là "bác sĩ nổi tiếng", "thần y".
Những gì khách hàng nhận lại sau khi liên hệ để được tư vấn là những liệu trình thuốc "gia truyền" có giá cao nhưng vô tác dụng.
Những kẻ lừa đảo trên mạng tự dưng là bác sĩ nổi tiếng, lừa người bệnh mua thuốc giả với giá cao. |
Theo Mạng lưới Tài liệu Phán quyết Trung Quốc, kể từ năm 2019, các tòa án trong nước đã kết án tổng cộng 22 trường hợp giả danh chuyên gia y tế trên WeChat để bán thuốc và bán dịch vụ y tế giả, trong đó có 328 bác sĩ giả. Số nạn nhân sập bẫy là gần 29.000 người, số tiền bị lừa đảo lên tới 190 triệu nhân dân tệ.
Một trong những vụ án về bác sĩ giả là "lương y già Xu Guohuai". Vụ lừa đảo lớn do Viện kiểm sát quận Vạn Bảo (tỉnh Sơn Tây) đảm nhận xử lý, số tiền liên quan lên tới 6 triệu nhân dân tệ.
Sau khi điều tra, tòa án phát hiện người tên Xu Guohuai không hề tồn tại, địa chỉ IP do một người tên Luo đứng ra lập nên và nhiều người trong hệ thống lừa đảo này cùng sử dụng. Luo đăng ký WeChat cho các thành viên bán hàng, sử dụng thống nhất biệt hiệu Xu Guohuai và hình đại diện, sau đó tiến hành quảng cáo trên mạng.
Nhóm này lừa người dùng mua "miếng dán cai nghiện" và các loại thuốc gia truyền giả khác với giá cao.
Một kẻ lừa đảo khác là "bác sĩ nổi tiếng Hu Xueping", được giới thiệu là giáo sư của ĐH Y học Cổ truyền Trung Quốc Hồ Bắc, chuyên điều chế cao dán trị bệnh. Trên thực tế, Hu Xueping chỉ là một bác sĩ đã nghỉ hưu, trước đó bà cũng chỉ chịu trách nhiệm châm cứu, chưa từng sản xuất cao dán.
"Hu Xueping trên mạng" nhắn tin trao đổi với khách hàng thực chất là những thanh niên được thuê để đóng giả "bác sĩ già nổi tiếng Trung Quốc" nhằm lừa đảo người bệnh.
"Chữa được mọi bệnh", "bất kể bệnh gì chỉ cần dán cao của tôi là khỏi" là những lời quảng cáo từ người bán. Những nhân viên bán hàng sẽ theo dõi WeChat của khách, nếu thấy họ có kinh tế khá giả sẽ hét giá cao hơn so với người ít tiền.
Các nhóm giả danh bác sĩ, lương y để bán thuốc thường thu thập WeChat của một lượng lớn người, sau đó tiến hành quảng cáo phóng đại nhằm thu hút những đối tượng này. Những "tư vấn viên" được thuê không có kiến thức về ngành y mà chỉ nói theo "kịch bản" của kẻ cầm đầu.
Khi bệnh nhân gọi đến, tư vấn viên sẽ phóng đại tình trạng của người bệnh, hậu quả nếu không chữa kịp thời cũng như nói dối về hiệu quả sản phẩm của công ty, đưa con số giả về tỷ lệ chữa khỏi bệnh để đánh lừa người tiêu dùng.
Có trường hợp kẻ lừa đảo mạnh miệng giới thiệu thuốc do một công ty dược phẩm nổi tiếng trên thị trường sản xuất. Kết quả, công ty trên phải lên tiếng đính chính rằng đó không phải sản phẩm của mình.