"Tiên học lễ, hậu học văn" trường nào cũng treo câu khẩu hiệu này vào chỗ bắt mắt nhất, mà chẳng trường nào chú ý đến "tiên học lễ"…
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB Đà Nẵng, 2001) giải thích "Gia giáo" là sự giáo dục trong gia đình (thường nói về gia đình phong kiến thời trước); "Gia phong" là nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, là nếp nhà.
Giải thích như thế, người đọc có thể hiểu đó là chuyện của thời phong kiến - cái thời mà 74 năm trước, chúng ta đã vùng lên lật đổ (1945) và quyết tâm dẹp bỏ những tàn tích nó để lại.
Nói như ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương): "Ngay cả một cái bình cổ trong nhà cũng bị quy kết là tôn thờ các giá trị phong kiến" (Báo Lao Động, 5/5/2011).
Sau ngày đất nước đổi mới, nhiều người đã nhận ra những quy kết ấy là cực đoan, bởi không có xưa thì chẳng có nay. Đạo làm người thời nào cũng thế, không ai tuyên dương chuyện con cái chửi cha mắng mẹ; phải tiếp thu, thừa kế những ưu điểm của người xưa để làm bệ phóng cho hiện tại và tương lai chứ không thể xóa sạch làm mới theo ý kiến chủ quan của ai.
"Tiên học lễ, hậu học văn" là của người xưa để lại chứ không phải người thời nay nghĩ ra, nhưng chúng ta đã hiểu lệch. Trong sách Luận ngữ, tại thiên Học nhi, Khổng Tử viết: "Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ học văn".
Nguyễn Hiến Lê dịch: "Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học thi, thư, lễ nhạc, dịch…)".
Do đó, "tiên học lễ" có gốc từ gia giáo, khi "dư sức" mới tới trường để nhà trường bổ trợ, phát triển thêm. Dựa vào sức thừa ấy, người học càng nỗ lực thì càng có kết quả tốt đẹp. Chỉ có thể kiên trì, kiên trì chịu đựng gian khổ mới làm người trên người.
Đầu thế kỷ XXI, nhân loại bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa 4.0, Báo The New York Times, ngày 1/9/2005, đăng bức thư của Bob Herbert nói về nền giáo dục Mỹ, có đoạn: "Giáo dục bắt đầu tại các gia đình, nơi rèn luyện thói quen, nơi các bậc phụ huynh nhận thức rằng tính siêng năng trong học tập tại trường học là có vai trò quan trọng nhất" (Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng, NXB Trẻ, 2006, trang 559).
Thomas L. Friedman cũng cho rằng việc giữ gìn truyền thống dòng họ danh gia vọng tộc như Willy Lorman trong Death of a Salesman đã lỗi thời rồi, "vì thế lời khuyên của tôi với chúng trong thế giới phẳng này là rất ngắn gọn và rất thẳng thắn: "Các con ạ, khi bố còn nhỏ, ông bà thường bảo bố, "Tom, ăn hết đi con, không được bỏ dở thức ăn như thế - có biết bao người dân Trung Quốc và Ấn Độ đang đói khát".
Giờ đây, lời khuyên mà bố dành cho các con là: Các con ạ, hãy làm xong bài tập về nhà của các con đi - có biết bao người dân Trung Quốc và Ấn Độ đang khao khát công việc của các con đấy" (sđd, trang 409).
Như vậy, ở phương Tây cũng như phương Đông, mỗi thời, mỗi đời, người ta đều có cách nghĩ, cách dạy con phù hợp thời đại nhưng chung quy gia giáo vẫn là nền tảng để tạo nên gia phong.
Con người có bón phân tưới nước, có thức khuya dậy sớm bắt rầy, bắt sâu thì cây mới lớn, mới cho đời hoa thơm quả ngọt. Muốn thành công, muốn có kết quả tốt, muốn mọi chuyện tốt lành đến với mình mà không chút nỗ lực, không chịu trả giá thì chỉ có trong giấc mơ. Người ta nói "há miệng chờ sung" nhưng sung rơi vào miệng cũng phải nhai, phải nuốt, nếu không thì nghẹn họng mà chết.
Kết hợp những gì Khổng Tử, Bob Herbert, Thomas L. Friedman đã viết, tôi thấy sự suy đồi đạo đức hiện nay, những bậc phụ huynh nên nhìn lại mình trong cách dạy dỗ con cái hơn là chỉ biết trách nhà trường, trách xã hội.
Dĩ nhiên, nhà trường và xã hội cũng có trách nhiệm nhưng cái gốc vẫn là sự giáo dục trong gia đình. Hạt mầm kém thì có gieo trồng vào "thượng đẳng điền" cũng khó mà tốt được. Giáo dục, bất luận từ gia đình hay nhà trường không chỉ đơn thuần là quá trình nhận thức mà còn là dưỡng dục nhân cách.
Trên thực tế, nhân cách được định hình từ giáo dục của gia đình, nhà trường và nền văn hóa. Văn hóa không phải tự dưng mà có, không phải muốn là được, nó là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.
Do vậy, thời phong kiến hay thời thế giới phẳng, con người cũng phải dựa vào nền tảng văn hóa để lao tới tương lai. Thời nào, cha mẹ cũng phải dạy con biết "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "người trong một nước phải thương nhau cùng"…
Người sống phải có hy vọng, có ước mơ, biết thương yêu những người xung quanh mình để có thể giao phía lưng mình cho những người chung quanh canh giữ, nhằm yên tâm vững bước tiến lên. Chỉ cần trong lòng nuôi hy vọng, dưỡng ước mơ, thì không buông tha, phải kiên trì, kiên trì… tất cả đều có khả năng thực hiện được. Nếu không có mộng tưởng, vậy còn gì là nhân sinh.
Thời gian chẳng chờ đợi ai, nắm chắc hiện tại mới là mấu chốt. Người sống vì hiện tại chứ không sống vì quá khứ và phải làm tất cả để tạo ra tương lai, tạo thành nếp nhà.
Nếu không có mộng tưởng, còn gì là nhân sinh!