Ông S. đang được bác sĩ khám chi thần kinh dưới. Ảnh: Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. |
Ông N.T.S. (Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và nhồi máu não, dù vẫn dùng thuốc đều đặn. Thời gian gần đây, khi thời tiết trở lạnh, ông thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ăn uống kém và đi lại khó khăn. Gia đình đã đưa ông đến Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên.
Tại viện, huyết áp đo được là 180/90 mmHg. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân 83 tuổi bị thiếu máu não và theo dõi đột quỵ não.
Ông S. chỉ là một trong nhiều trường hợp nhập viện vì đột quỵ tại Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên trong đợt rét đậm năm nay. Trung tâm ghi nhận mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân có triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, đau thắt ngực, yếu liệt nửa người hoặc phát hiện nhồi máu não qua CT sọ não.
Đáng chú ý, số ca đột quỵ ở người trẻ từ 18-44 tuổi tăng 10% thời gian gần đây. Phần lớn nhập viện muộn do chủ quan, không nghĩ mình có nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết khoảng 60-70% ca đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm, khi nhiệt độ xuống thấp. Đặc biệt, tỷ lệ đột quỵ não kèm tăng huyết áp trong mùa lạnh chiếm đến 85%, cao hơn so với mùa nóng.
Theo bác sĩ Hoa, khi nhiệt độ giảm, cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết catecholamine để giữ ấm, gây co mạch máu ngoại vi. Hiện tượng này làm tăng trương lực mạch máu, huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ chảy máu não hoặc xuất huyết não, đặc biệt ở bệnh nhân có xơ vữa động mạch.
Để giảm nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh, bác sĩ Hoa khuyến cáo:
- Giữ ấm cơ thể và không gian sống: Mặc ấm, duy trì nhiệt độ nhà phù hợp và tránh tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng.
- Kiểm soát huyết áp: Người bệnh tăng huyết áp cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, dùng thuốc đều đặn theo hướng dẫn và không tự ý ngừng thuốc.
- Loại bỏ thói quen xấu: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia – các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tăng cường vận động: Rèn luyện thể chất đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn.
Đối với bệnh nhân đột quỵ, việc cấp cứu trong "thời gian vàng" 3-4,5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng là rất quan trọng để tăng khả năng cứu sống và phục hồi.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.