Trong tháng 6, hàng loạt ưu đãi du lịch được tung ra sau khi việc giãn cách xã hội kết thúc. Đây có thể xem là thời điểm du lịch nội địa rẻ chưa từng có. Một số khách sạn 5 sao đẳng cấp nhất Việt Nam cũng hạ "sập sàn", chỉ còn hơn 1 triệu đồng/đêm. Giá vé máy bay vào thời điểm đầu hậu dịch Covid-19 cũng được đánh giá "rẻ như cho".
Trung bình, mức giảm giá được các hãng hàng không, công ty lữ hành đưa ra có thể cao tới 50%. Tuy nhiên, trong tháng 7, mức giá siêu rẻ hầu như đã không còn. Đây cũng là điều vốn đã được dự đoán từ sớm khi du lịch nội địa bắt đầu vào đà sau những ngày ảm đạm kéo dài.
Khách đổ dồn đi tour nội địa
Lý do khiến tour nội địa trong tháng 7 "nóng" hơn hẳn tháng 6 là do nhu cầu đi lại của khách hàng tăng cao. Dịch Covid-19 khiến kỳ nghỉ hè của học sinh bị chậm trễ. Do đó, phải tới tháng 7, nhiều gia đình có con còn đi học mới bắt đầu kỳ nghỉ hè.
Ngoài ra, các đường bay quốc tế chưa mở lại khiến khách hàng chỉ còn duy nhất lựa chọn du lịch nội địa. "Du khách năm nay đổ dồn vào các tuyến nội địa khiến dịch vụ trở nên căng thẳng hơn", bà Vũ Thị Huệ, đại diện Flamingo Redtours chia sẻ với Zing.
Theo công ty này, một số tour thậm chí đã có giá cao ngang năm ngoái, ví dụ như Phú Quốc (Kiên Giang). Ngoài ra, các tour du lịch biển, sử dụng đường bay như Tuy Hòa (Phú Yên) - Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt, TP.HCM - Mũi Né (Bình Thuận)... đều tăng giá.
Khách hàng chọn tour nội địa vẫn tiếp tục tăng dù giá cao hơn so với tháng 6. Ảnh: Flamingo Redtours. |
Lý giải cho việc tăng giá đồng loạt các tour nội địa, phía Flamingo Redtours cho biết điều này phụ thuộc vào giá dịch vụ như hàng không, hệ thống nhà hàng, khách sạn. Trong đó, giá vé máy bay chiếm tới 60-70% việc cấu thành tour.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, cho biết công ty đã phải chủ động làm việc với các hãng hàng không ngay từ khi trở lại sau dịch Covid-19 để luôn có quỹ vé giá tốt cho khách. Do đó, giá tour không có sự chênh lệch đáng kể so với năm ngoái, thậm chí một số tuyến còn giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, công ty này cho biết tour khởi hành từ Hà Nội vẫn đang có giá tốt như Lý Sơn (4,5 triệu đồng - năm ngoái 5,5 triệu đồng), miền Tây (6 triệu đồng - năm ngoái 7,5 triệu đồng)... Các tuyến biển "hot" như Tuy Hòa - Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang hiện vẫn bình ổn, dao động từ 5-7 triệu đồng.
"Mức giá hiện tại vẫn phù hợp với mức chi tiêu của khách hàng, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất. Trong tháng 7, chúng tôi dự kiến đón lượng khách gấp đôi tháng 6", đại diện công ty lữ hành này cho biết.
Top One Travel, một công ty chuyên bán combo du lịch, cũng xác nhận tình hình tăng giá mạnh ở các chặng như Phú Quốc, Nha Trang và Quy Nhơn. So với tháng 6, mức giá có thể tăng từ 30-50%.
Theo đơn vị này, giá tăng nhưng lượng khách vẫn ổn định. Mỗi ngày, công ty có thể nhận 3-4 đoàn đặt combo du lịch.
Vấn đề với các hãng bay
Trong thời gian gần đây, tình trạng các hãng hàng không đột ngột hủy chuyến đang được nhiều công ty phản ánh. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc cải tạo đường bay ở 2 sân bay quốc tế lớn là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Dự án sửa chữa buộc phải tiến hành ngay trong tháng 7 để kịp phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Việc sửa chữa khiến 2 sân bay gặp tình trạng quá tải. Cảnh khách hàng phải chờ hàng dài ở sân bay, thậm chí ngồi lên máy bay vẫn phải chờ tiếp không còn là điều hiếm gặp.
Tình trạng này khiến không ít hãng lữ hành gặp khó trong việc khai thác tour. Nhiều đơn vị tỏ ra lo lắng không biết lúc nào sẽ nhận được thông báo hủy, hoãn chuyến từ các hãng hàng không.
Các hãng lữ hành lớn chưa gặp nhiều rắc rối với vấn đề hủy, hoãn chuyến bay. Ảnh: Diệp Anh. |
Trao đổi với Zing, các hãng lữ hành lớn như Vietravel hay Flamingo Redtours đều xác nhận có nắm được thông tin về việc hủy, hoãn chuyến bay. Tuy nhiên, họ không gặp quá nhiều rắc rối do đã có sự chuẩn bị từ trước.
"Việc chậm giờ bay đối với khách hàng là điều không mong muốn. Tuy nhiên, công ty thường xuyên trao đổi, phối hợp với hãng hàng không để kịp thời thông tin đến khách hàng.
Trong trường hợp xảy ra các sự cố ở sân bay, ngoài việc tuân thủ theo các điều kiện của hàng không, Vietravel đã bố trí sẵn đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ để phối hợp xử lý với các bộ phận liên quan cho khách hàng. Chúng tôi chưa bị ảnh hưởng bởi việc hủy chuyến do đã chuẩn bị sẵn series vé cho các đường bay dịp hè", đại diện Vietravel chia sẻ.
Công ty thừa nhận có thể sẽ gặp khó khăn nếu bổ sung thêm số lượng vé. Tuy nhiên, hãng lữ hành này khẳng định luôn chủ động làm việc với hàng không trước khi cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Trong khi đó, phía Flamingo Redtours nhận định các trường hợp hủy chuyến thường tập trung vào các hãng hàng không giá rẻ. Các tour của công ty đều sử dụng hãng hàng không cao cấp nên chưa gặp tình trạng này.
Trong 15/7, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi công văn hỏa tốc đến các hãng hàng không về việc phân bố suất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Theo đó, các hãng hàng không chỉ có thể mở bán vé trên hệ thống với những chuyến bay đã được xác nhận lượt cất/hạ cánh.
Ngoài ra, Cục Hàng không yêu cầu giảm tần suất khai thác những chuyến bay nhỏ tại sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời tăng tần suất các chuyến ở những cảng hàng không lân cận. Đó là Cần Thơ, Cam Ranh (gần Tân Sơn Nhất) hay Cát Bi, Thọ Xuân (gần Nội Bài).
Cục Hàng không sẽ áp dụng các biện pháp hủy phép bay, thu hồi suất nếu phát hiện các hãng hàng không cố ý khai thác không đúng với suất được xác nhận và phép bay được cấp.