Giá xe ô tô ở Việt Nam đắt nhất thế giới
Bình quân thu nhập đầu người ở Việt Nam không cao, nhưng người Việt lại phải mua ô tô với giá đắt nhất thế giới. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến ngành công nghiệp ô tô đang có chiều hướng suy giảm.
Cùng một loại xe, người tiêu dùng Việt phải trả giá cao gấp 3 lần giá thế giới. |
Giá ô tô đắt nhất thế giới
"Việt Nam là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới nếu muốn sở hữu một chiếc xe hơi”, đó là nhận định của ông Andreas Klingler - Tổng giám đốc hãng xe hơi Porsche Việt Nam khi bình luận về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay. Theo ông Andreas Klingler, sở dĩ ông đưa ra sự so sánh này là bởi thực tế, người dân Việt Nam muốn sở hữu một chiếc ô tô, họ phải trả cho chiếc xe ấy rất nhiều loại thuế và phí.
Chính bởi gánh nặng thuế và phí hiện nay mà người tiêu dùng Việt Nam, với mức thu nhập rất khiêm tốn song nếu muốn có một chiếc xe hơi "hạng trung”, họ phải trả giá cho chiếc xe đó với mức tiền cao gấp 3 lần mức giá thế giới đối với chiếc xe cùng loại. Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, mua một chiếc ô tô, người tiêu dùng phải gánh nhiều loại phí và thuế như lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, thuế VAT... làm cho giá thành đội lên tới 3 lần. Xét về lĩnh vực vận tải, việc mua ô tô giá cao, làm cho phí dịch vụ vận tải cao hơn, tác động tiêu cực đến ngành vận tải nước nhà. Đây là một thiệt thòi cho người tiêu dùng Việt Nam, mà theo khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Người tiêu dùng Việt Nam cần được hưởng mức giá như người dân các nước khác. Bởi ô tô không còn là mặt hàng xa xỉ, mà là phương tiện đi lại, vận tải... kết nối sản xuất và tiêu dùng”. Ông Hùng cũng đề xuất, có thể, các dòng ô tô có thương hiệu sẽ phải thu phí và thuế cao, còn các dòng ô tô dùng để đi lại, rẻ tiền, dung tích thấp... không nên bị "đối xử” như ô tô đắt tiền.
Theo tính toán của giới chuyên gia, không chỉ giá ô tô đắt đỏ, chi phí để "nuôi” một chiếc ô tô ở Việt Nam cũng rất cao so với thế giới. Ví dụ như gửi xe ô tô đi giao dịch có giá trung bình 30 nghìn đồng/xe/lượt. Gửi xe ô tô qua đêm mất 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Nếu trung bình 1 chiếc xe đi 1.500km/tháng tốn hết khoảng hơn 100 lít xăng, số tiền chi ra cũng hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Sắp tới có thể xe ô tô phải tính phí lưu hành hơn 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm người sở hữu xe mất cả trăm triệu đồng để nuôi xe... Con số này cao hơn cả ở các nước phát triển nhất thế giới như Mỹ, Anh, Singapore.
Minh bạch chính sách thuế, phí
Có lẽ, đó cũng là một trong những lý do khiến thị trường ô tô Việt Nam thời gian qua sụt giảm đáng kể. Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, ông Ngô Văn Trụ nhận định, từ năm 2010 trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam có những sụt giảm nhanh chóng. Mặc dù sự khó khăn chung của hầu hết các thị trường là do tác động vĩ mô của kinh tế thế giới, song, đối với thị trường ô tô Việt Nam tác động vẫn đến từ các yếu tố nội tại. Cụ thể, các chính sách thuế, phí biến động hàng năm tác động không nhỏ đã khiến thị trường ô tô trong nước suy giảm.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mercedes - Benz Việt Nam, ông Michael Behrens dẫn ra các loại thuế, phí đánh vào ô tô từ năm 2003 đến nay và thắc mắc rằng, ông không thể hiểu nổi tại sao lại có những loại thuế, phí đó. Chính sách thuế, phí đối với ô tô của Việt Nam thiếu sự minh bạch và ổn định – điều tối kỵ để phát triển một ngành công nghiệp ô tô.
Thị trường ô tô toàn cầu hiện nay vẫn đang tiếp tục tăng, duy chỉ có Việt Nam là suy giảm. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2012, thị trường ô tô Thái Lan đã tăng trưởng 218%. Còn bình quân tăng trưởng thị trường này ở các nước là 30%. Con số này hẳn đang gây những quan ngại cho thị trường ô tô trong nước trong thời gian tới. Lý giải cho sự thụt lùi so với thế giới này, ông Andreas Klingler cho rằng có hai lý do: Một là giá xe quá đắt; thứ hai là do cơ sở hạ tầng không tốt, không thuận lợi.
Áp lực về thuế, phí, và cả cơ sở hạ tầng giao thông đang trở thành gánh nặng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Bởi vậy, theo các chuyên gia, ngành công nghiệp này chỉ thực sự được tháo gỡ khó khăn khi những áp lực nói trên phải được giảm tải.
Theo Đại Đoàn Kết