Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải cứu bầu trời đêm Trung Quốc

Việc các thành phố ở Trung Quốc lạm dụng đèn chiếu sáng quá mức để làm đẹp cảnh đêm gây ra sự phiền phức cho các loài chim và người dân.

Nhiều khu vực ở xứ Trung thắp sáng đường phố, tòa nhà như phòng khiêu vũ.

Tháng 8 năm nay, khi tỉnh Tứ Xuyên (phía tây nam Trung Quốc) vật lộn với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, Thượng Hải - nơi lấy phần lớn năng lượng từ các con đập tại đây - phải tạm thời tắt đèn chiếu sáng cảnh quan ở khu tài chính Lục Gia Chủy và Bến Thượng Hải mỗi đêm.

Đối với những ai mệt mỏi với ánh sáng lòe loẹt, đây là một sự thay đổi đáng mừng. Nó cũng mang đến một cái nhìn hiếm hoi về cảnh đêm ở đất nước tỷ dân không bị ảnh hưởng bởi nỗi ám ảnh về đèn điện của các nhà quản lý thành phố, theo Sixth Tone.

Chiếu sáng đô thị thường được phân thành hai loại: đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân vào ban đêm và làm đẹp cho nơi được mệnh danh là “hòn ngọc Phương Đông”.

Phô trương ánh sáng quá mức

Sự bùng nổ hiện nay với đèn trang trí bắt nguồn từ thành phố ven biển phía đông bắc Đại Liên. Nơi này đã lắp đặt các công cụ chiếu sáng có công suất cao dọc theo đường phố và quảng trường công cộng để thúc đẩy du lịch, sự an toàn cho du khách vào đầu những năm 2000.

Sau đó, nhiều khu vực khác cũng làm theo, châm ngòi cho cuộc chạy đua trình diễn ánh sáng một cách phô trương. Hình ảnh các tòa nhà được bao phủ bởi đèn LED nhấp nháy, rực rỡ trở nên quen thuộc với những người sống ở đô thị.

Chiếu sáng cảnh quan được thiết lập dọc theo bờ sông, trong các trung tâm thương mại và thậm chí ở khu dân cư.

Gần đây, các thành phố còn tổ chức những màn trình diễn công phu bằng máy bay không người lái trên bầu trời đêm trong những ngày lễ. Hầu hết chương trình đều được chuẩn bị chỉn chu, hoành tráng nhất có thể để thu hút khách du lịch và biến các trung tâm văn phòng - thường chết vào ban đêm - thành địa danh sôi động.

trung quoc tat den anh 1

Các thành phố ở Trung Quốc tràn ngập trong ánh sáng vào ban đêm, ngày lễ. Ảnh: CGTN.

Tuy nhiên, xu hướng này đã gây ra những tác động xấu đến cảnh quan đô thị, sự cân bằng sinh thái, quan sát thiên văn và an toàn giao thông.

Ánh sáng là một yếu tố kích thích mạnh và các sự kiện phô bày nó thường cần sự sặc sỡ dựa trên cường độ, độ bão hòa, độ tương phản ở tần suất cao.

Vào năm 2019, chuyên gia Hao Luoxi đã thu thập nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống đèn đô thị vào ban đêm ngăn chặn sự tiết melatonin, làm gián đoạn giấc ngủ và nhịp sinh học, giảm khả năng miễn dịch và thậm chí gây ra nhiều vấn đề về cảm xúc.

Bài báo của Hao đã trích dẫn một nghiên cứu của các học giả Nhật Bản và Trung Quốc về độ chiếu sáng ở 6 khu vực thương mại ở Thượng Hải và Hong Kong, với tổng số 888 điểm đo.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng giá trị kích thích sinh học (CS) đo được ở 2 thành phố là 47% và 86%, lần lượt vượt quá ngưỡng làm việc đối với ức chế melatonin cấp tính.

Lợi bất cập hại

Lạm dụng đèn sáng không chỉ gây hại cho con người mà còn cả động vật hoang dã. Ví dụ, loài chim sử dụng ánh sáng tự nhiên để điều hướng vào buổi tối và phát hiện thông tin tuyến đường bay.

Khi đối mặt với ánh sáng nhân tạo, chúng phải vật lộn để nhận thức các tòa nhà và chướng ngại vật khác. Thậm chí, chúng có thể bay theo hướng ngược lại để tránh khu vực đó hoặc đâm vào các loài vật.

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các loài chim di cư ở Bắc Mỹ là va chạm vào những tòa nhà cao tầng, có liên quan đến đèn điện.

Những thảm kịch tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc. Vào tháng 8/2006, hàng trăm con chim đã chết tại một bến phà ở Đại Liên sau khi chính quyền lắp đặt 14 cột đèn quá sáng.

Trong một bài báo năm 2009 về tác động sinh thái của ánh sáng vào ban đêm tại cung điện mùa hè (Bắc Kinh), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đàn chim đặc biệt nhạy cảm với kích thích về luồng sáng bên ngoài bất thường khi trời tối và rất dễ sợ hãi về tổ của chúng.

Tương tự, một bài báo năm 2012 cho thấy ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể phá vỡ nhịp sinh học ban ngày của loài oanh cổ đỏ trong quá trình di cư.

Vấn đề này không chỉ nhắm đến loài chim mà còn khiến rùa cái khó đẻ trứng, làm tổ, cũng như làm trầm trọng thêm rủi ro khi nở và tỷ lệ sống sót của con non thấp hơn.

Nó cũng có thể khiến côn trùng tụ tập xung quanh đèn cho đến khi chết vì kiệt sức, dẫn đến giảm số lượng loài này và ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn.

trung quoc tat den anh 2

Thượng Hải sẽ tắt đèn trang trí giữa lúc nhu cầu điện ở thành phố này tăng cao vì nắng nóng. Ảnh: AFP.

Trong báo cáo kỹ thuật “CIE 234: 2019: Hướng dẫn về quy hoạch tổng thể chiếu sáng đô thị”, Ủy ban Quốc tế về Chiếu sáng (CIE) đã đưa yếu tố trên trở thành phần kiểm soát quan trọng khi thực hiện những màn trình diễn.

Tại xứ tỷ dân, chính phủ đã kêu gọi các thành phố đặc biệt chấn chỉnh những dự án phô trương, lạm dụng chiếu sáng cảnh quan quá mức.

Ở cấp địa phương, Hàng Châu đã đặc biệt nâng cao tính khẩn cấp của “bầu trời tối” trong kế hoạch năm 2013 và đề xuất thành lập “khu dự trữ ban đêm” không bị ô nhiễm ánh sáng.

Chỉ một tháng trước khi đèn tắt dọc theo bờ sông Hoàng Phố, Thượng Hải đã sửa đổi các biện pháp bảo vệ môi trường để ngăn ngừa tình trạng trên.

Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều quy định, vấn đề vẫn sẽ còn tồn tại nếu những người đứng đầu coi việc chiếu sáng vào ban đêm nhằm làm đẹp hơn là ô nhiễm. Theo Sixth Tone, những màn trình diễn rực rỡ không nên là tiêu chuẩn cho các thành phố, cũng như việc nhiều tòa nhà tận dụng màn hình lớn để quảng cáo.

Hong Kong mở cửa nhưng chưa ai muốn đến

Sau khi quy định cách ly tại khách sạn với người nhập cảnh Hong Kong được dỡ bỏ, các số liệu về chuyến bay quốc tế đến thành phố này vẫn rất mờ nhạt.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm