Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giải cứu' đồng bằng ở Hà Lan: Cuộc chiến muôn đời với thủy thần

Cuộc chiến thủy thần của người dân Hà Lan kéo dài hàng nghìn năm, đúc kết thành những bài học kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

2/3 diện tích của Hà Lan nằm thấp hơn so với mực nước biển. Theo nghiên cứu, 1/3 diện tích nước này có nguy cơ bị "biến mất" nếu không được đê bao bọc.

Cơn bão vào đầu năm 1953 đã nhấn chìm toàn bộ diện tích 3 tỉnh phía nam Hà Lan, cướp đi sinh mạng của 1.800 người, hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hỏng. Ngay sau thảm kịch đó, chính phủ Hà Lan quyết định thành lập Ủy ban Châu thổ nhằm xây dựng các công trình thủy lợi đối phó với lũ, nước biển dâng và xây dựng các cửa ngăn nước biển.

Ha Lan doi pho voi nuoc bien dang anh 1

Chính phủ Hà Lan tập trung xây dựng nhiều đê, kè để chống ngập lụt. Ảnh: NY Times.

 

Chặn sông, lấp biển

Qua nhiều năm, Hà Lan đã xây dựng được hệ thống đê biển, đập thoát nước vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu. Công trình "rào" vịnh Zuiderzee ở khu vực tây bắc là hệ thống đập và đê bao nhân tạo, nhằm thoát nước chống lũ và cải tạo đất mở rộng diện tích đất phục vụ nông nghiệp.

Vùng Zuiderzee trước đây vốn nằm trọn trong nội địa và thông với biển Bắc, có diện tích khoảng 5.000 km2, mực nước sâu 4-5 m. Nơi đây cung cấp nguồn thủy hải sản dồi dào, góp phần phát triển kinh tế biển. Song mỗi khi bão về, nó trở nên hung hãn khiến nhiều con đê bị vỡ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Sau trận bão kinh hoàng năm 1916, chính phủ Hà Lan phải tính đến việc xây dựng một con đập chắn ở vịnh Zuiderzee. Tới năm 1923, con đập được khởi công. Ban đầu, ngư dân nơi đây phản đối bởi lo ngại sẽ mất đi kế sinh nhai.

Nhiều người cũng cho rằng công trình có thể khiến mực nước dâng cao ở một số địa điểm dọc bờ biển. Các nhà hoạch định thì cảnh báo về chi phí khổng lồ, vượt quá khả năng của ngân sách.

Bước đầu của dự án này là rào Zuiderzee, xây một con đập dài 32 km qua vịnh. Phần quan trọng là con đê chính Afsluitdijk, chạy từ Den Oever ở Wieringen tới làng Zurich ở Friesland. Đê dài 32 km, rộng 90 m và cao hơn 7,25 m so với mực nước biển. Mặt đê gồm 4 làn đường, tách Zuiderzee ra khỏi Biển Bắc.

Biển Zuiderzee đã bị xóa sổ và thay bằng hồ nước ngọt Ijsselmeer rộng 1.100 km2.

Ha Lan doi pho voi nuoc bien dang anh 2

Đê Afsluitdijk

là một phần của công trình Zuiderzee ở tây bắc Hà Lan. Ảnh: Pointurier .

Công trình này mở cửa vào 25/9/1993. Tới năm 2004, giới chức Hà Lan ước tính chi phí xây đập khoảng 710 triệu USD.

Công trình trị thủy khổng lồ này đã giúp xứ sở hoa tulip giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thuỷ sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía Bắc, mở rộng khoảng 1.600 km2 đất lấn biển.

Còn ở phía tây nam, dự án Delta Works (tạm dịch: Chương trình Đồng bằng) nhằm giải quyết tình trạng các đồng bằng châu thổ Rhine-Meuse-Scheldt bị chia cắt bởi các cửa sông. Mục tiêu của các đập, cống, và các rào chắn chống bão đã làm ngắn đường bờ biển Hà Lan, do đó làm giảm số lượng các tuyến đê đã được nâng lên, giải quyết lũ lụt.

"Tại một số quốc gia, người ta thường nói rằng: 'Hãy chờ xem sao'. Tuy nhiên, với Hà Lan, hoài nghi không phải là cái cớ để chờ đợi".

Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) là công trình lớn nhất trong 13 đập của hệ thống kèo và đê chắn thuộc hệ thống Delta. Oosterschelde dài hơn 8 km, hoạt động linh hoạt và là biểu tượng của thành tựu kỹ thuật hiện đại. Kết cấu chính gồm 62 cánh cửa thép, mỗi cửa rộng 42 m, được chống bằng 65 cột bê tông và nặng trung bình 18.000 tấn.

Ha Lan doi pho voi nuoc bien dang anh 3

Kè Oosterscheldekering là công trình nổi bật của Hà Lan. 

Ảnh: Amusing Planet.

Bình thường, những cánh cửa này mở, để thủy triều lên xuống tự nhiên giúp duy trì hệ sinh thái và phục vụ ngành đánh bắt cá. Tuy nhiên, khi thời tiết có dấu hiệu xấu hoặc nước biển dâng cao do bão, cánh cửa thủy lực sẽ đóng kín.

Dù chính thức hoàn thành năm 1997 với chi phí 7 tỷ USD, Hà Lan vẫn tiếp tục bổ sung cơ sở hạ tầng cho các công trình của hệ thống khi cần thiết. Các chuyên gia nhận định rằng cần tiếp tục triển khai các dự án chống lại mực nước dâng cao, do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

"Diễn biến của thực trạng biến đổi khí hậu không rõ ràng. Rất khó để xây dựng các giải pháp cho một tình huống cụ thể trong tương lai. Nhiệm vụ này sẽ không bao giờ kết thúc, chúng ta phải liên tục hành động", Jos Van Alphen, thành viên Ủy ban Châu thổ Hà Lan nhận định.

"Luôn luôn hành động, không phạm sai lầm"

"Nếu đưa ra quyết định sai lầm, chúng tôi sẽ phải trả giá trong hàng thập kỷ", ông Wim Kuijken, quan chức cấp cao thuộc Chương trình kiểm soát nước tổng thể cho biết. 

"Diễn biến của thực trạng biến đổi khí hậu không rõ ràng. Rất khó để xây dựng các giải pháp cho một tình huống cụ thể trong tương lai".

Các biện pháp để đối phó với biến đối khí hậu được Hà Lan đề cao hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cho rằng mực nước biển có thể dâng khoảng 1-2 m, thậm chí cao hơn vào cuối thể kỷ 21.

Năm 2010, khoảng 800 km đê trong tổng số 3.500 km ở Hà Lan không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Thực trạng toàn cầu nóng lên ở thế kỷ 21 có thể khiến Hà Lan phải nỗ lực "chạy đua với thời gian". Dự án "Room for the River" nhằm mở rộng không gian cho nước lũ "thoát" nhanh ra biển được đầu tư hơn 2,2 tỷ euro và được kỳ vọng giảm thiểu nguy cơ lũ từ 4 con sông chính ở quốc gia này.

Ha Lan doi pho voi nuoc bien dang anh 4

Mô hình thuộc dự án "Room for the River" ở Hà Lan. Ảnh: Mottma.

Các giải pháp bao gồm nạo vét lòng sông, bờ sông, dời đê ra xa bờ sông, mở thêm đường kênh song song với sông, bỏ những vật cản nước chảy, gia cố đê, đặt trạm bơm…

"Tại một số quốc gia, người ta thường nói rằng: 'Hãy chờ xem sao'. Tuy nhiên, với Hà Lan, hoài nghi không phải là cái cớ để chờ đợi. Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra giải pháp tốt nhất", chuyên gia Hans Brouwers của dự án "Room for the River" nhấn mạnh. 

"Trong tình huống xấu nhất, tất nhiên, chúng ta phải sống chung với lũ. Đôi khi, người dân phẫn nộ khi chính phủ xây dựng quá nhiều đê, kè vì họ không nhìn thấy lợi ích lâu dài. Chúng tôi hài lòng với kết quả hiện giờ, chính phủ đang tiếp tục đầu tư để xây dựng các công trình tương tự", ông Brouwers chia sẻ. 

Thủ tướng: Biến thách thức thành thời cơ với ĐBSCL Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan vào tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long dù nơi đây đối mặt không ít thách thức.

Bài học của Hà Lan về 'giải cứu' đồng bằng trước biến đổi khí hậu

Phó Cao ủy Đồng bằng Hà Lan đã chia sẻ cần có một cơ quan đặc biệt để đảm bảo việc liên kết ngành trong việc giúp Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức biến đổi khí hậu.

Trà My

Theo The Guardian, NYT

Bạn có thể quan tâm