Giải cứu rùa biển Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tàu và những khu resort
Chủ nhật, 9/9/2018 18:00 (GMT+7)
18:00 9/9/2018
Sau nỗ lực bảo tồn thành công của một phụ nữ tự nhận mình "rất yêu rùa biển", bãi biển Iztuzu trở thành khu bảo tồn rùa quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
June Haimoff tình cờ gặp một con rùa đầu to trên bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hơn 30 năm. Sự kiện này đã thay đổi cuộc sống của bà và tương lai của bãi biển nơi bà đang sải bước.
Hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp của vùng bờ biển ngăn cách giữa Địa Trung Hải và dòng nước xanh biếc của sông Dalyan, bà Haimoff chuyển hẳn về đây từ những năm 1980 và sớm "nảy sinh tình yêu" với những chú rùa.
Ba thập kỷ sau, người phụ nữ Anh nay đã 95 tuổi vẫn thường xuyên lui tới chòi quan sát ở bờ biển Iztuzu, khu vực bà đã dày công bảo vệ khỏi những nhà đầu tư muốn biến nơi sinh sản của loài rùa thành thiên đường du lịch với hàng loạt resort, khách sạn, nhà hàng và trung tâm tổ chức sự kiện.
"Lần đầu tiên chứng kiến cảnh rùa đẻ trứng, tôi không thể cử động. Tôi còn nhớ mình xúc động đến phát khóc", bà Haimoff nói. "Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về chúng càng nhiều càng tốt".
Năm 1987, bà Haimoff cùng một vài người bạn đấu tranh nhằm ngăn một dự án xây dựng khách sạn tại bờ biển Iztuzu vì lo ngại công trình này có thể ảnh hưởng đến nơi sinh sản của loài rùa. Họ đã thành công. Trong ảnh, một du khách đi ngang khu vực rùa đẻ trứng với các tổ trứng được đánh dấu.
Một con rùa bị thương được các nhân viên của Trung tâm Cứu trợ Rùa biển chăm sóc. Sau nỗ lực của bà Haimoff, vùng bờ biển Iztuzu luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Không một công trình nào được cấp phép xây dựng, ánh sáng nhân tạo bị cấm vào ban đêm, những bữa tiệc ngoài biển hoàn toàn không được tổ chức và những con rùa thoải mái lên bờ sinh sản.
Sau nỗ lực bảo tồn thành công, khu vực Iztuzu ngày càng tập trung vào việc bảo vệ rùa biển, với trung tâm cứu trợ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chữa trị vết thương cho rùa biển trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ảnh, nhân viên cứu hộ bôi sáp ong lên phần mai rùa va chạm với chân vịt của một con tàu.
Giáo sư Yakup Kaska (áo xanh), người đứng đầu Trung tâm Cứu trợ Rùa biển, khẳng định khả năng va chạm với chân vịt của tàu thuyền hoặc mắc phải lưới đánh cá, ăn trúng vật dụng bằng nhựa, bao nylon là những mối đe dọa lớn nhất đối vời rùa biển.
Bà Haimoff, người thường được biết đến với tên gọi "Thuyền trưởng June" vì tình yêu dành cho biển cả, thường hướng dẫn cho các du khách về những hiểm họa đe dọa sự tồn tại của rùa biển và dạy các học sinh về bảo tồn sinh học. "Tôi là một phụ nữ quá đỗi yêu những chú rùa", bà nói.
Rùa biển thường đào cát đẻ trứng bên bờ biển. Tại Iztuzu, trứng của loài động vật quý hiếm này sẽ được đếm cẩn thận, sau đó được chuyển đến một khu vực an toàn để ấp tự nhiên.
Các nhà sinh học cho rằng rùa biển có khả năng ghi nhớ những thông tin về môi trường nơi chúng sinh ra, sau đó trở lại đây để sinh sản khi đã trưởng thành. Vòng đời của rùa thường kéo dài 20-50 năm.
Khi cháy rừng diễn ra dữ dội và cây bụi đang dần thế chỗ những rừng thông, các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi hệ sinh thái toàn cầu với tốc độ chóng mặt.
Hoạt động săn 177 cá thể cá voi là một phần trong dự án của Nhật Bản nhằm chứng minh cá voi không phải động vật có nguy cơ tuyệt chủng và khôi phục hoạt động đánh bắt thương mại.