Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã nhạc chế

Không được cơ quan chức năng nào thừa nhận, nhạc chế vẫn “hiên ngang” tồn tại, thậm chí ngày càng "phát triển" một cách mạnh mẽ.

Giải mã nhạc chế

(Zing) - Không được cơ quan chức năng nào thừa nhận, nhạc chế vẫn “hiên ngang” tồn tại, thậm chí ngày càng "phát triển" một cách mạnh mẽ.

Lần tìm khái niệm “nhạc chế”

“Nhạc chế” là loại nhạc dựa trên giai điệu của các ca khúc có sẵn, thường là các ca khúc được yêu thích hoặc đang “nổi”, thậm chí dùng cả các bài hát cách mạng lẫn những điệu lý, điệu hò, sau đó sửa lời bản gốc, thay bằng lời mới với ca từ “shock” hơn hoặc “thê lương” hơn.

Có thể dẫn ra một vài ví dụ cho loại nhạc chế này: bài hát Chuyện tình lan can – một thời gian khá nổi trên cách forum, blog – là lấy giai điệu từ bài In the army now của Status Quo (Trong đêm trăng thanh, em gọi nhầm tên anh - Anh lao lên tung quả đá song phi --> Em đập vào lan can, Ô ú ô, em đập vào lan can); Bài Chiếc xe hơi thất tình lấy từ Beautiful girls hoặc các bài hát Hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều, Hãy về đây bên anh là nhái lại các ca khúc ăn khách của Ưng Hoàng Phúc, Duy Mạnh.

Giải mã nhạc chế

Nhóm "tác giả" Chuyện tình lan can được "tung hô" như người hùng! - Ảnh: Kênh 14

Tuy nhiên, trong quá trình “tồn tại” và “phát triển”, nhạc chế đã bị biến thể thành vô số thể loại khác nhau. Thật khó có thể phân biệt được đâu là nhạc chế, đâu là nhạc tù, đâu là nhạc nhảm và ngay cả những người phụ trách các forum âm nhạc cũng phải bó tay trước vấn đề này.

Nếu chịu khó rảo qua các topic nhạc chế trên các forum âm nhạc, người nghe có thế thu thập được hàng ngàn bản nhạc chế với muôn vàn thể loại lẫn cách thức thể hiện: từ các bài hát viết ra để “cười lăn cười bò” như Trái tim siêu nhân Gao đến các bản rap “kể tội” như Phút ức chế Văn Quyến; từ các bài có ngôn từ “bình dân” đến các bài có nội dung rất tục như Giết chó; từ những bản “tự sự”, “độc thoại” để “than thân trách phận” hoặc để phát ngôn nhảm nhí như Nói xấu vợ, Kế hoạch hóa đến những bài dùng luôn cả… thể thơ lục bát của dân gian như Đám cưới

Những nẻo đường… nhạc chế

Đã qua lâu lắm rồi cái thời nhạc chế chỉ biết bon bon cùng những chiếc xe kẹo kéo lân la vào những xóm nghèo, đã qua rồi cái thời những bài hát kiểu “Anh cho em tiền đô, tiền đô để sắm đồ, tiền đô để đi phố…” được chép vội vã, sang đi sang lại nhiều lần trên những băng cassette cũ, rồi lại chuyền từ nhà này sang nhà khác.

Thời buổi “công nghiệp hiện đại”, nhạc chế được phổ biến một cách “công nghệ” hơn, nhanh chóng hơn. Việc in sao băng đĩa lậu dễ như trở bàn tay, thậm chí thu âm bài hát tại nhà cũng chẳng còn là vấn đề lớn, tựu chung lại đã làm nhạc chế bùng phát mạnh mẽ hơn và mức độ báo động về loại nhạc này cũng tăng lên không kém.

Thử làm một thống kê nhỏ về nhạc chế, với từ khóa “nhạc chế” và sử dụng công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong chớp mắt đã có 942,000 tin, bài liên quan đến nhạc chế được liệt kê. Trong số đó, 90% là các forum âm nhạc, blog cá nhân có nội dung đăng tải, truyền bá, phổ biến loại nhạc này, 10% ít ỏi còn lại là các bài phân tích, bình luận trên các báo điện tử về vấn nạn “nhạc chế”.

Thống kê trên cho thấy việc tìm kiếm và tải nhạc chế về các máy tính cá nhân không có gì là khó khăn. Một cú click chuột, một bài nhạc được tải về. Rất nhiều forum âm nhạc cho phép download nhạc chế miễn phí, thậm chí cho phép cả những người chưa đăng ký thành viên có quyền download. Song song đó là lượng thành viên khổng lồ tại các forum này lại tiến hành upload nhạc, chia sẻ với các thành viên khác. Cứ thế mà nhạc chế nở rộ ngày càng nhiều.

Ở những nơi internet chưa phố biến, thậm chí là xa lạ, nhạc chế đi vào đời sống con người thông qua những chiếc xe bán đĩa lậu chiều chiều rảo bước khắp các ngõ hẻm, mở nhạc ầm ĩ. Ở những khu công nghiệp xa như Bình Dương, Thủ Đức, chiều chiều tan sở là các công nhân lại ghé lùng mua những đĩa nhạc chế được bày bán với giá rẻ mạt trên những “gian hàng xổm” kéo dài từ khu công nghiệp về tận nhà trọ. Đáng báo động hơn là những đĩa nhạc này thường kèm theo những hình ảnh bikini tươi mát, khiêu gợi và được rao bán công khai như thách thức cả các cơ quan quản lý.

Vì sao nhạc chế “hot”?

Có lẽ đã không còn hứng thú với các ca khúc nhạc trẻ hiện nay bởi ca từ nghèo nàn, nhạt nhẽo, một bộ phận giới trẻ đã chuyển sang ghiền “nhạc chế”. Họ tâm sự rằng ban đầu mới nghe nhạc chế, họ chỉ thấy loại nhạc này nghe “vui tai”, “là lạ”. Càng nghe nhiều, họ càng tỏ ra thích thú với thể loại này bởi theo họ, cho dù nhạc chế có rất nhiều bài hát thô thiển, nhảm nhí nhưng lại đáp ứng và kích thích tâm lý vốn có của họ là mê những gì “mới lạ” và “nghịch ngợm”!

Dạo qua một số cửa hàng băng đĩa trong thời gian gần đây, không khó để nhận thấy rằng nhạc chế cũng có một vị trí không kém gì những thể loại nhạc khác. Nắm bắt tâm lý thích chạy đua theo mốt của đại bộ phận giới trẻ, nhiều ông chủ cửa hàng không ngần ngại thu thập và mở rộng gian hàng nhạc chế của mình. Khách mua phần lớn lại là giới sinh viên học sinh nên rõ ràng nhạc chế đã giúp việc kinh doanh ở nhiều cửa hàng khấm khá rõ rệt.

Giải mã nhạc chế
Họ đang nghe nhạc chế?

Chỉ là cười rồi thôi?

Theo ý kiến của dân ghiền nhạc chế, họ nghe loại nhạc này đơn thuần chỉ là giải trí, để giải tỏa sau những giờ làm việc học tập căng thẳng, chứ không có mục đích xấu hay ý muốn xuyên tạc điều gì. Tuy nhiên, những hệ quả mà nhạc chế đem lại không chỉ đơn giản như thế, ảnh hưởng của nó tới bộ phận giới trẻ hiện nay khiến cho chúng ta phải suy ngẫm và xem xét lại.

Thứ nhất, dù viết lại lời ca khúc với bất cứ mục đích gì đi nữa, những người viết nhạc chế cũng phạm phải một lỗi rất lớn: không tôn trọng nhạc sĩ của bài hát và không tôn trọng bản quyền. Chắc chắn không một nhạc sĩ nào muốn đứa con tinh thần của mình bị biến hóa một cách vô tội vạ như thế. Và ngay cả những người yêu âm nhạc thực sự cũng không hề muốn phải nghe một “biến thể” khác của nhạc phẩm mà mình yêu mến.

Những điệu lý dân gian quen thuộc thì bị biến thành những Lý nói láo, Lý gái hư, Lý bán quán… với ca từ thô thiển và đả kích xã hội. Còn những ca khúc của các nhạc sĩ lớn bị sửa lời thì không thể kể hết, xin chỉ dẫn ra một vài bài hát tiêu biểu như Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn), Lời người ra đi (Trần Hoàn)…, riêng bài hát dân ca Nga Kachiusa có lẽ là được “chế” nhiều nhất với hàng chục bản truyền miệng lẫn phát tán qua internet kiểu như “Cầu vừa xây xong người ta mới kêu là xây cầu…” hay “Gà mà còn lông người ta mới kêu là con gà”…

Vấn đề thứ hai là ngôn từ, một điều không thể chối cãi là ngôn từ của phần lớn các bài nhạc chế đều quá nhảm nhí, thô thiển… Chắc chắn không bậc cha mẹ nào hài lòng nổi với câu hát “Công cha như chiếc xì- po, nghĩa mẹ như chiếc en-giồ tám mươi. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là xì-po…” hoặc “Từ ngày mẹ sinh con ra, tính tình kỳ cục, đàn ông tính thì đàn bà, trai chẳng ra trai, gái nào phải gái, đồng tính hay luyến ái, mà sao nó khoái con trai...”.

Cuối cùng là ảnh hưởng của nhạc chế tới nhu cầu giải trí của giới trẻ. Khá nhiều bạn trẻ xem việc nghe nhạc chế là thú vui không thể thiếu. Nhiều bạn lưu trữ nhạc chế trong điện thoại, máy tính, rồi lại lên mạng chia sẻ hoặc phát tán cho nhiều người khác. Nhiều bạn muốn “nổi bật” hơn, còn tự sáng tác lời mới cho các bài nhạc chế như một cách tạo sự chú ý tới mọi người.

Đó là chưa kể một bộ phận thanh niên khác, chiều chiều ra các quán cà phê cóc, thích thú theo giai điệu xập xình của các bài nhạc chế đi kèm với hình ảnh của những cô gái mặc áo tắm hai mảnh lắc lư theo điệu nhạc.

Bảo Minh

Bạn có thể quan tâm