Thể thao có thể khiến hàng triệu khán giả trên thế giới mê đắm, nhưng trên màn ảnh lại là câu chuyện khác. Không dễ để truyền tải sự kịch tính, hấp dẫn của các bộ môn thể thao lên phim ảnh, kể cả với bóng đá.
Thế nên, thành công rực rỡ của mini-series The Queen's Gambit (tựa Việt: Gambit Hậu) trong thời gian qua thực sự là bước đột phá, đặc biệt khi môn thể thao chủ đề là cờ vua - bộ môn trí tuệ không phải ai cũng nắm rõ.
Bí quyết của tác phẩm: nhân vật trung tâm chẳng phải những quân cờ trên 64 ô vuông, mà là “nàng Hậu” Beth Harmon (Anya Taylor-Joy). The Queen's Gambit thực chất là một phim thuộc dòng coming-of-age (trưởng thành), chỉ mượn cờ vua để dẫn lối cho câu chuyện cuộc đời của một thiên tài, cân bằng hài hoà hai yếu tố nghệ thuật - giải trí. Qua đó, đây trở thành một trong những phim truyền hình đáng xem nhất năm 2020.
Nỗi cô đơn của một thiên tài
Nhân vật trung tâm của mini-series dài bảy tập là Elizabeth Harmon - cô gái trải qua tuổi thơ bất hạnh khi sớm mất mẹ trong một tai nạn giao thông và phải sống tại cô nhi viện dành cho nữ sinh.
Tại đây, Beth làm quen với hai thứ sẽ theo cô trong những năm tháng trưởng thành: những viên thuốc an thần và bộ môn cờ vua. Người dạy cô chơi cờ lần đầu năm lên 9 tuổi là bác lao công Shaibel (Bill Camp). Hàng trăm giờ đồng hồ chơi cờ dưới tầng hầm đã đặt nền móng cho một kỳ thủ cờ vua trong tương lai.
Khi chuyển tới sống cùng người mẹ nuôi Wheatley (Marielle Heller), Beth bắt đầu tham gia các giải đấu cờ vua khu vực. Từng bước một, cô tiến lên bậc thang đỉnh cao của làng cờ vốn có truyền thống bị thống trị bởi những kiện tướng, đại kiện tướng là nam giới. Nhưng không có vinh quang nào đến dễ dàng và thiếu đi những sự hy sinh.
Nhân vật trung tâm của The Queen's Gambit là nữ thiên tài cờ vua Elizabeth Harmon. |
The Queen's Gambit vốn là một dự án nằm trên giấy từ lâu khi từng được tài tử quá cố Heath Ledger lên kế hoạch đưa lên màn ảnh rộng, với kịch bản dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Walter Tevis xuất bản lần đầu năm 1983. Nhờ sự can thiệp của Netflix, cuốn sách được Scott Frank biến thành một mini-series, thay vì một phim điện ảnh như dự tính ban đầu.
Đây là sự lựa chọn hợp lý, bởi thời lượng của mini-series mới đủ để khắc hoạ sự trưởng thành của một nhân vật đặc biệt như Beth Harmon, thay vì chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ của một tác phẩm chiếu rạp thông thường.
Trên phim ảnh, khán giả đã quen với việc các thiên tài được khắc hoạ như những kẻ cô đơn, lạc lõng, có số phận bất hạnh. Từ thần đồng âm nhạc Mozart cư xử như một đứa trẻ con trong Amadeus, “Rain Man” Raymond mắc chứng tự kỷ, Will Hunting vật lộn với những cuộc chiến nội tâm, cho đến nhà kinh tế học Nash của A Beautiful Mind với bệnh tâm thần phân liệt, Hollywood chẳng khi nào thiếu những thiên tài không toàn vẹn.
Beth của The Queen's Gambit cũng không phải ngoại lệ. Cô có thể một mình hạ cả chục chàng trai cùng lúc trên bàn cờ vua, nhưng không thể hoà đồng với đám bạn nữ giới cùng tuổi. Từ khi còn nhỏ, cô đã chứng kiến cảnh mẹ mình qua đời, bị lệ thuộc vào những viên thuốc an thần được phát trong cô nhi viện tới mức chỉ “phiêu” nhất khi được uống thuốc.
Cô gái từ chối sự giúp đỡ của nhiều người thân thích, tự chọn cho mình lối sống khép kín sau biến cố cuộc đời. Ngay cả khi đã thành danh và được ghi nhận trong giới cờ vua, cô vẫn nhớ về những ký ức ngày bé, như khi trực tiếp chứng kiến cảnh mẹ đẻ bị cha ruồng bỏ và đâm đầu vào ngõ cụt.
Chính những góc tối trong đời tư của Elizabeth Harmon giúp khán giả đồng cảm với cô gái. |
Vậy tại sao Hollywood lại “thích” khắc hoạ những thiên tài như Beth theo chiều hướng bi kịch, thiếu toàn mỹ như vậy? Có lẽ giống như dòng siêu anh hùng, để làm ra một phim hay về người hùng có sức mạnh phi phàm như Superman khó hơn rất nhiều so với những gương mặt có xuất thân khó khăn hoặc trải qua nhiều bi kịch cá nhân như Batman, Spider-Man hay Wolverine. Nếu xây dựng nhân vật quá hoàn hảo, có xuất thân trâm anh thế phiệt và đánh đâu thắng đó, có lẽ Beth và The Queen's Gambit đã chẳng thành công đến nhường ấy.
Chính những sai lầm của tuổi trẻ, những thất bại đời tư đã giúp Beth “người” hơn, giúp khán giả có sợi dây gắn kết với nhân vật và sự trưởng thành theo thời gian của nhân vật trở nên sâu sắc hơn.
Những trận đấu trí cân não trên bàn cờ cũng nhờ đó trở nên căng thẳng chẳng thua gì các màn rượt đuổi chiến đấu trong phim hành động, khi nhân vật chính được khán giả ủng hộ không hề bất khả chiến bại và phải đương đầu với hàng loạt kỳ thủ giỏi nhất thế giới.
Cân bằng giữa tính nghệ thuật và giải trí
Không chỉ được khán giả đón nhận, The Queen's Gambit còn nhận 100% ý kiến đánh giá tích cực từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes, cùng điểm 79/100 từ chuyên trang phê bình Metacritic. Điều này cho thấy tựa phim được lòng cả khán giả đại chúng lẫn giới chuyên môn khó tính.
Đây là điều không khó hiểu bởi sự tròn trịa về mọi mặt của tác phẩm. Từ phần nhạc nền khi thì bay bổng, khi lại căng như dây đàn của Carlos Rafael Rivera, các góc quay, tông màu phim và sự sắp đặt tinh tế, cho đến phần kịch bản vừa vặn, không đem lại cảm giác dàn trải, giữ được sự lôi cuốn qua từng tập... đều ghi điểm.
Bảy tập phim The Queen's Gambit có chất lượng sản xuất rất cao. |
Được đại kiện tướng Garry Kasparov và huấn luyện viên cờ vua nổi tiếng Bruce Pandolfini cố vấn, các ván cờ trong phim được xây dựng sát thực tế. Những diễn viên chưa có kinh nghiệm về cờ vua như Anya Taylor-Joy, Thomas Brodie-Sangster (vai cựu vô địch cờ vua Mỹ Benny Watts) hay Harry Melling (vai Harry Beltik) đều được yêu cầu học chơi cờ vua và ghi nhớ những nước đi sát giờ quay nhằm đem lại cảm giác chân thực nhất.
Diễn xuất từ tròn vai cho đến xuất sắc của dàn diễn viên cũng góp phần kéo khán giả lại gần hơn với thế giới cờ vua trong phim. Ấn tượng hơn cả là Anya Taylor-Joy, người trước đó chủ yếu được biết tới qua một số tựa phim kinh dị như The Witch hay Split. Taylor-Joy có vẻ ngoài thu hút ánh nhìn, cùng đôi mắt to tròn như muốn đọc thấu tâm can người đối diện.
Trong phần lớn mini-series, người ta chỉ thấy Beth đi tìm niềm vui trong những ván cờ. Cô gái trẻ chìm đắm trong những quân cờ tới mức kể cả khi đã thắng cuộc vẫn luôn khựng lại đôi chút khi đối thủ đưa tay chấp nhận thất bại. Beth cùng mẹ nuôi mà cô xem như một người bạn đã đi hết từ cuộc thi này qua cuộc thi khác, để rồi chịu ảnh hưởng từ những thói quen xấu của bà từ lúc nào không hay sau khi trải qua cú sốc tâm lý.
Cô sa đà vào những ly rượu, những viên thuốc an thần và từ chối những vòng tay đưa ra giúp đỡ. Quá khứ ám ảnh là thứ hình thành nên vỏ ốc đó, và cũng chính cố nhân đã đưa Beth trở lại ở nửa cuối The Queen's Gambit.
Cách xử lý tình huống hợp lý cùng diễn xuất tài tình của Taylor-Joy đem tới sự thuyết phục cho tác phẩm. Beth chưa khi nào rũ bỏ quá khứ, thậm chí còn chủ động mang nó theo mình như cách cô mặc những chiếc áo khoác và dùng màu son môi như mẹ nuôi đã dùng trong những trận chiến quyết định. Cô học được cách chấp nhận quá khứ như một phần của cuộc sống, nhưng đồng thời không để nỗi đau chi phối bản thân.
Mini-series ẩn chứa những thông điệp nữ quyền nhưng không hề gượng ép. |
The Queen's Gambit đề cao yếu tố nữ quyền như nhiều tác phẩm Hollywood vài năm gần đây: một nữ chính tài ba kiệt xuất, nhắm tới ngôi vị thống trị môn thể thao vốn thường được coi là dành cho phái mạnh. Nhưng cách tác phẩm thể hiện điều đó không hề mang nặng tính thông điệp hay gượng ép.
Trên con đường tới “ngôi Hậu” của Beth, cô đã đánh bại rất nhiều người đàn ông. Nhưng nhiều người trong số đó rốt cuộc trở thành bạn bè, kề vai sát cánh giúp cô vào thời khắc quyết định. Thành công của Beth có được không chỉ dựa vào bộ não thiên tài, mà còn đến từ sức mạnh của tình yêu và tình bạn.
Trong một trường đoạn, bại tướng của Beth là một cậu nhóc Liên Xô đã khẳng định: “Đến một ngày em sẽ trở thành nhà vô địch thế giới”. Nhưng khi Beth hỏi vặn lại: “Rồi sau đó thì sao?”, cậu bé á khẩu vì còn chẳng thể hiểu nổi câu hỏi. Chơi cờ từ năm bốn tuổi và chỉ biết đến cờ vua, cậu chưa bao giờ nghĩ tới thế giới bên ngoài 64 ô cờ và cuộc sống khi đã chạm tới đỉnh cao.
Cái cách Elizabeth Harmon ăn mặc như quân Hậu màu trắng với ánh mắt tự tin ở cuối phim cho thấy cô đã tìm thấy câu trả lời cho riêng mình. Với Beth, cờ vua là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng cũng không phải là tất cả.