Theo thống kê cuối năm 2019 của Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), Kinh doanh và Quản lý (Business and Management) đứng đầu danh sách các ngành học được du học sinh Việt Nam lựa chọn (hơn 31% trong tổng số 3.040 sinh viên).
Khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy sau Covid-19
Trong bối cảnh hậu Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục và tiếp tục đặt trọng tâm chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 4,8% trong năm 2021 và phục hồi về tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch (mức 6,5-7%) từ năm 2022 trở đi. Điều này đồng nghĩa nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực kinh tế sẽ có thêm cơ hội việc làm sau đại dịch.
Song hành cùng cơ hội, những bạn trẻ theo đuổi nhóm ngành kinh tế cũng đối mặt không ít thách thức. Không thể phủ nhận những đột phá về công nghệ đã làm thay đổi nền tảng truyền thống của lĩnh vực kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của Công ty Tư vấn McKinsey trong năm 2020 cho thấy số lượng sản phẩm dịch vụ trực tuyến chiếm tỷ trọng 55% trên tổng số lượng hàng hóa dịch vụ của thị trường toàn cầu (tăng gần gấp đôi tỷ trọng năm 2017). Các chuyên gia dự đoán làn sóng số hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hậu đại dịch. Riêng tại Đông Nam Á, người tiêu dùng trực tuyến có thể lên đến 310 triệu người vào năm 2025.
Nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ số tăng cao đồng nghĩa với việc các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học, đặc biệt nhóm ngành kinh doanh - tài chính. Các nền giáo dục tiên tiến đã nhạy bén dự đoán xu hướng và chuẩn bị cho người học kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết trong tương lai.
Là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, các trường đại học New Zealand đã chuyển đổi chương trình đào tạo nhóm ngành kinh doanh - tài chính để đón đầu xu hướng, chuẩn bị cho người học kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động.
New Zealand trở thành điểm đến cho du học sinh khối ngành kinh tế. |
“Đòn bẩy” từ nền giáo dục hướng đến tương lai
Trong những năm gần đây, New Zealand giới thiệu các chương trình học đáp ứng nhu cầu ngành nghề mới, đồng thời mở rộng nội dung giảng dạy chuyên ngành truyền thống.
Đơn cử, khi thị trường chứng kiến sự bùng nổ của mô hình startup, ĐH Otago nhanh chóng ra mắt ngành học Bachelor of Entrepreneurship (cử nhân về khởi nghiệp), cung cấp kiến thức, nền tảng để thành lập doanh nghiệp, trang bị kỹ năng truyền thông và công nghệ số cho sinh viên.
Cũng trên tinh thần đổi mới, ĐH Lincoln là trường đầu tiên tại New Zealand đưa công nghệ tài chính vào giảng dạy như một lĩnh vực độc lập thông qua chương trình Master of Fintech and Investment Management (Thạc sĩ Công nghệ tài chính và Quản lý đầu tư).
Theo đuổi ngành học này, sinh viên được trang bị kiến thức nền về tài chính, quản lý và phát triển phần mềm trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn chuyên sâu, sinh viên được tìm hiểu kiến thức nâng cao liên quan quản lý đầu tư, quản lý rủi ro tài chính, khởi nghiệp công nghệ tài chính, Blockchain technology (công nghệ chuỗi khối), Cryptoassets (tiền mã hóa), Big Data và Machine learning (dữ liệu lớn và máy học) trước khi vào giai đoạn thực tập hoặc viết luận chuyên sâu.
Mới đây, ĐH Waikato vừa hợp tác ĐH Kinh tế Quốc dân triển khai chương trình liên kết cử nhân ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Kinh doanh số với hình thức đào tạo tại Việt Nam. Đây là hai lĩnh vực triển vọng, có nhu cầu tuyển dụng cao.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam và các công ty logistics, lĩnh vực về chuỗi cung ứng cần đào tạo thêm 250.000 nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường vào năm 2030. Trong khi đó, Kinh tế số được dự đoán là một trong những ngành đi đầu xu hướng khi kết hợp giữa kỹ năng quản lý doanh nghiệp và kiến thức CNTT.
New Zealand thường xuyên ra mắt các chương trình học phù hợp nhu cầu sinh viên quốc tế. |
Ngoài ra, New Zealand còn có sức hút với du học sinh yêu thích nhóm ngành kinh tế nhờ mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và khối doanh nghiệp.
Chị Thu Trinh, cựu sinh viên chương trình liên kết ngành Kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria Wellington, cho biết chương trình học ở New Zealand tạo cơ hội cho sinh viên tham gia dự án liên kết với doanh nghiệp trong suốt thời gian học. Kết thúc chương trình, chị hiểu thêm về văn hóa giao thương, từ đó ứng dụng trong quá trình làm việc với đối tác, đồng nghiệp ở nhiều quốc gia.
Sinh viên được tạo điều kiện tìm hiểu văn hóa địa phương trong quá trình học tập. |
Ngoài ra, chính phủ nước này có các chính sách giữ chân nhân tài (post-study visa) lên đến 3 năm nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để sinh viên có năng lực ở lại sinh sống và làm việc.
New Zealand cũng là lựa chọn lý tưởng cho những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp hay tìm cơ hội cọ xát ở môi trường làm việc quốc tế sau tốt nghiệp. Quốc gia này đứng đầu thế giới về Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of doing business) trong năm 2020, đứng thứ hai toàn cầu về mức độ Tự do kinh tế (Economic Freedom Score) năm 2021, đứng đầu về Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2020…
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Chìa khóa du học New Zealand 2021", ISB hợp tác Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức lớp học trải nghiệm (Taster class). Tại lớp học, học sinh, sinh viên Việt Nam được tương tác trực tiếp với giảng viên từ các trường đại học hàng đầu New Zealand (ĐH Otago, ĐH Massey, ĐH Lincoln, ĐH Công nghệ Auckland, ĐH Auckland) và cập nhật xu hướng nghề nghiệp của ngành học.
10 lớp học giúp học sinh, sinh viên có thêm kiến thức về ngành học chủ lực tại New Zealand, từ đó đưa ra lựa chọn cho tương lai. Độc giả cập nhật thông tin và đăng ký học tại đây.
Hình thức: Học trực tuyến trên Zoom | Thời gian: 7/11-28/11
Bình luận