Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã vũ trụ 'thối não' Tung Tung Tung Sahur, Tralalero Tralala

Ballerina Cappuccina và vũ trụ "thối não kiểu Italy" đang gây sốt TikTok với loạt nhân vật AI kỳ quái, phi lý nhưng cuốn hút đến khó hiểu.

Hình ảnh mở đầu là một vũ công ba lê với... chiếc tách cappuccino thay cho đầu, cùng dòng chú thích: "Được tạo ra bởi AI". Và đó chính là một trong những “ngôi sao” nổi bật nhất của trào lưu thối não kiểu Italy đang khuấy đảo TikTok: Ballerina Cappuccina, nhân vật do người dùng TikTok Susanu Sava-Tudor tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo.

Điều đầu tiên cần biết về “thối não kiểu Italy” là nó không hẳn mang tính Italy. Điều thứ hai: nếu bạn cố gắng phân tích hay giải thích nó, rất có thể bạn sẽ bị coi là... kém sành điệu. Đây là kiểu nội dung mà người ta chỉ “cảm” được và đừng cố gắng hiểu.

“Thối não” là gì?

Năm ngoái, Oxford University Press chọn "brain rot" (tạm dịch: thối não) là từ ngữ của năm. Cụm từ này mô tả ảnh hưởng tiêu cực từ việc cuộn liên tục qua hàng loạt nội dung “vô thưởng vô phạt” hoặc dễ dãi trên mạng. Nó cũng dùng để chỉ chính những nội dung đó - vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của quá trình thoái hóa nhận thức.

tung tung tung sahur anh 1

Các nhân vật kỳ dị trong vũ trụ thối não "xâm chiếm" TikTok thời gian gần đây.

Từ meme vô lý đến vũ trụ nhân vật

“Thối não kiểu Italy” bắt đầu xuất hiện vào tháng 1 năm nay, khi các nhân vật do AI tạo ra - thường là sự pha trộn giữa động vật hoặc con người với vật thể vô tri - bắt đầu lan truyền trên TikTok. Các video thường gắn hashtag #italianbrainrot (hiện có hơn 3 tỷ lượt xem).

“Kiểu Italy” ở đây rất mơ hồ: có thể chỉ là cái tên nghe như tiếng Italy, hoặc liên quan đến những biểu tượng Italy kinh điển (cà phê, giọng nói lãng mạn) nhưng được lồng ghép một cách ngớ ngẩn và phi logic.

Việc gọi đó là brain rot (thối não) chính là lời thừa nhận rằng nội dung này thật “nhảm nhí, vô nghĩa”, theo giáo sư Yotam Ophir, chuyên ngành truyền thông tại Đại học Buffalo. Nó cũng là cách cộng đồng “rất online” hiện nay giễu nhại làn sóng nội dung rác do AI tạo ra - hay còn gọi là A.I. junk.

tung tung tung sahur anh 2

Nhân vật Ballerina Cappuccina do AI tạo ra.

Từ Tralalero Tralala đến Ballerina Cappuccina

Ban đầu, có chú cá mập đi giày Nike tên Tralalero Tralala (tài khoản TikTok gốc đã bị xóa). Tiếp theo là Bombardiro Crocodillo - một chiếc máy bay ném bom với đầu cá sấu. Và gần đây nhất là Ballerina Cappuccina, vũ công ba lê với cái đầu là tách cà phê, do Susanu Sava-Tudor (24 tuổi, Romania) tạo ra vào tháng 3.

Sava-Tudor cho biết, trào lưu này là “một dạng hài hước phi lý” và “ít liên quan đến Italy thật, nhiều hơn là hình ảnh điện ảnh hay huyền thoại về Italy.” Video gốc Ballerina Cappuccina - với tên được viết sai chính tả thành Balerinna Cappucinna - hiện đã đạt hơn 45 triệu lượt xem và 3,8 triệu lượt thích.

Phần nhạc nền bằng tiếng Italy (được AI tạo) kèm lời dịch: "Vũ công Cappucina, mi mi mi Là vợ của Cappucino Assasino, Và cô ấy yêu âm nhạc, la la la Đam mê của cô là vũ công lo lo lo!".

Sự ngẫu nhiên là điểm cốt lõi

Giáo sư Ophir nhận định cái khiến người xem thích thú chính là sự vô nghĩa đó. Nó tạo cảm giác “ai hiểu thì hiểu” kiểu như “mấy người lớn chắc chắn không biết gì”.

TikToker không chỉ dừng lại ở xem, họ đang mở rộng vũ trụ nhân vật này: tạo thêm hậu truyện, mối quan hệ và các cuộc phiêu lưu. Ballerina Cappuccina giờ đã có “con” với nhiều nhân vật khác trong cùng vũ trụ. “Không phải một người nghĩ ra hết, đây là sản phẩm của một sự cộng tác khổng lồ trên internet”, Philip Lindsay, một giáo viên trung học ở Arizona chuyên phân tích ngôn ngữ Gen Z & Alpha trên TikTok, nhận định.

tung tung tung sahur anh 3

Tung Tung Tung Sahur trong vũ trụ thối não.

Mặt tối của “thối não”

Tuy nhiên, vũ trụ meme phi lý này không hoàn toàn vô hại. Một số video có dấu hiệu gắn với nội dung phân biệt chủng tộc hoặc bài xích Hồi giáo. Ví dụ: một số bản nhạc nền gắn với Bombardiro Crocodillo chứa lời lẽ nhắm vào trẻ em Palestine và Gaza. Dù chưa rõ mức độ phổ biến của các video này, Ophir cảnh báo rằng các nhân vật có thể bị “vũ khí hóa”, tương tự cách meme Pepe the Frog từng bị cực hữu Mỹ chiếm dụng.

Lindsay nhận thấy học sinh của mình ngày càng tương tác nhiều với trào lưu này, ngay cả ngoài đời. Các em vẽ hình các nhân vật trong giờ học, tranh luận xem ai là “nhân vật yêu thích” hoặc hét to tên nhân vật như một kiểu cảm thán. Giống như skibidi toilet - chuỗi video YouTube từng gây sốt và trở thành từ lóng Gen Alpha - “thối não kiểu Italy” đang len lỏi vào đời sống và ngôn ngữ hàng ngày.

“Có thể một ngày nào đó nó sẽ mang ý nghĩa gì đó”, Lindsay nói.

Người già nhất thế giới chia sẻ bí quyết sống thọ: Đừng cãi nhau!

Người sống thọ nhất thế giới hiện nay vừa chia sẻ bí quyết trường thọ của mình: không lo lắng và tránh xa tranh cãi.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.

Lê Vy

Theo The New York Times

Bạn có thể quan tâm