Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải oan cho các bài hit có ca từ bình dân của Vpop

Nhạc sĩ trẻ sáng tác khó lòng đòi hỏi những trải nghiệm sâu sắc, nhưng liệu có bất công khi cho rằng đây là những ca khúc bình dân và nhảm nhí?

Dạo vòng quanh các bảng xếp hạng âm nhạc lớn tại Việt Nam, không khó để nhận ra các vị trí cao đều thuộc về những sáng tác gây sóng gió trong thời gian qua. Không chỉ được chia sẻ như vũ bão trên mạng, nhiều ca khúc trong số đó còn lần lượt tấn công vào cuộc sống của khán giả, không ít ca từ trong các sáng tác này đã trở thành câu cửa miệng của giới trẻ. Dù vậy, bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình, vẫn còn rất nhiều những ý kiến phản đối cho rằng những ca khúc "hát như nói" này chính là dấu hiệu thời kỳ đi xuống của làng nhạc Việt.

Không ít khán giả phản đối những sáng tác của các nhạc sĩ trẻ đình đám hiện nay.

Sáng tác càng đơn giản, càng tốt

Một trong những ca khúc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua là Chỉ có em của Hoàng Tôn với đoạn: “Và chắc có lẽ sẽ chẳng ai yêu được anh đâu. Vì anh xấu hơn con gấu”.

Mình yêu nhau đi của Bùi Bích Phương trở thành một trong những bài hit khủng đầu năm 2014. Dù vậy, câu “1, 2, 3, 5 anh có đánh rơi nhịp nào không? Nếu câu trả lời là có anh hãy đến ôm em ngay đi” cũng bị đem ra mổ xẻ.

Tương tự là Anh không đòi quà, Forever Alone, Anh không phải hot boy… không chỉ được truyền tay nhau mà thậm chí lời của các ca khúc này đã trở thành câu nói cửa miệng của không ít người.

Với nhiều người nghe khó tính, một bản nhạc hay không những ở giai điệu mà còn ở phần ca từ trau chuốt, truyền tải được thông điệp tình cảm, hướng người nghe đến những điều tích cực. Đặc biệt, không ít người còn so sánh những sáng tác của thế hệ 9X trẻ với những bản tình ca nổi tiếng của giai đoạn Làn Sóng Xanh hay thậm chí là nhạc tiền chiến, để nhận xét về sự chênh lệch.

Khi trao đổi về vấn đề này với các nghệ sĩ trẻ, cả Hoàng Tôn và Bùi Bích Phương đều thẳng thắn cho biết chính ca từ dễ nghe dễ thuộc, đánh trúng tâm lý của lớp khán giả trẻ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các ca khúc của họ được đón nhận.

Hoàng Tôn cho biết ca từ dễ nghe dễ thuộc, đánh trúng tâm lý của lớp khán giả trẻ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các ca khúc của anh được đón nhận.

Về phía nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, anh cũng đồng tình: “Không phủ nhận những ca khúc này phản ánh đúng đời sống âm nhạc hiện nay, đặc biệt là về ca từ, về ngôn ngữ, văn hoá của giới trẻ. Tôi không cổ vũ hay phê phán, nhưng tôi tôn trọng cách nghĩ của giới trẻ, bởi vì đó là văn hoá của họ. Tôi vẫn ủng hộ cái hay cái đẹp. Điều quan trọng là những ca khúc này nghe có hay hay không và hay với ai. Chứ không quan trọng việc lời lẽ ca từ nghe có đúng đắn hay không”.

Thực tế, nếu như trên các bảng xếp hạng tại Việt Nam vẫn còn tồn tại các ca khúc được đánh giá là có nội dung quá bình dân, không chọn lọc, tại Mỹ tình trạng còn “căng” hơn với những “thảm họa” nhảm nhí và rẻ tiền.

Friday của Rebecca Black, dù được trao tặng danh hiệu Ca khúc tệ nhất mọi thời đại, nhưng ca khúc này vẫn vụt sáng như một hiện tượng. MV Friday có hơn hơn 20 triệu lượt người xem và có lượt download khá khủng trên Itunes.

Friday và What does the fox say dù bị ném đá nhưng vẫn tăng hạng vù vù trên bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ.

Tương tự, What does the fox say? của Ylvis cũng lan truyền khắp thế giới với tốc độ chóng mặt và được xếp hạng 29 trong Top 100 trên Billboard của Mỹ, mặc dù nội dung không thể nào “xàm” hơn khi nam ca sĩ liên tục nhại lại… tiếng kêu của các loài động vật.

Nói về điều này, Hoàng Tôn lý giải: “Khán giả đang có xu hướng ưa chuộng các ca khúc càng đơn giản, càng ít từ ngữ càng tốt, đi thẳng vào vấn đề và gẫn gũi với cuộc sống. Cuộc sống ngày nay quá bận rộn, con người ta không còn thời gian để có thể suy nghĩ về từng câu từng chữ, mà phần lớn nghe nhạc cho vui”.

Dù vậy, anh cũng nhấn mạnh ca từ giản dị và ca từ dễ dãi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

 

Điều tất yếu hay dấu hiệu xuống dốc?

Từng sáng tác rất nhiều bài hit như Dành cho em, Nỗi nhớ đầy vơi, Chỉ có em… Hoàng Tôn cho biết trong thời đại ngày nay có rất nhiều cách để lấy cảm xúc sáng tác như khi xem xong một bộ phim, một bản hòa tấu, một lời chia sẻ trên mạng hay thậm chí là một bài hát hay để từ cấu trúc đó có thể cải tiến theo một hướng khác, chứ không chỉ cảm hứng từ chính bản thân như trước.

Nhạc sĩ Huy Tuấn – người từng làm việc với rất nhiều nghệ sĩ trẻ, gần đây nhất là hiện tượng Sơn Tùng M-TP cho biết anh không hề có ác cảm với các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ. Anh nói: “Tuổi đời của các nghệ sĩ 9X còn rất trẻ nên các sáng tác của họ còn dừng lại nhiều ở môi trường giải trí. Tuy nhiên, với độ tuổi như vậy, đòi hỏi họ có những sáng tác có chiều sâu hơn lúc này là không nên”.

Sơn Tùng M-TP có những sáng tác được giới trẻ đón nhận nhiệt liệt.

Bên cạnh đó, nếu để nói một ca khúc được phổ biến chỉ nhờ vào ca từ cũng không hợp lý bởi theo nữ ca sĩ của Mình yêu nhau đi, nó còn phải đáp ứng được các yếu tố khác như có giai điệu bắt tai, ca sĩ thể hiện cảm xúc MV có đầu tư kĩ lưỡng.

Hay nói như nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong thì “Nếu ca từ đẹp nhưng không lột tả sự thật và không mang tính xây dựng, mà nhạc cũng không hay, cũng chẳng hay ho gì. Còn nếu ca từ có phần ngô nghê, thiếu tính văn học, miễn là không thô tục, nhưng lại nói đúng nói thật, và mang tính xây dựng, đem lại lợi ích, tôi thấy cũng đáng nghe”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một trong những yếu tố gây tranh cãi nhất là liệu một khi khán giả đang dần chấp nhận và trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ, liệu có phải là dấu hiệu đáng báo động cho sự xuống dốc của làng nhạc Việt hay đây là điều tất yếu của xã hội?

Trước câu hỏi này, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ quan điểm, không thể tự tiện quyết định một nền âm nhạc đi lùi hay tiến là do giới trẻ hay ca khúc của họ. Mà việc những ca khúc không chất lượng được phát hành tràn làn là vì người trẻ mất phương hướng, còn người lớn thì không định hướng, không hỗ trợ khuyến khích về nhiều mặt, tạo điều kiện để học hỏi từ các nền âm nhạc văn minh khác.

Các nhạc sĩ trẻ như Tiên Cookie, Phạm Hồng Phước, Vũ Cát Tường đang tự "bơi" để theo đuổi đam mê của mình.

Dĩ nhiên, một khi giới trẻ đã mất phương hướng, không ai dẫn dắt, họ phải tự thân vận động bằng chính chất xám của mình. Âu đó cũng chính là những gì đang diễn ra trong làng nhạc Việt một vài năm trở lại đây.

Vpop đang sở hữu lớp nghệ sĩ trẻ tài năng và có tư tưởng tiến bộ, sự cởi mở trong cách tiếp nhận của khán giả, phương tiện truyền thông, điều kiện vật chất… nhưng để có được định hướng rõ ràng trong vấn đề này lại là một câu chuyện dài, chứ không phải chỉ là lỗi của những người trẻ, bởi họ cũng đang đơn thân độc mã trên con đường thể hiện cái tôi của mình trong âm nhạc.

Phương Giang

Bạn có thể quan tâm