Triển lãm với chủ đề “Viettel với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” khai mạc ngày 14/10 tại TP.HCM là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 13 năm ngày Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ di động (15/10/2004- 15/10/2017).
Triển lãm là nơi phô diễn các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, viễn thông do Viettel nghiên cứu, phát triển và đang ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cho tới các tiện ích cho người dùng. Đáng chú ý nhất là trạm thu phát sóng 4G (eNodeB) do kỹ sư Viettel nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, được xem là một thành tựu lớn, mang đến sự tự chủ về thiết bị, hạ tầng viễn thông 4G cho hãng viễn thông quân đội.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến tham quan triển lãm. |
Viettel cũng giới thiệu tại triển lãm các giải pháp công nghệ thông minh giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết ở các đô thị lớn như hệ thống giám sát và thu phí giao thông, hệ thống cảnh báo cháy nổ, camera an ninh... Trong lĩnh vực nông nghiệp, hãng viễn thông quân đội cung cấp hệ thống tưới tiêu tự động, cảnh báo giám sát chất lượng nước, đất, không khí để giúp tăng năng suất, giảm rủi ro bệnh tật.
Triển lãm cũng là dịp để Viettel chia sẻ tầm nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cũng như cơ hội, thách thức mà nó mang lại. Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội khẳng định CMCN 4.0 sẽ là cơ hội bứt phá cho đất nước nếu ngay từ bây giờ, chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng ý thức được và sẵn sàng đón nhận.
Việc tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông chính là bước chuẩn bị của Viettel nhằm đón đầu cuộc cách mạng này. Với việc làm chủ phần lớn hệ thống mạng lõi, từ tổng đài thoại, tổng đài tin nhắn, tính cước cho đến thiết bị truyền dẫn và cả nền tảng mạng 4G, Viettel khẳng định họ đã sẵn sàng cho CMCN 4.0.
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại triển lãm. |
Hiện tại, nhà mạng quân đội đang sở hữu hơn 340.000 km cáp quang, gần 36.000 vị trí trạm phát sóng BTS, mạng 4G phủ tới 95% dân số cùng 5 trung tâm dữ liệu (Data Center), điện toán đám mây có quy mô lớn trên toàn quốc. Ngoài phần cứng, Viettel đã cung cấp nhiều dự án phần mềm cho chính phủ điện tử cũng như các ngành thiết yếu như y tế, giáo dục, nông nghiệp và các giải pháp cho doanh nghiệp.
Sau 13 năm chính thức kinh doanh dịch vụ di động, Viettel hiện có gần 70 triệu thuê bao, là nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng đang đầu tư kinh doanh tại 10 quốc gia khác trên thế giới.