Nhiều trạm y tế ở TP.HCM không đủ cung ứng thuốc điều trị bệnh lý không lây nhiễm. Ảnh minh họa: BMHSC. |
Sáng 4/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay, thuốc dùng cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm các phòng khám của trung tâm y tế quận/huyện, trạm y tế phường, xã trên địa bàn được cung ứng từ nguồn phân bổ từ gói thầu tập trung cấp quốc gia, tập trung cấp địa phương và gói thầu do các trung tâm y tế quận/huyện tự tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Y tế TP.HCM hồi tháng 3, tình hình thuốc tại các trạm y tế chưa đạt như kỳ vọng. Kết quả khảo sát cho thấy có sự khác biệt khá rõ về số loại thuốc được cung ứng đến các trạm y tế.
Theo lý giải, sự khác biệt này tùy thuộc vào năng lực đấu thầu của các Trung tâm y tế quận/huyện, có thể chia làm 3 nhóm, gồm nhóm có năng lực tự đấu thầu và cung ứng tương đối đủ thuốc cho các trạm y tế (Cần Giờ, quận 3, quận 5, quận 10).
Tủ thuốc tại một trạm y tế phường thuộc quận Tân Phú, một trong số ít những địa phương thực hiện khá tốt cung ứng thuốc cho trạm y tế. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Các trung tâm y tế có hoạt động khám chữa bệnh ban đầu khá ổn định (Tân Phú, Cần Giờ, Tân Bình, Gò Vấp…) đã cung ứng được tương đối đủ thuốc cho nhu cầu.
Tuy nhiên, hầu hết trung tâm y tế còn lại đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc.
Nguyên nhân xuất phát từ khó khăn trong công tác cung ứng cho trạm y tế. Một số trạm y tế do người dân đến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại trạm còn ít nên nhu cầu sử dụng thuốc không nhiều.
Ngoài ra, năng lực thực hiện mua sắm đấu thầu thuốc của Trung tâm y tế còn yếu, khó khăn trong dự báo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong quá trình củng cố hệ thống y tế cơ sở sau đại dịch.
Bên cạnh nhóm bệnh thông thường hay gặp, nhóm các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư) đã được Sở Y tế xác định là ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các trạm y tế vì đây là nhóm bệnh khá phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu tính trong dân số (chiếm 70% trong số tử vong của dân số).
Sở Y tế TP.HCM đặt mục tiêu mở rộng danh mục thuốc khám, chữa bệnh tại trạm y tế, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư...)
Một khảo sát nhanh trước đó của Sở Y tế cho thấy hơn 80% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm đều muốn được tái khám và nhận thuốc tại các trạm y tế thay vì phải mất nhiều thời gian, công sức đến bệnh viện.
Điều đáng mừng là Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Với thông tư này, nhiều thuốc đã được bổ sung, là tiền đề vững chắc để đảm bảo quyền lợi về thuốc cho người bệnh bảo hiểm y tế khi đến điều trị bệnh lý mạn tính tại trạm y tế.
Tuy nhiên, một số thuốc cần thiết cho nhóm bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn chưa có trong danh mục thuốc dùng cho trạm y tế. Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm mở rộng danh mục thuốc cho nhóm bệnh này.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang đề xuất UBND TP.HCM cho phép bổ sung các thuốc dùng tại trạm y tế vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Việc đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng khi được triển khai sẽ giải quyết cơ bản các khó khăn gặp phải do thiếu nhân lực đấu thầu của các trung tâm y tế quận/huyện.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.