Kết quả, tỷ lệ cha mẹ đồng thuận, ủng hộ chiếm 88% trong khi có đến 52% giáo viên không đồng tình.
88% phụ huynh đồng ý lắp camera
Ngày 21/5, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có báo cáo với UBND TP.HCM về việc xây dựng dự thảo tăng cường giám sát, quản lý bằng phương tiện kỹ thuật thí điểm tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố từ 2018-2020.
Theo đó, thành phố có 1.208 trường mầm non (trong đó có 465 trường công lập và 743 trường ngoài công lập), 1.845 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, có 14.416 nhóm lớp trong các cơ sở giáo dục mầm non. Tổng số trẻ đang được nuôi giữ hơn 385.000 với gần 25.000 giáo viên.
Vụ việc bạo hành trẻ ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12 vào cuối năm 2017 gây rúng động dư luận. Ảnh: Tiền Phong. |
Trong số này, gần 48% trường mầm non công lập, gần 73% trường mầm non tư thục và gần 53% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục gắn camera sân trường, hành lang.
Trong khi đó, tỷ lệ gắn camera trong lớp học rất thấp, trường mầm non công lập là 0,9%; mầm non tư thục gần 4,5%, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hơn 10%.
Khảo sát về nhu cầu lắp đặt camera của giáo viên và phụ huynh tại 3 quận huyện xảy ra nhiều vụ bạo hành trong thời gian gần đây là quận 1, 12 và huyện Hóc Môn, kết quả có 48% số giáo viên trong 3 quận, huyện nói trên đồng ý, 52% không đồng ý trong khi đó có đến 88% phụ huynh đồng ý lắp đặt thiết bị này trong lớp học của con em mình.
Về việc công khai hình ảnh hoạt động của trẻ cho cha mẹ, 52% phụ huynh không đồng tình vì không muốn hình ảnh con em phát tán rộng rãi. Còn giáo viên thì cho rằng nếu hình ảnh cập nhật trên mạng sẽ gặp nhiều rắc rối vì phụ huynh nhìn hình sẽ dễ hiểu lầm tình huống hoặc lo lắng cho con quá mà liên tục gọi điện nhắc nhở giáo viên…
Chị Thu Hương, ngụ quận Bình Tân, có con năm nay vào lớp 1 cho rằng việc gắn camera làm mất nhiều thời gian nhưng giúp chị yên tâm hơn. Theo chị Hương, con chị trước học mầm non ở một trường tư thục có gắn camera online nên bản thân chị rất hiểu vấn đề này.
“Công việc đầu tiên của tôi sau khi mở máy tính cơ quan là đăng nhập vào camera online để xem con thế nào, chơi ngoan không, có bị bạn bè hay cô giáo bắt nạt không... Thấy có gì không ổn là tôi cầm máy gọi ngay cho văn phòng hoặc cô hiệu trưởng”, chị Hương nói.
Cũng theo chị Hương, trong suốt quá trình làm việc ở cơ quan, máy tính luôn online camera, lâu lâu chị lại vào xem một lần vài phút. “Đến giờ trưa, tai tôi cắm phone nghe nhạc còn máy tính thì là xem con ngủ. Đúng là rất mất thời gian nhưng camera nó làm mình an tâm”, chị Hương chia sẻ.
Lo ngại tăng thêm áp lực với giáo viên
Trao đổi về việc lắp camera quan sát trẻ và cô giáo, cô Trần Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Sen Vàng, quận 8, TP.HCM, cho rằng đây là việc làm không mới ở nhiều trường, đặc biệt là các trường tư thục.
“Tuy nhiên, việc có nên gắn camera online hay không là điều cần phải suy nghĩ kỹ bởi bước đầu nó có thể giúp phụ huynh quan sát được con và giáo viên, tuy nhiên, tác hại lâu dài là rất lớn”, cô Nguyệt nói.
Theo cô Nguyệt, khi có camera online, phụ huynh sẽ thường xuyên mở máy, online để quan sát con, dẫn đến làm mất thời gian, xao nhãng công việc. Tâm lý của phụ huynh xem con hoạt động thì ít mà chú ý đến hành vi của cô giáo thì nhiều, dẫn đến có cái nhìn không tốt.
“Do không có âm thanh nên hành vi khi quan sát qua camera online chỉ phản ánh 50% sự việc, phụ huynh dễ dẫn đến suy đoán, tạo nên ác cảm, nghi ngờ với cô giáo. Đặc biệt, với một số phụ huynh có khuynh hướng tiêu cực sẽ liên tục gọi điện đến trường, dẫn đến rất áp lực cho đôi bên”, cô Nguyệt phân tích.
Cũng theo cô Nguyệt, camera online còn có thể ảnh hưởng đến đời tư của giáo viên bởi suốt một ngày dài hoạt động trong lớp, đôi lúc các cô đi đứng, hoạt động vụng về, nhất là lúc ngủ, chẳng may tư thế không đẹp mà phụ huynh nhìn thấy thì sẽ thế nào, các cô sẽ khó xử, áp lực lại càng tăng thêm với cô…
“Thay vì camera online thì phụ huynh có thể vào trường kiểm tra lớp học bất kỳ lúc nào. Camera chỉ nên dùng nội bộ để ban giám hiệu giám sát hoạt động của trẻ và cô giáo, hoặc phụ huynh có thể đăng ký vào trường cùng giám sát qua màn hình…”, cô Nguyệt đề xuất.
Đồng quan điểm, nguyên lãnh đạo một phòng giáo dục về hưu cho rằng những vụ bạo hành bị phát hiện trong thời gian qua thường xảy ra ở những nhóm lớp nhỏ, tự phát, thiếu kỹ năng sư phạm…
“Cá nhân tôi cho rằng camera online là bước đường cùng của ngành giáo dục, các cơ quan ban ngành bởi chứng tỏ vì bất lực nên mới phải nhờ đến sự can thiệp của phụ huynh. Rõ ràng, chúng ta chỉ đang chặt ngọn trong khi gốc là nền tảng sư phạm, môi trường làm việc cho giáo viên, chế độ lương bổng… lại không được chú trọng đầu tư thay đổi”, vị này nói.
Trong khi đó, trao đổi tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non: Vì đâu nên nỗi” cách đây không lâu do báo Tiền Phong tổ chức, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền Trẻ em TP.HCM nhìn nhận, camera có thể gắn ở mỗi lớp học, nhưng điều đó là chưa đủ, các bậc phụ huynh và toàn xã hội cũng phải là những chiếc camera sát sao công việc của từng giáo viên mầm non.
Chỉ có như vậy, những con sâu làm rầu nồi canh mới được loại bỏ hoàn toàn và chúng ta mới có thể bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành ở trường mầm non.
Tuy nhiên, luật sữ nữ băn khoăn: “Đề xuất gắn camera thì ai giám sát, nếu trường làm hư camera rồi đánh bé. Người giám sát phải được quyền giám sát 24/24. Đã chặt thì chặt từ gốc, đừng chặt ngọn”.