Trong một thời gian dài, với Kathryn Chia (vận động viên thể dục nhịp điệu), thể thao chỉ là trò chơi của những con số.
Trên sàn đấu, điểm số nói lên khả năng của cô. Còn ngoài đời, số cân nặng sẽ xác định giá trị của một vận động viên thể dục dụng cụ.
Trong một môn thể thao thường tập trung quá nhiều vào yếu tố hình thể, các vận động như Kathryn phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn thẩm mỹ hà khắc.
Ở tuổi 14, chế độ ăn hàng ngày của Kathryn bao gồm 6 quả nho vào bữa sáng, 20 lá rau chân vịt non và 3 cây nấm vào bữa trưa, nửa cốc sữa vào buổi tối. Lượng calo nạp vào cơ thể được tính toán rất cẩn thận.
Những bữa ăn cùng gia đình và bạn bè trở thành một nỗi kinh hoàng bởi Kathryn sợ rằng họ sẽ yêu cầu cô ăn nhiều hơn mức có thể. Những nỗi lo về hình thể tăng thêm khi các huấn luyện viên liên tục nhận xét về cơ thể của Kathryn.
Nhiều vận động viên thể dục dụng cụ phải tuân thủ chế độ giảm cân hà khắc. |
Một cựu huấn luyện viên đội tuyển thể dục nhịp điệu quốc gia Singapore liên tục nhấn mạnh các vận động viên phải biết giữ gìn vóc dáng thon gọn.
Kathryn, năm nay 16 tuổi, cho biết: “Tôi cảm thấy đặc biệt tự ti và buộc phải giảm cân. Điều đó không chỉ khiến tôi tổn thương về tinh thần khi luôn so sánh mình với người khác, nó còn lấy đi niềm đam mê thể thao của tôi”.
Kathryn, người đã chuyển đến Anh để học cách đây hai tháng, đã đăng một bài viết nói về cách cô và 15 vận động viên thể dục địa phương khác phải vật lộn với các vấn đề cân nặng.
Một vận động viên thể dục dụng cụ khác của Singapore, giấu tên, cho biết cô phải ăn trái cây mỗi ngày vì sợ huấn luyện viên chỉ trích và phạt do tăng cân. Hình phạt phổ biến là nói lời xin lỗi hoặc tập thể dục cho đến mức kiệt sức và ngất xỉu.
“Giảm cân hoặc bị đào thải”
Trong những tháng gần đây, nhiều vận động viên thể dục dụng cụ trên toàn thế giới đồng loạt lên tiếng để chống lại văn hóa lạm dụng trong thể thao.
Bộ phim tài liệu của Netflix Athlete A và phong trào #GymnastAlliance xuất hiện trong năm nay đã đóng vai trò to lớn trong việc khuyến khích các vận động viên trên toàn cầu nói về sự lạm dụng mà họ đã phải chịu đựng trong suốt sự nghiệp thể thao của mình.
Năm 2018, cựu bác sĩ thể dục dụng cụ Mỹ Larry Nassar bị tuyên mức án 40-175 năm tù sau khi gần 160 phụ nữ làm chứng bị ông quấy rối. Danh sách các nạn nhân của bị cáo bao gồm những vận động viên từng giành huy chương vàng Olympic như Aly Raisman hay Jordyn Wieber.
Các vận động viên thể dục dụng cụ phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn thẩm mỹ hà khắc. |
Nhưng không chỉ lạm dụng tình dục, các vận động viên còn bị bạo lực lời nói cho đến tra tấn đòn roi với danh nghĩa “khổ luyện” để giành huy chương.
Cựu vận động viên thể dục dụng cụ của Stanford, Hailee Hoffman, nói với The New York Times về việc huấn luyện viên Mary Wright đã công khai chế nhạo cô “ngu ngốc, lười biếng và béo” đồng thời ép cô tập luyện khi bị thương.
Wright hiện là một trong nhiều huấn luyện viên ở New Zealand đang bị một ủy ban độc lập điều tra về các hành vi lạm dụng tình dục, thể chất và bắt nạt.
Tại Singapore, cựu huấn luyện viên trưởng của đội thể dục nghệ thuật nữ quốc gia Gerrit Beltman đã thừa nhận từng “ngược đãi và làm nhục các vận động viên thể dục dụng cụ trẻ để giành huy chương” trước khi được bổ nhiệm tại Singapore Gymnastics vào tháng 8 năm ngoái.
HLV người Hà Lan này quyết định từ chức vào tháng 7 và nói với The Straits Times rằng ông muốn chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hy vọng sẽ góp phần thay đổi văn hóa lạm dụng trong ngành thể thao.
Sau hàng loạt vụ bê bối lạm dụng, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (FIG) đã tổ chức một hội nghị vào tháng trước nhằm thay đổi các hoạt động và đảm bảo an toàn cho các vận động viên.
Không chỉ thể dục dụng cụ, văn hóa lạm dụng còn phổ biến trong nhiều bộ môn thể thao khác. |
Những câu chuyện lạm dụng được công khai cũng đã truyền cảm hứng cho các vận động viên thuộc nhiều môn thể thao khác, ngoài thể dục dụng cụ, lên tiếng đấu tranh.
Cựu vận động viên trượt băng nghệ thuật Singapore Yu Shuran, người từng đoạt huy chương vàng SEA Games 2017, mới đây tiết lộ những bài tập kinh khủng nằm trong chế độ tập huấn của cô ở Trung Quốc.
“Các hình phạt bắt đầu từ năm 11 tuổi khi tôi bị yêu cầu đưa tay ra bất cứ khi nào tôi mắc lỗi”, Yu nói. “Vào những ngày đặc biệt tồi tệ, tôi sẽ bị đánh hơn 10 lần liên tiếp cho đến khi da tôi sưng đỏ lên và đau đớn”.
“Khi tôi 14 tuổi và trải qua quá trình dậy thì, tôi bắt đầu phải vật lộn với những bước nhảy vì tôi đang tăng cân. Tôi bị gọi đến, bị đá vào xương cẳng chân bằng mũi giày trượt và phải thực hiện lại động tác. Tôi không được phép đi khập khiễng hay khóc”, Yu nhớ lại.
Nhà tâm lý học thể thao Edgar Tham cho biết các vận động viên chơi những môn thể thao chú trọng ngoại hình có nguy cơ mắc các vấn đề về hình ảnh cơ thể cao hơn.
“Điều này được nhìn thấy khá rõ ràng trên khắp thế giới bởi mức độ kỳ vọng vào sự xuất hiện gây ra rất nhiều áp lực cho họ. Thật không may, đó cũng là những gì văn hóa của môn thể thao truyền bá: Nếu bạn phù hợp, bạn có thể ở lại. Nếu không, bạn phải thay đổi bằng cách giảm cân chẳng hạn hoặc chấp nhận bị đào thải”, ông Edgar nói.
Văn hóa body shaming
Victoria Karpenko, người sáng lập và huấn luyện viên trưởng của Học viện Thể dục nhịp điệu Karpenko, cảm thấy "thất vọng" khi các vấn đề như body shaming (chế giễu ngoại hình) vẫn tồn tại trong môn thể thao này.
Huấn luyện viên người Nga đã tận mắt chứng kiến sự đối xử bất công mà nhiều vận động viên thể dục dụng cụ không có cơ thể gầy gò tự nhiên nhận được khi cô đang thi đấu tại Moscow.
“Bản thân tôi đã chứng kiến điều đó khi thi đấu và huấn luyện hơn 30 năm với môn thể thao này và dường như vẫn chưa có gì thay đổi cả. Một số cô gái gầy tự nhiên hơn những cô gái khác và thật đau lòng khi thấy những người không được như vậy trở thành mục tiêu body shaming của các huấn luyện viên”, huấn luyện viên 33 tuổi nói.
Cherrie Kwek, huấn luyện viên trưởng và người sáng lập Học viện Thể dục nhịp điệu Releve, không gây áp lực buộc các vận động viên thể dục mà cô huấn luyện phải giảm cân, nhưng đã chứng kiến một số vận động viên trẻ sử dụng các biện pháp quyết liệt, cực đoan để ép cân.
Văn hóa body shaming (chế giễu ngoại hình) tồn tại phổ biến trong môn thể dục dụng cụ. |
Mặc dù lý do đằng sau có thể không phải lúc nào cũng liên quan đến môn thể thao này, Kwek, một cựu vận động viên thể dục dụng cụ quốc gia, tin rằng điều quan trọng là các huấn luyện viên phải can thiệp nhanh chóng trong những tình huống như vậy.
Kwek, 29 tuổi, nói: “Bạn có thể thấy khi nào một cô gái bắt đầu ăn kiêng quyết liệt, vì vậy điều quan trọng là phải nói chuyện với cô ấy về lý do đằng sau và nói với cô ấy rằng không tốt nếu mất hết cơ và giảm cân quá mức”.
Tham, người đã đồng hành cùng đội tuyển Singapore tham dự các sự kiện thể thao lớn như Olympic và Asian Games, cho biết nếu không được xử lý đúng cách, việc giảm cân tiêu cực có thể khiến các vận động viên mắc chứng rối loạn ăn uống.
“Đôi khi nó tinh vi đến mức họ thậm chí không biết,” anh nói thêm.
Cũng có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của vận động viên khi họ lo lắng quá nhiều về ngoại hình.
Tham tin rằng việc dạy các vận động viên cách bảo vệ sức khỏe tinh thần là chìa khóa để thay đổi các hành vi lạm dụng đã ăn sâu vào văn hóa thể thao trong nhiều năm qua.
“Nhiều vận động viên đang phải chịu đựng trong im lặng mà không biết rằng những người khác cũng đang trải qua điều tương tự. Cần phải nâng cao nhận thức để đề phòng và nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng”.