Nhiều hiện vật quý lần đầu được trưng bày trong Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian. Ảnh: Việt Hùng. |
Các hiện vật trong trưng bày Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức, chia làm 2 phần: Tượng và linh vật tôn giáo; Đồ trang sức và vật dụng biểu tượng tôn giáo, quyền uy hoàng tộc.
Chia sẻ với Vietnamnet, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết bộ sưu tập của ông Đào Danh Đức đã được bảo tàng tiếp xúc và nghiên cứu từ năm 2013. Từ đó đến nay, các cán bộ bảo tàng luôn tìm tòi, đối sánh tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng công lập và sưu tập tư nhân để có cái nhìn khách quan, thấu đáo hơn.
Đặc biệt, bảo tàng đã tiếp cận nhiều tư liệu của các nhà nghiên cứu người Pháp công bố trong nửa đầu thế kỷ 20, khảo sát trực tiếp các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để so sánh, đánh giá sự tương đồng với các sưu tập của ông Đào Danh Đức.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn cho biết đối với sưu tập hiện vật của ông Đào Danh Đức, bảo tàng đã thành lập nhóm nghiên cứu, giám định, đồng thời và mời các chuyên gia như PGS.TS Ngô Văn Doanh - chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật và văn hoá Champa, TS. Phạm Quốc Quân và TS. Nguyễn Đình Chiến - hai chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giám định cổ vật.
Đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay. Pho tượng là cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Ảnh: Việt Hùng. |
"Trong quá trình giám định, các chuyên gia cũng như nhóm nghiên cứu, giám định của bảo tàng nhận thấy những hiện vật trong bộ sưu tập của Đào Danh Đức đều có lớp patin xỉn màu theo sự bào mòn của thời gian, cùng những dấu vết sứt, móp, thủng, rách… rất tự nhiên, thể hiện rõ nét sự chân xác của cổ vật.
Chúng tôi cũng quan tâm đến kỹ thuật chế tác, với các dấu hiệu cho thấy rõ những hiện vật này đều được tạo tác bằng kỹ thuật gò, dát, dập, chạm và hàn ghép thủ công bằng nhựa thực vật. Các hoạ tiết trang trí dày, nhỏ nhưng không rườm rối, rất tinh tế và thẩm mỹ, phản ánh trình độ điêu luyện của người thợ kim hoàn đương thời.
So sánh lớp patin và kỹ thuật này với hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (được người Pháp phát hiện từ đầu thế kỷ 20) có tính tương đồng. Khi so sánh với sưu tập đồ trang sức thời chúa Nguyễn (thế kỷ 17-18) hiện lưu giữ tại bảo tàng cũng cho thấy nét tương đồng về kỹ thuật tạo tác kim hoàn", ông Đoàn khẳng định.
Theo ông Đoàn, ngoài giám định chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã đề nghị phân tích thành phần hợp kim của từng hiện vật bằng phương pháp chụp huỳnh quang tia X. Kết quả cho thấy, các hiện vật bằng kim loại vàng đều có thông số tương đồng với 3 thành phần chính là vàng, bạc và đồng, trong đó tỷ lệ vàng (60-80%), bạc (15-30%) và đồng (2-6%). Hiện vật bạc qua phân tích gồm 3 thành phần chính là bạc, đồng và kẽm, trong đó tỷ lệ bạc (80-90%), đồng (5-10%), còn lại là kẽm.
"Tỷ lệ vàng, bạc của các hiện vật trong bộ sưu tập của ông Đào Danh Đức hoàn toàn tương đồng với những hiện vật cùng chất liệu được bảo tàng khai quật tại di tích tháp Cấm Mít (Đà Nẵng) và một số hiện vật Champa trong sưu tập tại bảo tàng.
Ngoài ra, những viên đá được khảm và đính trên hiện vật cũng được giám định, xác định là đá thạch anh màu và saphire. Kết quả giám định hiện trạng, kỹ thuật chế tác, đối sánh tư liệu và phân tích thành phần hợp kim và đá, đều xác định tính chân xác của sưu tập hiện vật này", ông Đoàn khẳng định.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết nhóm nghiên cứu nhận thấy các trang trí trên sưu tập có sự tương đồng với phong cách nghệ thuật nổi tiếng của nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử nghệ thuật Champa như: Mỹ Sơn, Đồng Dương, Quá Giáng, Phong Lệ, Chánh Lộ, Tháp Mẫm, Dương Long... Khi xác định niên đại, nhóm nghiên cứu nhận thấy trang trí trên sưu tập có sự kế thừa đậm nét các phong cách này.
"Do vậy, bước đầu chúng tôi đặt sưu tập này trong một khung niên đại tương thích với bối cảnh lịch sử (thế kỷ 16-19). Đây cũng là hiện tượng chúng ta thường thấy trong nền văn hóa Đông Sơn - Đại Việt, hay Óc Eo - Mạc Cửu… Chúng tôi cho rằng sưu tập của ông Đào Danh Đức thuộc giai đoạn muộn của văn hoá Champa, thế kỷ 17-18, trước khi Champa sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng năm 1832", ông Đoàn cho biết thêm.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.