Ngay trong đêm 28/3, quân đội đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai dựng lên một bệnh viện dã chiến trong khuôn viên bệnh viện. Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn đã chia sẻ về tình hình của bệnh viện.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thế Anh |
Với số lượng hơn 1.300 người bệnh nặng, các y, bác sĩ và nhân viên y tế làm thế nào để vừa đảm bảo chăm sóc cho bệnh nhân, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình?
- Thực tế hiện nay tại bệnh viện khá khó khăn. Chúng tôi đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ. Như hiện tại, 3.500 con người trong bệnh viện không thể đi ra ngoài mua sắm đồ dùng, vật dụng cá nhân. Mọi cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng đều do bệnh viện cấp. Nhưng có một bất cập rất lớn là các chuyến hàng do chúng tôi đặt hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho bệnh viện đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.
Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhà ăn của bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các xuất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, chúng tôi đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp xuất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các xuất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde.
Ông có thể chia sẻ về những tấm gương điển hình trong bệnh viện khi dịch Covid-19 lây lan?
- Có rất nhiều tấm gương vì người bệnh. Trong đó có một bác sĩ trẻ, là học trò của tôi, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch. Mặc dù là tháng thai cuối phải gặp nhiều khó khăn về tâm lý nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh, dù phải hy sinh nhiều thứ: về thể xác - đang mang thai tháng cuối, về tinh thần - mệt mỏi. Tuy vậy, nhờ có tinh thần hết lòng vì người bệnh và có anh em đồng nghiệp chung sức đồng lòng nên sức khỏe và thai của nữ bác sĩ vẫn diễn biến tốt.
Đó là một trong điển hình của cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai. Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch.
Là một người khoác trên vai thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai, trong bối cảnh Covid-19 này, ông và các đồng nghiệp của ông có bị kỳ thị không?
- Khi tiếp xúc với nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai thời Covid-19, đâu đó có thái độ e dè. Trước đây, chúng tôi biết có nhiều người rất quý mến các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trân trọng bác sĩ Bạch Mai. Nhưng bây giờ, qua nhiều kênh truyền thông không chính xác, họ xem y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây, là người mang Covid đến, vì thế họ né tránh. Thậm chí, có 1 bác sĩ của chúng tôi dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về để chịu tang bà. Đây là điểu chúng tôi rất buồn.
Đáng buồn hơn nữa, chúng tôi cần các bác sĩ của chúng tôi đang ở nhà vào bệnh viện hỗ trợ, nhưng tại nơi cư trú, họ bị địa phương ra quyết định cách ly tại nhà. Như vậy, tại mặt trận Bạch Mai này, chúng tôi đang thiếu đội ngũ bác sĩ, thiếu vật dụng sinh hoạt hàng ngày như điều kiện ăn uống, nghỉ ngủ. Khi không được tái sản xuất sức lao động đầy đủ, đội ngũ nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ không trụ được lâu. Các bác sĩ của chúng tôi nếu không được vào bệnh viện để điều trị, làm việc thì chúng tôi không đảm bảo chất lượng điều trị được như mong muốn.
Chiều 29/3, chúng tôi có cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng ngay cả quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai là GS.TS Ngô Quý Châu cũng không được phép ra khỏi nhà, và chúng tôi thấy đây là một vấn đề rất nóng, chúng tôi cần được sự hạ nhiệt từ lãnh đạo, từ các đồng nghiệp để ai trong chúng tôi cũng đủ sẵn sàng, minh mẫn điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Bệnh viện đã có biện pháp nào để ngăn chặn?
- Chúng tôi đã có nhiều kịch bản nhưng thật sự mà nói chuyện lần này khá là bất ngờ. Một đơn vị tham mưu của chúng tôi là Trung tâm Bệnh nhiệt đới lại là nơi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Vì thế, toàn bộ trung tâm đó phải cách ly, chúng tôi như mất đi phao cứu sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự trợ giúp của Bộ Y tế để có những biện pháp mạnh mẽ và đã có kế hoạch chi tiết từ đầu để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà...
Hiện chúng tôi vui mừng được thông báo với bà con, với người bệnh và anh em đồng nghiệp, rằng những nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm.
Chiều 29/3, Bệnh viện Bạch Mai đã có buổi họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Xin ông chia sẻ thêm?
- Đầu tiên, phó thủ tướng đã gửi gắm tình cảm tới nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nói riêng. Phó thủ tướng tin rằng Bạch Mai sẽ vượt qua được bằng những biện pháp cụ thể.
Thứ 1, ngay tối 28/3, Bộ Quốc phòng đã cho nhiều xe chở 631 người nhà bệnh nhân đến vùng cách ly. Việc này rất quan trọng, nó giúp giảm mật độ người trong bệnh viện qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm.
Thứ 2, Bộ Quốc phòng lập ngay 2 khu Bệnh viện dã chiến trong Bệnh viện Bạch Mai để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thứ 3, Bộ Quốc phòng đã cử các đồng chí bên Quân chủng Hóa học đến khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, hành lang, thang bộ, thang máy, tất cả khu vực công cộng của bệnh viện. Đây là điều kiện tiên quyết giúp chúng tôi tiến tới thành công.
Giáo sư có gì cần nhắn nhủ với người dân Hà Nội?
- Tôi chỉ nói đơn giản. Chúng tôi quyết chiến, quyết thắng. Chúng tôi vững tin với niềm tin chiến thắng trước dịch bệnh.