Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175: 'Y tế Việt Nam được thế giới công nhận'

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết các y bác sĩ Việt Nam tại Nam Sudan đã lập nhiều chiến công mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm được.

bac si mu noi xanh anh 1

Những ngày nắng như đổ lửa ở vùng đất Nam Sudan, một bệnh viện dã chiến luôn nổi bật với lá cờ đỏ sao vàng phía trước cùng vườn rau xanh ngát bao quanh.

Đó là căn cứ địa đóng quân của các y bác sĩ Việt Nam. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình, chiến tranh, xung đột sắc tộc, đói nghèo, đoàn quân thứ 3 của Việt Nam tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc.

Zing có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Phó giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), trước ngày Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường đến Nam Sudan.

Sức sống Việt Nam tại mảnh đất khô cằn

- Vì sao Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?

- Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan được thành lập vào tháng 7/2011 với nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định về chính trị, hòa bình, phát triển kinh tế, hạn chế xung đột, bảo vệ đời sống cho người dân Nam Sudan.

"Ngày đầu đặt chân đến Nam Sudan, bụi bay mịt trời, cả nước chưa đầy 65 km đường nhựa. Thời điểm đó, tôi đã biết việc tồn tại được mảnh đất này là cực kỳ gian khó và nguy hiểm"

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn

Bệnh viện dã chiến đầu tiên là cấp 2 số 1 (2.1) của Việt Nam tham gia lực lượng này vào tháng 11/2018. Đến tháng 11/2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường thay thế Bệnh viện 2.1. Ngày mai, Bệnh viện dã chiến 2.3 của chúng ta sẽ lên đường, tiếp nối nhiệm vụ quốc tế.

Việt Nam là nước thành viên của tổ chức Liên Hợp Quốc và cần thể hiện trách nhiệm của mình, trong đó có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Việc làm này cũng thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam với thế giới.

Đây còn là ước mơ của Bác Hồ từ những năm 1945, 1946. Sau hơn 70 năm, nó đã trở thành hiện thực.

bac si mu noi xanh anh 2

Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn chụp ảnh cùng trẻ em tại Nam Sudan. Ảnh: Trần Chính.

- Bữa ăn của người Việt vốn không thể thiếu rau xanh, trong khi Nam Sudan hầu như không thể trồng trọt. Vấn đề này được giải quyết ra sao tại nước sở tại?

- Với người Việt Nam, bữa cơm không thể thiếu những ngọn rau. Trong khi đó, người bản địa chỉ ăn động vật, hầu như không có rau xanh. Tuy nhiên, khó khăn này đã được giải quyết từ những ngày tôi sang tiền trạm vào năm 2014.

Ngày đầu đặt chân đến sân bay tại Nam Sudan, đường băng còn chưa trải nhựa, toàn sỏi đá, bụi bay mịt trời. Cả thủ đô chưa đầy 65 km đường nhựa. Khủng khiếp nhất có thể là trạm tị nạn được gọi với cái tên mỹ miều là trại bảo vệ thường dân. Thời điểm đó, tôi đã biết việc tồn tại được mảnh đất này là cực kỳ gian khó, nguy hiểm.

Nam Sudan có khí hậu lục địa điển hình. Ban ngày, nhiệt độ lên đến 50 độ C, nhưng đêm xuống, nhiệt chỉ còn 8-10 độ C. Lúc đi thực địa ở bờ ruộng, tôi phát hiện nhiều cây rau muống dại. Sau đó, tôi đến Bệnh viện dã chiến của Campuchia và nhờ các học trò luộc bó rau muống này.

Rau luộc ăn khá đắng nhưng vị vẫn giống rau muống Việt Nam. Từ đó, ý tưởng mon men trong đầu tôi là mang hạt giống rau muống sang trồng. Chúng ta sẽ mang thật nhiều hạt giống rau và hoa đến.

Sau khi Bệnh viện dã chiến 2.1 đóng quân, bữa cơm của lực lượng không chỉ có rau mà những luống hoa cũng rực rỡ như sức sống Việt Nam giữa mảnh đất khô cằn.

- Bệnh viện dã chiến đầu tiên thuộc Bệnh viện Quân Y 175 đã đạt thành công thế nào tại Nam Sudan?

- Sự xuất hiện của Việt Nam khiến người dân bản địa thay đổi hoàn toàn thái độ và xây dựng hình ảnh một Việt Nam rất khác. Mỗi khi ra đường, người ta hô to “Điện Biên Phủ, Việt Nam, Hồ Chí Minh number 1”. Đó là sự tự hào rất lớn sau những năm tháng miệt mài chuẩn bị.

bac si mu noi xanh anh 3

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn từng trực tiếp sang Nam Sudan để khảo sát địa hình, động viên cán bộ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cùng quá trình học tập, y bác sĩ Việt Nam đạt nhiều thành tích ngoài sức tưởng tượng về chuyên môn lẫn dân vận. Chúng ta xây dựng hình ảnh thầy thuốc tận tụy, không phân biệt màu da, tạo niềm tin lớn với dân bản địa.

Một khái niệm thú vị được xây dựng từ đây là ngoại giao bằng rau xanh. Bởi không chỉ riêng người Việt, người gốc Á mà cả phương Tây cũng rất thích rau xanh Việt Nam. Từ luống đất đầy cát và sỏi đá, những giàn mướp, bí, bầu, hoa mười giờ, thược dược nở rộ.

Bà Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc mỗi lần tiếp khách đều chọn bệnh viện dã chiến của chúng ta. Bà ấy mê tít các món rau nộm, nem, phở, bánh cuốn. Khách đến thăm đều rất thích vườn rau xanh và món ăn của chúng ta.

Nhiều nhà ngoại giao nói với tôi rằng họ từng xem thước phim về sự chiến đấu của bộ đội Việt Nam, nhưng khi tận mắt thấy nhân viên bệnh viện dã chiến trồng rau, đàn hát, giao tiếp, họ nhận ra không phải bộ đội nào trên thế giới cũng làm được mọi thứ như thế. Đây là chính sức mạnh của Việt Nam.

Việc Liên Hợp Quốc chấp nhận cho chúng ta xây dựng bệnh viện dã chiến nghĩa là thế giới đã công nhận y tế Việt Nam.

Bệnh viện 3 lần cách ly vì dịch Covid-19

- Là đơn vị đầu tiên được phân công huấn luyện, đào tạo bệnh viện dã chiến, hẳn đây là áp lực lớn?

- Đây là nhiệm vụ rất lớn và nặng nề. Bởi từ trước đến nay, chúng ta chưa có tiền lệ này. Thời điểm gật đầu nhận lời, tôi cũng chưa thể hình dung được sẽ tổ chức như thế nào, huấn luyện và quy mô ra sao.

"Dù không nói thành lời song ai cũng lo lắng. Đó là lực lượng lúc đi đủ song lúc về liệu có còn đủ như vậy hay không. Tất cả liệu có còn khỏe mạnh. Nếu thương vong 1-2 người, coi như thất bại"

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn

Bệnh viện dã chiến sẵn có của Bệnh viện Quân Y 175 có tính cơ động cao, nhưng lần này có nhiều khác biệt.

Thứ nhất là khó khăn về quy mô tổ chức, tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Thứ 2, Nam Sudan là nước ở Đông Phi. Khoảng 13 triệu dân tại đây luôn sống trong đói nghèo, bệnh tật và đối mặt với xung đột sắc tộc, nội chiến kéo dài. Sự khác biệt về thời tiết, địa hình, địa lý, ngôn ngữ, phong tục khiến lực lượng của ta khó thích nghi.

Điều quan trọng, dù không nói thành lời song ai cũng lo lắng. Đó là lực lượng lúc đi đủ song lúc về liệu có còn đủ như vậy hay không. Tất cả liệu có còn mạnh khỏe. Sốt rét còn không sao vì vẫn điều trị được. Nếu lây HIV, bị phiến quân tấn công gây thương vong 1-2 người thì cũng coi như thất bại.

Suốt một năm như thế, lực lượng sẽ có rất nhiều chuyến công tác bằng trực thăng. Sơ suất có thể xảy ra, đôi khi bị phiến quân dùng tên lửa tấn công, thực tế Nga bị rất nhiều.

Đợt vừa rồi, tướng lĩnh bản địa còn dặn chúng tôi khi ra ngoài không nhìn thẳng vào mắt thổ dân, không được có động thái sử dụng vũ khí. Bất cứ lý do nào cũng có thể bị khủng bố. Ngoài ra, vấn đề an toàn tình dục cũng được đặt ra trong thời gian công tác. Đó là những vấn đề trước nay không thể nói trên truyền thông nhưng đặt ra áp lực rất lớn cho người chỉ huy.

Tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi cũng gần như thức trắng nhiều đêm trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ, vừa thương đồng chí, đồng nghiệp, vừa tìm cách để đảm bảo công tác huấn luyện thuận lợi nhất.

bac si mu noi xanh anh 4

64 y bác sĩ Bệnh viện dã chiến 2.3 đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, sẵn sàng lên đường sang châu Phi. Ảnh: Duy Hiệu.

- Ông và đơn vị đã giải quyết những khó khăn này như thế nào?

- Vô vàn câu hỏi đặt ra buộc chúng ta phải giải quyết dần và phân chia từng mục tiêu cụ thể.

Đầu tiên là câu chuyện tổ chức biên chế. Liên Hợp Quốc chỉ cho 63 con người mà phải xây dựng bệnh viện dã chiến cấp 2 - tương đương cơ sở y tế tuyến quận, huyện của Việt Nam và phải đảm bảo giải quyết được căn bản những cấp cứu nội, ngoại khoa.

Thứ 2, y bác sĩ tham gia lực lượng phải học nhiều môn phụ khác như nguyên tắc căn bản trong ứng xử của Liên Hợp Quốc, văn hóa, tôn giáo, chính sách liên quan thực địa, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh. Ví dụ kỹ năng xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, rồi cách tự cứu mình trong cơn đói khát ở sa mạc. Thậm chí là câu chuyện về giới tính trong phái bộ với địa phương như lạm dụng tình dục, chống bạo hành…

Thứ 3 là câu chuyện đào tạo tiếng Anh. Tất cả nhân viên bệnh viện buộc phải có trình độ IELTS 5.5 trở lên. Trong quá trình đào tạo, nhiều bạn bị loại bỏ do thể lực yếu, không đủ chuyên môn, mang thai, yếu tố gia đình, chia tay người yêu… Từ khi bắt đầu đào tạo đến giai đoạn gần hoàn thiện, cá nhân đủ tiêu chuẩn được chọn chỉ còn khoảng một nửa.

- Với thành công của lực lượng trước, hẳn việc huấn luyện và xây dựng Bệnh viện dã chiến 2.3 gặp nhiều áp lực, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp?

- Với thành công lớn của Bệnh viện 2.1, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo 2.1 tốt thì 2.2 và 2.3 buộc phải tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn ngay trong hôm đầu tiên tuyên bố thành lập bệnh viện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ chuyến bay quốc tế. Quá trình huấn luyện không còn cách nào khác phải thực hiện trực tuyến.

"Việc Liên Hợp Quốc chấp nhận cho chúng ta xây dựng bệnh viện dã chiến nghĩa là thế giới đã công nhận y tế Việt Nam"

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175

Vừa yên bình không được bao lâu thì lại xuất hiện trường hợp F1, F2 trong bệnh viện. Đơn vị phải thực hiện giãn cách tương đối, câu chuyện huấn luyện, đào tạo cũng ảnh hưởng theo.

Sau đó, tình hình yên ổn được một thời gian ngắn. Chỉ sau đó vài tuần, 4 người dương tính với nCoV tại quán bar Buddha (quận 2), trong đó có bệnh nhân 91 (phi công người Anh). Một giáo viên dạy tiếng Anh tại bệnh viện không nhiễm bệnh nhưng có tiếp xúc với nhóm này. Tôi còn nhớ hôm đó, nữ giáo viên đang dạy thì CDC TP.HCM đến đưa đi cách ly. Bệnh viện phải giãn cách toàn bộ.

Quá trình giảng dạy tiếng Anh kéo dài hơn một năm. Chúng tôi có 3 lần phải tạm hoãn công tác huấn luyện, chuyển sang học tập online. Trong cái khó lại ló cái khôn, các bạn học tập rất chăm chỉ và đây là lần đầu tất cả nhân viên tập huấn đều đạt điểm IELTS trên 5.

- Bệnh viện đã giải quyết khó khăn bước đầu này ra sao và lên đường với tinh thần như thế nào?

- Do ảnh hưởng của Covid-19, chuyên gia nước ngoài đào tạo hạn chế, thời gian đi thực địa cũng không nhiều so với đơn vị trước. Thời gian trước tôi cho các bạn đi rất nhiều, trải nghiệm thực tế cái nắng cháy da ở Ninh Thuận hay những cơn mưa rừng bất chợt ở Bình Phước, Đắk Nông, nhưng năm nay không thể.

Lực lượng Bệnh viện dã chiến 2.1 trở thành giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm cho Bệnh viện 2.3. Điều khiến tôi vui nhất là nhiều bạn đi trước vẫn tình nguyện xung phong tham gia tiếp. Vừa rồi có một điều dưỡng 24 tuổi không đủ tiêu chí đi, bạn ấy khóc rất nhiều nhưng buộc lòng phải có sự chọn lọc khắt khe như thế.

Với Bệnh viện dã chiến 2.3, chúng ta có 14 nữ cán bộ, nhân viên y tế, tinh thần và chuyên môn của tất cả đều rất tốt và sẵn sàng lên đường, hứa hẹn nhiều hy vọng mới.

Tâm sự của nữ bác sĩ lên đường công tác ở Nam Sudan Bác sĩ Tống Vân Anh (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3) là một trong 64 nhân viên y tế sẽ lên đường tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan vào ngày 24/3.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm