Chiều 26/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, mức án 6 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và 8 năm 6 tháng về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", tổng hợp hình phạt 14 năm 6 tháng.
Chủ mưu lĩnh án cao nhất
Cùng vụ án, tòa tuyên bị cáo Đinh Thị Diệu Thúy, Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam, 27 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 24 tháng tù do “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo còn lại, trong đó có 3 người là cựu cán bộ ngân hàng lĩnh các mức án từ 30 tháng tù đến 8 năm tù cho một trong 3 tội trên.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương. |
Về dân sự, bị cáo Nguyễn Ngọc Phương phải bồi thường hơn 31 tỷ đồng tiền nợ gốc và 11 tỷ đồng tiền lãi cho một ngân hàng chi nhánh Tây Hồ.
Bản án đánh giá hành vi của các bị cáo "đặc biệt nguy hiểm", số tiền vận chuyển và thiệt hại đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Trong vụ án, bị cáo Phương giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các bị cáo thuộc "hệ sinh thái" của mình thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép, lập khống hồ sơ vay tiền. Các bị cáo khác là đồng phạm có vai trò giúp sức.
Cho rằng việc xử lý nghiêm là cần thiết để răn đe nhưng cũng xét các bị cáo thành khẩn, ăn năn, nhiều bị cáo chỉ là nhân viên, làm công ăn lương, phụ thuộc; nhiều bị cáo còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sống, cả nể làm theo yêu cầu chỉ đạo nên phạm tội. Tòa do đó tuyên một số bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Vận chuyển trái phép gần nửa tỷ USD, gây thiệt hại cho ngân hàng
Hồ sơ vụ án nêu năm 2014-2018, bị cáo Nguyễn Ngọc Phương đã sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài do mình thành lập, điều hành để chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước. Việc làm này để hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Cụ thể, trong nước, Phương dùng các pháp nhân là Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, Công ty TNHH DPC Hà Nội, Công ty Cổ phần Giá Diệp, Công ty Cổ phần Quốc Tế Lăng Nguyên, Công ty TNHH chuyển giao khoa học và công nghệ quốc tế DPC, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Aqua-com, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển dự án Đông Đô.
![]() |
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ở nước ngoài, Phương sử dụng 3 doanh nghiệp tại Hong Kong (Trung Quốc) do mình thành lập, điều hành là Công ty Louis Alliance Company Limited, International Trading HongKong Limited, Global Trading Service Limited.
Để chuyển tiền ra nước ngoài, Phương chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với 3 doanh nghiệp ở Hong Kong (Trung Quốc). Ngoài ra, nhóm Phương có hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp ở trong nước với nhau để "hợp thức" hồ sơ vay vốn ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Tiền được Phương chỉ đạo chuyển ra nước ngoài qua 3 ngân hàng lớn trong nước rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hong Kong (Trung Quốc) thông qua các hợp đồng nhập khẩu khống.
Tính từ 2014-2018, Phương chỉ đạo Đinh Thị Diệu Thúy, cùng đồng phạm phối hợp tính toán số tiền cần vay trong mỗi hợp đồng tín dụng, số tiền cần chuyển ra nước ngoài. Từ đó, nhóm bị cáo cân đối lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Sau khi trao đổi và thống nhất chủ trương vay vốn tại các ngân hàng, Phương giao cho đồng phạm làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân.
Trên cơ sở làm việc với ngân hàng, nhóm Thúy cùng trao đổi, bàn về số tiền được giải ngân để lên phương án lập khống hồ sơ rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Tổng cộng, nhóm Phương và Thúy đã chỉ đạo nhân việc chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (từ Việt Nam sang Hong Kong và từ Hong Kong về Việt Nam) với số tiền 425,1 triệu USD (tương đương gần 9.500 tỷ đồng).
Đáng chú ý, cơ quan tố tụng quy kết bị cáo Vũ Tiến Sơn, cựu giám đốc chi nhánh của một ngân hàng Tây Hồ, biết rõ phương án vay vốn của nhóm Nguyễn Ngọc Phương không khả thi nhưng vẫn đồng ý cấp tín dụng, giải ngân không có tài sản đảm bảo.
Bị cáo Hoàng Thị Mai Vân (cấp dưới Vũ Tiến Sơn) bị cáo buộc là người kiểm soát khoản vay nhưng đã thực hiện theo chỉ đạo của Sơn. Sai phạm này dẫn đến việc bà Vân không kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ vay vốn, giải ngân và không kiểm soát nhiều yếu tố khác nhưng vẫn ký báo cáo đề xuất cấp tín dụng cho công ty của bị cáo Phương.
Sai phạm của nhóm cán bộ đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 42 tỷ đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.