Ngày 10/7, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty TNHH Công Bình, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (viết tắt là ABBank).
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày (10-11/7).
Theo truy tố, bị cáo Phan Công Bình (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Công Bình), trong quá trình kinh doanh, công ty của bị cáo có phát sinh vay vốn tại nhiều ngân hàng, thế chấp bằng nhà xưởng, máy móc và bất động sản.
Sau này, khi cần tiền nhưng công ty không còn tài sản thế chấp, nên khoản vay ngân hàng được đảm bảo là cầm cố gạo thành phẩm.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: BH. |
Khoảng tháng 7/2016, Phan Công Bình làm giấy đề nghị cùng hồ sơ báo cáo tình hình tài chính gửi ABBank, đề xuất vay 470 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh và tài trợ xuất khẩu.
Được Hội đồng tín dụng ngân hàng đồng ý, bị cáo Bình và lãnh đạo ABBank đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 405 tỷ đồng thời hạn 6 tháng đến một năm. Tài sản cầm cố là lúa khô và gạo thành phẩm.
Sau đó, đại diện ABBank đã đến kho của Công ty Công Bình để kiểm kê tài sản thế chấp. Theo báo cáo của Công ty Công Bình, gạo đã được đóng thành bao, việc gỡ từng bao gạo để kiểm đếm sẽ mất nhiều thời gian, nên đại diện các bên thống nhất phương án đo chiều cao, rộng của mỗi cây để tính trọng lượng. Sau đó, sẽ kiểm tra ngẫu nhiên số lượng gạo ở mỗi cây bất kỳ.
Sau khi kiểm đếm bằng phương pháp này, các bên lập biên bản ghi nhận có gần 9.800 tấn gạo trong kho.
Tháng 11/2016, bị cáo Bình và bị cáo Trần Thế Lực (nguyên giám đốc ABBank - chi nhánh Sài Gòn) đã ký hợp đồng cầm cố số gạo trên. ABBank - chi nhánh Sài Gòn giải ngân cho Công ty Công Bình hơn 3,7 triệu USD (tương đương gần 85 tỷ đồng).
Khoảng 1 tháng sau, Phan Công Bình tiếp tục xin bổ sung thêm tài sản cầm cố là hơn 305 tấn gạo để được vay thêm gần 2,7 tỷ đồng và được lãnh đạo ABBank - chi nhánh Sài Gòn ký duyệt. Sau đó, bị cáo Bình còn nhiều lần xin bổ sung thêm gạo cầm cố để vay thêm tiền.
Tuy nhiên, quá trình bổ sung thêm gạo, bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên xếp, chất các cây gạo không đúng số lượng, bị rỗng bên trong, dẫn đến bị thiếu hơn 10.167 tấn, không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán.
Số tiền vay được, bị cáo sử dụng để trả nợ hoặc đảo nợ, không sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đến nay, Công ty Công Bình còn nợ của ABBank 61 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo, không có khả năng thanh toán.
Cáo trạng xác định các bị cáo Trần Thế Lực (nguyên giám đốc) và Cao Văn Anh (nguyên Phó giám đốc ABBank - chi nhánh Sài Gòn); Nguyễn Văn Tuấn (nguyên Trưởng phòng giao dịch Soái Kình Lâm, ABBank - chi nhánh Sài Gòn), trong quá trình phê duyệt hồ sơ tín dụng, biết Công ty Công Bình không thể trả nợ quá hạn nhưng vẫn tiếp tục giải ngân.
Đối với Cù Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc ABBank), bị cáo biết Công ty Công Bình không thể trả nợ quá hạn nhưng không chỉ đạo, quản lý, giám sát kiểm tra rủi ro thu hồi nợ.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Quân (nguyên Phó tổng giám đốc ABBank), với vai trò quản lý tín dụng nhưng không có biện pháp đề xuất tổng giám đốc ngăn chặn việc giải ngân, từ đó tạo điều kiện cho 2 bị cáo Trần Thế Lực, Cao Văn Anh giải ngân cho Công ty Công Bình.
Sách về pháp luật
Giải quyết tranh chấp di chúc - thừa kế, hôn nhân & gia đình và Giải quyết tranh chấp quyền và nghĩa vụ về tài sản là 2 cuốn sách phổ biến kiến thức pháp luật dân sự thông qua tình huống cụ thể.