Theo thống kê, ở Hòa Bình, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27 em, chiếm 4,7% cả nước. Trong khi với đề thi Toán năm 2017 được đánh giá dễ hơn rất nhiều so với năm nay, cả tỉnh chỉ có 100 em đạt 9 điểm trở lên, chiếm 0,46% cả nước.
Cả nước có 324 thí sinh được trên 27 điểm thì Hà Giang có 67; Sơn La 26; Hòa Bình 22. Đồ họa: Vũ Nhân. |
Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em.
Đặc biệt, ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.
Trả lời về điểm thi cao ở Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình - cho biết sở đã làm đúng theo quy trình các khâu của kỳ thi THPT quốc gia, không có sự can thiệp về điểm số. Ông Đắc hoàn toàn yên tâm về kết quả thi THPT quốc gia của tỉnh.
Ông cho hay nếu Bộ GD&ĐT thấy cần thiết, Sở GD&ĐT Hòa Bình sẵn sàng mời bộ về rà soát bài thi. Tuy nhiên, đây là quy trình phải được Bộ GD&ĐT cho phép mới có thể thực hiện được.
Trước đó, tổ thanh tra của Bộ GD&ĐT đã rà soát điểm thi tại Hà Giang sau khi nhận được những phản ánh nghi vấn tiêu cực từ dư luận.
Quá trình rà soát phát hiện 114 thí sinh, hơn 330 bài thi trắc nghiệm có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm/3 môn so với điểm chấm thẩm định.
Sau Hà Giang, các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình cũng bị phản ánh có nhiều nghi vấn về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Hiện tại, tổ công tác đang làm việc với sở GD&ĐT của hai tỉnh này.