Ngày 28/2, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ngãi cho biết ông Phạm Ngọc Phượng (53 tuổi, ngụ phường Chánh Lộ), giám đốc Trung tâm pháp y Quảng Ngãi, bị cáo buộc nhận tiền hối lộ để làm sai lệch giấy giám định giúp một phạm nhân đủ điều kiện để hoãn thi hành án phạt tù.
"Ông Phượng đã làm giấy giám định cho phạm nhân tên Tín (ngụ TP Quảng Ngãi) bị bệnh suy thận nặng để được xem xét đủ điều kiện hoãn thi hành án phạt tù. Phạm nhân này từng bị cơ quan chức năng tuyên phạt 9 tháng tù giam vì tội Hủy hoại tài sản và sức khỏe bình thường, hoàn toàn không mắc bệnh suy thận như bác sĩ Phượng ghi trong giấy giám định", lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ngãi nói.
Ông Phạm Ngọc Phượng lúc còn công tác. Ảnh: Phượng Vỹ. |
Theo thông báo của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, ông Phượng bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp do có hành vi Nhận hối lộ, phạm vào Điều 354 Bộ luật hình sự. Hiện ông này bị tạm giữ ở Trại giam B14, Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) tại Đà Nẵng.
Ngoài ông Phượng, nhà chức trách cũng bắt giữ một người là "cò" giám định.
Trước đó, ngày 27/2, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi xác nhận sau khi phát hiện ông Phạm Ngọc Phượng, giám đốc Trung tâm giám định pháp y tỉnh, có dấu hiệu giám định sai lệch cho phạm nhân, đơn vị đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý theo thẩm quyền.
Bước đầu điều tra, cảnh sát nhận định ông Phượng đã nhận tiền hối lộ làm sai lệch kết quả giám định pháp y liên quan đến một vụ án. Việc này đã làm thay đổi bản chất trong việc thi hành bản án của người phạm tội với mục đích giúp một phạm nhân ra tù sớm.
"Việc ông Phượng bị tạm giữ ở Trại tạm giam Quân khu 5 không liên quan gì đến phạm nhân quân sự như nhiều người đồn đoán. Đây chỉ là cơ chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra của VKSND tối cao với Bộ Quốc phòng trong việc tạm giữ nghi phạm thuộc diện họ thụ lý", lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi nói.
Ông Phượng từng là trưởng Khoa giải phẫu bệnh kiêm Trưởng phòng pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2016, tỉnh thành lập Trung tâm Pháp y trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở phòng pháp y thuộc bệnh viện, bổ nhiệm ông Phượng làm giám đốc. Chức năng của trung tâm là tổ chức thực hiện giám định pháp y, giám định thương tích... khi có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan cảnh sát điều tra hoặc tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, ông Phượng có phòng khám riêng trên đường Lê Lợi.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao là đơn vị trực thuộc VKSND tối cao có chức năng điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định theo Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, VKS, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Theo quy định tại các đạo luật mới về tư pháp như Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngoài việc điều tra đối với chủ thể là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, TAND, VKSND, cơ quan Thi hành án, còn có thẩm quyền điều tra đối với 2 nhóm chủ thể là: Người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp bao gồm: Người giám định, người dịch thuật, người định giá tài sản, luật sư người bào chữa, cán bộ thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra… khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng; Cán bộ công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an khi họ thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…