Theo cáo trạng, bị can Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bị cáo buộc đã thực hiện các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền 1.463 tỷ đồng.
Bị can Hạnh được xác định đã sử dụng hàng nghìn tỷ đồng để mua bất động sản, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân và đưa hối lộ hàng loạt cá nhân tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy Bến Tre…
Bị can Mai Thị Hồng Hạnh. |
Kết quả điều tra xác định tháng 6/2021, giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương cấp cho Công ty Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép, bị can Hạnh trao đổi và chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội) liên hệ và chuẩn bị tiền đưa hối lộ cho lãnh đạo Bộ Công thương để xin cấp lại giấy phép.
Thông qua bị can Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước), Hạnh liên lạc nhờ bị can Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) giúp đỡ cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Khi đó, bị can Hải phụ trách Vụ Thị trường trong nước nên có thẩm quyền ký cấp giấy phép.
Nhận được lời nhờ, bị can Hải giới thiệu và yêu cầu bị can Hạnh liên hệ với bị can Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) để được hướng dẫn cụ thể. Bị can Hải đồng thời gọi điện cho bị can Tuấn chỉ đạo sớm xem xét, giải quyết hồ sơ xin cấp lại giấy phép của Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị can Hoàng Anh Tuấn. |
Bị can Tuấn báo cáo lại việc này cho bị can Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và 2 người thống nhất tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil theo chỉ đạo của bị can Hải.
Ngày 17/6/2021, bị can Hạnh đưa 10.000 USD cho bị can Thắng và chỉ đạo “tặng” số tiền này cho bị can Tuấn. Tuy nhiên khi gặp nhau, bị can Thắng chỉ đưa 5.000 USD cho bị can Tuấn. Còn lại 5.000 USD được chuyển vào Quỹ Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội.
Sau đó, Công ty Xuyên Việt Oil nộp hồ sơ, nhưng chưa được chấp thuận cấp lại giấy phép vì thiếu điều kiện cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối theo quy định.
Vì thế, bị can Hạnh liên hệ với bị can Tuấn nhờ giúp đỡ và hứa gửi chi phí cấp phép là 300.000 USD. Sau khi được bị can Tuấn tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cấp phép, bị can Hạnh liên hệ mua 300.000 USD và đưa cho bị can Thắng để đi hối lộ nhằm giúp hồ sơ được thông qua.
Bị can Trần Duy Đông. |
Sau khi nhận tiền từ bị can Hạnh, bị can Thắng đến trụ sở Bộ Công thương (ở Hà Nội). Trên đường đi từ cổng vào khu vực làm việc của Vụ Thị trường trong nước, bị can Thắng kiểm tra túi tiền thấy có 300.000 USD, nên lấy ra một cọc tiền 50.000 USD bỏ vào túi xách cá nhân của mình.
Khi đến khu vực làm việc của Vụ Thị trường trong nước, bị can Thắng được bị can Tuấn đưa vào phòng làm việc của bị can Đông. Tại đây, bị can Thắng nói: “Do dịch Covid, chị Hạnh không ra Hà Nội được, nên gửi quà cho các anh”. Sau đó, bị can Thắng để túi đựng tiền sát bên chỗ ngồi của bị can Đông trên ghế sô pha.
Sau khi bị can Thắng ra về, tại phòng làm việc của mình, bị can Đông và bị can Tuấn chia nhau số tiền hối lộ 250.000 USD (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng) thành 2 phần. Trong đó, bị can Đông giữ lại 120.000 USD (tương đương hơn 2,7 tỷ đồng) và đưa cho bị can Tuấn 130.000 USD (tương đương hơn 2,9 tỷ đồng).
Ngoài ra, bị can Thắng còn một lần hối lộ bị can Tuấn 10.000 USD khi Tuấn được phân công làm Trưởng đoàn đi kiểm tra điều kiện cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Và lần đó, bị can Tuấn đã ký biên bản giúp Công ty Xuyên Việt Oil được cấp phép kinh doanh xăng dầu.
Trong vụ án này, bị can Tuấn bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền 5,9 tỷ đồng. Bị can Tuấn còn đồng phạm với bị can Đông nhận hối lộ 5,6 tỷ đồng và trực tiếp nhận hối lộ 339 triệu đồng. Qua đó, bị can Tuấn đã hưởng lợi bất hợp pháp 3,2 tỷ đồng.
Bị can Đông cũng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” do đồng phạm với bị can Tuấn nhận hối lộ 5,6 tỷ đồng và hưởng lợi cá nhân bất hợp pháp 2,7 tỷ đồng. Bị can Thắng bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” với vai trò giúp sức cho bị can Hạnh với tổng số tiền đưa hối lộ hơn 7 tỷ đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.