Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Đảm bảo chất lượng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết theo quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống quốc dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 18/10, quy định thời gian đào tạo đại học từ 3 – 5 năm.
Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 18/10 quy định Bậc 6 – đại học yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ.
Ông Khuyến phân tích, theo thiết kế chuẩn của thế giới, mỗi năm học được thiết kế bao gồm 30 tín chỉ. Như vậy, 120 tín chỉ ở bậc đại học tương đương với thời gian đào tạo 4 năm.
Giảm khối lượng hay tăng cường độ học?
“Nếu hai văn bản nói trên không mâu thuẫn thì nếu rút chương trình đại học xuống còn 3 năm, phải tăng nội dung học của mỗi năm lên chứ không được bớt số lượng tín chỉ đi, hoặc chương trình phổ thông phải nặng lên. Hiện nay đã kêu chương trình phổ thông nặng, thêm nữa sẽ thành quá tải. Như vậy, chương trình đại học phải nặng lên.
Tuy nhiên, chương trình là thiết kế đại trà cho cả hệ thống. Nếu thiết kế quá nặng, sinh viên trung bình, khá sẽ thiệt. Không thể lấy tiêu chuẩn của những sinh viên giỏi để thiết kế cho chương trình chung được. Dồn học 40 tính chỉ/năm, sinh viên trung bình sẽ không đáp ứng được”, ông Khuyến lưu ý.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2016
. Ảnh: VietNamNet. |
Ông Khuyến cũng cho rằng chương trình đào tạo đại học với 120 tín chỉ như hiện nay thực ra còn nhẹ. Nếu thiết kế lại, đổi mới nội dung học, chương trình phải theo hướng tích hợp các môn chứ không phải giảm khối lượng.
“Có như vậy mới tương đương trình độ khu vực, thế giới. Đào tạo thấp quá khi ra trường sẽ phải đào tạo lại”, ông Khuyến khẳng định.
“Nói 'tinh giản những nội dung thừa' là cảm tính. Theo quy định, một tín chỉ gồm 45 giờ học lý thuyết, thực hành, tự học, nếu cần tăng cường thời gian thực hành, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh, phân phối lại tương quan lý thuyết – thực hành chứ không giảm số lượng tín chỉ. Như vậy, muốn giảm thời gian chỉ có cách tăng cường độ học lên”.
Ông Khuyến cho rằng thiết kế chính sách phải thiết kế cho đại trà. "Còn những sinh viên khá giỏi, hoàn toàn có thể học rút ngắn thời gian”.
Ông Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học là phù hợp việc hội nhập quốc tế. Rất nhiều chương trình đào tạo của các nước châu Âu đều rút ngắn thời lượng học, điều này phù hợp phương thức đào tạo theo tín chỉ mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo.
“Vấn đề là cần có sự thống nhất nên rút ngắn như thế nào để nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo”.
Chương trình đào tạo bao gồm 4 khối kiến thức: Kiến thức chung (chính trị, tư tưởng, ngoại ngữ, toán đại cương…), kiến thức cơ sở, sau đó vào kiến thức ngành, rồi chuyên ngành.
Khối kiến thức chung, gần như trường nào cũng có, tổng cộng khoảng 30 tín chỉ, chiếm khoảng 1 năm học. Như vậy chỉ có 3 năm học chuyên ngành và chuẩn bị tốt nghiệp.
“Nếu chúng ta đào tạo 3 năm thì có nghĩa thời gian đào tạo ngành không thể rút đi được, bởi vì lý thuyết có thể điều chỉnh ngắn đi nhưng phải tăng thời gian thực hành. Nếu rút ngắn thời gian đào tạo mà lại giữ khối kiến thức chung, cắt vào kiến thức ngành thì có khác nào trong một bữa ăn cắt đi món chính và để lại toàn món phụ? Muốn giảm bớt thời lượng chương trình đào tạo đại học, chắc chắn không thể cắt giảm một cách cơ học, cẩu thả, duy ý chí được”.
Ông Nhã cho biết các trường ở châu Âu áp dụng chương trình đào tạo 3 năm không có khối kiến thức chung như Việt Nam. Khối kiến thức chung với một số môn học bắt buộc đều được đẩy ra khỏi chương trình đào tạo chính thức, trở thành điều kiện cần cho các sinh viên tốt nghiệp. Ví dụ như ngoại ngữ, sinh viên được yêu cầu phải có được chứng chỉ đúng theo quy định, còn việc họ học ở đâu là tùy ý.
Theo ông Nhã, nhiều người đang nhầm tưởng sinh viên thiếu kỹ năng mềm, thiếu ngoại ngữ, cần tăng cường những cái đó trong chương trình đào tạo. “Nhưng đã là đại học thì cần phải dạy kiến thức để sau này đi hành nghề, chứ không phải để đi thuyết trình, hay nói chuyện với người nước ngoài”.
“Nếu rút chương trình học, cần đảm bảo các điều kiện sau: Thứ nhất là những môn ngoại ngữ, toán cơ bản… phải là điều kiện cần để vào học đại học, như vậy sẽ rút được thời gian học các môn đó đi. Thứ hai, thiết kế chương trình cho sinh viên được quyền tự chọn, sâu sắc đến từng cá thể chứ không phải theo niên khóa, theo lớp nữa. Thứ ba, phải có những môn học hết sức cơ bản để sinh viên ra trường hành nghề được, chứ không phải dạy những môn chung chung.
Làm được những điều đó, rút thời gian học xuống 3 năm là phù hợp. Nên thiết kế một khung 3 năm, nhưng linh hoạt, sinh viên có quyền 'du di' thời gian học”.
Vẫn phải cho sinh viên nền tảng cần thiết
Là người trực tiếp làm việc ở cơ sở, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định không thể cắt bớt những môn thuộc chương trình giáo dục đại cương vì đây là những môn học nền tảng.
“Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc thay đổi ngành nghề của sinh viên sau khi ra trường là bình thường.Theo nghiên cứu, chỉ có 40% sinh viên ra trường làm đúng ngành học, 60% còn lại phải học thêm, học chuyển ngành…
Những môn học đại cương chính là phao cứu sinh của họ, các môn học đại cương chiếm tới 50% thời lượng. Cấu trúc này không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, giúp sinh viên chuyển đổi ngành nghề khi không làm đúng việc”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, trong các môn đại cương, các môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ nên đưa ra ngoài chương trình. Trong đó, môn Giáo dục quốc phòng nên đổi thành chương trình, sau khi sinh viên tốt nghiệp sinh viên có một thời gian phục vụ quân đội. Môn giáo dục thể chất cho sinh viên tự học. Ngoại ngữ được quy đổi thành những chứng chỉ.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM chia sẻ khi tiến hành khảo sát sinh viên về thời gian đào tạo, đa số sinh viên đều đồng ý rút xuống thời gian 3 năm và nên ngắn hơn nữa. Tuy nhiên, việc rút ngắn chương trình phải tùy thuộc vào nhóm ngành nghề.
Với các ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh doanh nông nghiệp có thể rút ngắn. Riêng các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ đòi hỏi quy trình thực hành, thực tập, thí nghiệm phải đảm bảo độ dài.
Ông Lý cho biết: “Trường chúng tôi khuyến khích sinh viên không rút ngắn thời gian học với một số ngành như công nghệ môi trường, công nghệ sinh học; dù sinh viên có quyền rút ngắn vì liên quan các yếu tố kỹ thuật công nghệ”.
Với các môn đại cương, ông Lý thừa nhận muốn giảm một số môn ở cả hai lĩnh vực xã hội và tự nhiên, thậm chí những môn đã có trong chương trình cấp ba nay cũng nằm trong chương trình đại học là không nên.
“Cần tập trung những môn liên quan trực tiếp đến các môn chuyên ngành. Giữ lại những môn học góp phần tích cực vào kỹ năng nghề nghiệp. Những môn học bổ sung gián tiếp bên ngoài nên giảm bớt để chương trình gọn nhẹ”, ông Lý đề xuất.
Trong khi đó, lãnh đạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm đề xuất đối với môn đại cương không nên cắt giảm nhưng có thể tổ chức thành những nhóm môn tích hợp và tăng cường tính tự học của người học, thông qua các hệ thống học trực tuyến, E learning.
“Rút ngắn ở đây không phải cắt chương trình đào tạo, mà là phương pháp tổ chức đào tạo, phương pháp tổ chức dạy học vì chương trình, tín chỉ vẫn giữ nguyên”.
Theo lãnh đạo trường, hiện tại, ĐH Công nghiệp Thực phẩm đang thí điểm môn ngoại ngữ theo mô hình vừa học trên lớp, học một phần ở nhà thông qua hệ thống Elearning, áp dụng đánh giá theo chuẩn.
Nhóm môn giáo dục thể chất học theo mô hình câu lạc bộ, khối lượng học không ít đi, nhưng hình thức tổ chức nhẹ nhàng. Sắp tới, những nhóm môn khoa học xã hội sẽ được dạy theo phương pháp tích hợp để giảm bớt thời gian và số lượng giảng viên phải dạy những môn lẻ tẻ.