Tăng cường an ninh nơi giam giữ
Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng ở huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Từ đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào khu trại chính khá thưa nóc nhà, vắng bóng người qua lại.
“Nhìn bên ngoài, cuộc sống chốn lao tù có vẻ buồn, đơn điệu, nhưng thực tình không phải vậy. Trong môi trường giáo dục lại cả nghìn con người thì làm sao buồn được”, thượng tá Phan Đình Thành - Giám thị trại giam số 3 mở đầu cuộc trò chuyện khi được hỏi về điều kiện sinh hoạt nơi đây.
Về công tác lo Tết tại nơi giam giữ gần 2.600 phạm nhân nam, đa phần thụ lý án dài, vị trưởng trại bảo việc chuẩn bị hậu cần, lên thực đơn món ăn cho trại viên đã hoàn tất trước ngày 23 tháng Chạp. Với trại, việc cần chuẩn bị chu đáo nhất dịp này làm đảm bảo an toàn nơi giam giữ - giám thị tuổi Đinh Mùi nói.
Các phạm nhân trở về nơi giam giữ sau buổi lao động ngày giáp Tết. Ảnh: Việt Đức. |
Với gần 30 năm thâm niên công tác ở trại giam, ông Thành đúc rút, cứ mỗi dịp trước, trong và sau tết, phạm nhân luôn có tâm trạng nhớ nhà, muốn được về đoàn tụ cùng gia đình. “Đây là khoảng thời gian họ dễ nảy sinh tư tưởng trốn trại”, thượng tá Thành nhận định.
Trại giam thường đóng quân ở những nơi rừng núi rậm rạp, địa hình bị che lấp, lợi dụng việc được ra bên ngoài lao động, sản xuất nông nghiệp, sự sơ hở của cán bộ quản giáo, phạm nhân rất có thể bỏ trốn.
Trước khi đào tẩu, kế hoạch được họ vạch tỉ mỉ khi mặc quần áo thường trong bộ đồ sọc đen trắng đặc trưng. Lẻn vào rừng, họ liên tục tạo các dấu vết giả hòng thoát khỏi lực lượng truy đuổi. Phạm nhân ném quần áo, bỏ dép một đằng nhưng chạy một nẻo. Ra ra tới đường cái, họ tìm cách xin đi nhờ các phương tiện giao thông để thoát xa.
Dù ở trại giam số 3 chưa xảy ra, nhưng vị giám thị sinh năm 1967 nói ở một số cơ sở giam giữ khác từng có phạm nhân lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật, cho đi trị bệnh tại cơ sở y tế rồi tìm cách bỏ trốn. Nhiều năm trước, có phạm nhân cất giấu đồ vật cấm trong người rồi đào tường, khoét gạch, cưa song sắt thoát thân.
Để đảm bảo an toàn nơi giam giữ, những ngày giáp Tết, giám thị, quản giáo trại giam số 3 đã gặp, nói chuyện, giáo dục phạm nhân, đặt biệt là những người thụ án dài, có nhiều tiền án, cải tạo chưa tiến bộ, hay phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn để họ ổn định tư tưởng, chấp hành tốt nội quy.
“Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị được yêu cầu thực hiện đúng chế độ chính sách với phạm nhân, tạo điều kiện để họ thăm gặp thân nhân, gọi điện thoại, viết thư về gia đình để vơi đi nỗi nhớ nhà”, thượng tá Thành nói, đồng thời khẳng định công tác đảm bảo an ninh, an toàn ở trại đã được chuẩn bị kĩ.
Những người xuất hành không chọn hướng
Lâu nay, việc đón giao thừa sớm đã trở nên quen thuộc với cán bộ làm công tác trại giam, bởi cứ sau 22h đêm 30 Tết, các bộ phận được giao nhiệm vụ đều phải ứng trực, tuần tra canh gác ở nơi giam giữ.
Đặc thù trại 3 quản lý toàn phạm nam, nhưng hễ mỗi dịp Tết đến, xuân về, buồng giam nào cũng được anh em trang hoàng đủ đào và quất. Trong đêm giao thừa, phạm nhân được xem tivi, nghe Chủ tịch nước chúc tết và vui xuân tại chỗ đến 0h45.
Giám thị trại giam số 3 thăm hỏi, động viên phạm nhân đang lao động ngoài đồng. Ảnh: Việt Đức. |
Sau khi dùng bữa sáng ngày đầu năm, phạm nhân toàn trại sẽ tập trung ngoài sân để ban giám thị và hội đồng cán bộ chúc tết, tặng quà những người có hoàn cảnh đặc biệt, người không có thân nhân vào thăm nom.
“Ở ngoài mọi người còn xem giờ, chọn hướng để xuất hành ngày mùng 1 Tết, còn anh em chúng tôi cứ ra khỏi phòng là vào buồng giam”, giám thị tuổi Đinh Mùi nói vui.
Từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, ban giám thị tổ chức cho phạm nhân tham gia các trò chơi dân gian tùy vào điều kiện thời tiết. Mọi sinh hoạt trong trại trở lại như bình thường vào ngày mùng 6.
Chia sẻ về cuộc sống của giám thị, quản giáo trong dịp này, người đứng đầu cơ sở giam giữ cho biết trong số gần 500 cán bộ chiến sĩ thuộc bên chế đơn vị, chỉ số ít cặp vợ chồng làm cùng nhau là được đoàn tụ trong ngày Tết, đại đa số anh em khác đều phải xa nhà.
Ăn năm mới trong trại là việc đã quen với hàng trăm chiến sĩ trại giam số 3, bởi theo quy định, cứ 2-3 lần đón tết trong trại, họ mới được giám thị sắp xếp cho về nhà đón giao thừa một lần với gia đình. Còn các ngày trong năm, từ 2-3 tuần anh em mới được nghỉ thứ 7, chủ nhật một lần.
Chia sẻ chuyện nghề, vị trưởng trại có gần 30 năm kinh nghiệm bảo, nếu ai không yêu khó làm được. “Giáo dục một người từ thuở nhỏ đã khó, nhưng giáo dục lại một người méo mó về nhân cách, lệch lạc về suy nghĩ khó hơn nhiều”, thượng tá Thành đúc kết về công việc.
Muốn "làm mới" một con người tội lỗi, ít ai biết rằng, ngoài cương vị một chiến sĩ công an, nhiều quán giáo, giám thị nơi đây phải học thêm nghề sư phạm, chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng… để có kiến thức dạy đọc, dạy viết, dạy nghề cho phạm nhân.
“Làm ở trại giam mà bản thân không có đam mê, vợ con không chia sẻ thì chẳng làm theo nổi đâu”, vị giám thị 48 tuổi nhận xét.