Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giảm thu hút, tự đào tạo nhân tài

Các tỉnh khu vực ĐBSCL đã có chính sách thu hút nhân tài về làm việc với các mức ưu đãi khá hấp dẫn, nhưng không mấy người trình độ cao có ý định đến đây làm việc.

Trước thực trạng này, hiện nay nhiều địa phương đã điều chỉnh chính sách thu hút, đồng thời tiến hành tự đào tạo để nâng cao chất lượng cán bộ.

Thu hút chọn lọc

Năm 2015, UBND TP Cần Thơ có quyết định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực TP giai đoạn 2015-2020.

Ông Nguyễn Duy Bình, phó giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, cho biết giai đoạn này TP sẽ thu hẹp phạm vi thu hút, thu hút có chọn lọc và ưu tiên thu hút ở lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ sẽ tăng cao hơn so với giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, sẽ thu hút người có chuyên môn cao như GS.TS (150 triệu đồng/người), PGS.TS (130 triệu đồng/người), nam không quá 55 tuổi, nữ không quá 50 tuổi; bác sĩ chuyên khoa I (65 triệu đồng/người), chuyên khoa II (45 triệu đồng/người) và có tuổi đời không quá 50 đối với nam, 45 đối với nữ...

Theo ông Bình, việc thu hút ngày càng ít lại do nguồn nhân lực của TP đã dần đủ, những năm trước thu hút dựa trên ngành, củng cố nguồn nhân lực nên thu hút nhiều.

“Hiện nay các ngành đã đủ nhân lực. Các cơ quan đều cử công chức, cán bộ đi học lên nữa nên hầu như các ngành sẽ không thiếu và không cần thu hút thêm nữa” - ông Bình nói.

dao tao nhan tai anh 1

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Tân, khoa nội thần kinh - cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, về làm việc theo chương trình thu hút nhân tài của TP năm 2016. Ảnh: Tuổi Trẻ.

 

Đầu năm 2016, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục công bố nhu cầu thu hút nguồn nhân lực với 17 chuyên ngành ở Sở Y tế, 1 chuyên ngành ở văn phòng UBND tỉnh, 3 chuyên ngành ở Sở Tài nguyên và môi trường, 11 chuyên ngành ở Trường ĐH Tiền Giang, 3 chuyên ngành ở Trường CĐ Y tế, 7 chuyên ngành ở các huyện trong tỉnh với 11 tiến sĩ, 26 thạc sĩ, 49 chuyên khoa I và 18 chuyên khoa II.

Thế nhưng đến nay tỉnh cũng chưa nhận được hồ sơ nào ứng tuyển.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Thúy, trưởng phòng tổ chức công chức Sở Nội vụ Bến Tre, cho biết tỉnh vừa kết thúc chương trình thu hút nhân tài theo quyết định 07/2012/QĐ-UBND về việc “Quy định chính sách trợ cấp kinh phí đào tạo và thu hút người có trình độ, năng lực tốt về công tác trên địa bàn tỉnh Bến Tre” kể từ ngày 1/1/2016, sau gần bốn năm thực hiện.

Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: “Sau khi dừng chương trình thu hút nhân tài, trong thời gian tới tỉnh sẽ đào tạo nguồn nhân lực có sẵn, thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước để nâng chất đội ngũ”.

Còn tại Cà Mau, ông Trần Hồng Quân, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết UBND tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tạm dừng thực hiện nghị quyết số 21/2013 về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh.

Sau đó tỉnh sẽ chờ Chính phủ ban hành đề án cụ thể hóa kết luận số 86/2014 của Bộ Chính trị (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ) và tỉnh sẽ đưa ra các chính sách cụ thể.

Nhân tài phải có nơi làm tốt

Mới đây, trong hội nghị tổng kết công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, nói về chính sách thu hút nhân tài, ông Trần Hồng Quân ví von: “Ông bà ta thường nói đất lành chim đậu. Vì vậy, nơi nào có đất dụng võ thì mới có người giỏi. Nếu môi trường làm việc không thuận lợi thì khó mà thu hút được người giỏi”.

Ông Quân cũng cho rằng nếu đơn vị nào của tỉnh thu hút được giáo sư hay tiến sĩ về làm việc thì phải... xem lại. “Giáo sư, tiến sĩ về đây thì không có việc cho họ làm!” - ông Quân nhận định.

Để thu hút được người tài về làm việc, ông Quân cho rằng: “Quan trọng là điều kiện làm việc, sau đó mới tính đến chính sách đãi ngộ. Tiền cũng là một phần trong chính sách thu hút nhân tài, chứ không phải có tiền là có người giỏi. Người giỏi cần nơi làm việc ổn định, có điều kiện phát huy kiến thức và năng lực”.

Còn theo ông Lê Minh Khởi - phó giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang, nguyên nhân chính của việc không thu hút được người tài là chế độ tiền lương “cào bằng”, cơ chế tuyển dụng và chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn.

Kiên Giang cách xa các trung tâm kinh tế lớn, môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, khó khăn... nên chưa phát huy hiệu quả năng lực, trình độ của trí thức trẻ.

Còn tại tỉnh Bến Tre, bà Lê Thị Thanh Thúy giải thích thêm nguyên nhân khiến chương trình thu hút nhân tài không thành công có thể do mức trợ cấp chưa cao và một số ràng buộc trong quy định, khiến người có trình độ khó tiếp cận chương trình.

“Đối với những người có trình độ cao, được đào tạo chuyên môn sâu, cái họ cần là môi trường để phát huy chuyên môn” - ông Phan Văn Mãi nói.

Các tỉnh ĐBSCL đỏ mắt tìm nhân tài

Nhiều năm qua, các tỉnh ĐBSCL mở cửa chiêu mộ nhân tài về công tác, kèm theo nhiều chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn. Tuy nhiên, kết quả chiêu mộ nhân tài không thật sự như kỳ vọng.

An Giang: Nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ

Ông Thái Hữu Phép, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang, cho biết hiện nay tỉnh chưa có quyết định mới về chính sách thu hút nhân tài về công tác ở tỉnh nhà.

Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương, tỉnh đã thực hiện chương trình đào tạo theo địa chỉ. Chẳng hạn như với ngành y dược, mỗi năm trung bình có gần 60-80 người được đi học hệ dài hạn, chuyên tu tại Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược TP.HCM.

Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ chi phí cho cán bộ đi học nâng cao trình độ, học để đạt chuẩn, học thêm ngoại ngữ, tham gia các chương trình đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài.

Số người đi học phần lớn đều trở về tỉnh công tác. Nhờ đó, An Giang cơ bản đảm bảo được nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu ở cấp tỉnh, các huyện thị.

Vĩnh Long: Chưa khởi động thu hút nhân tài

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, cho biết đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác đã được thông qua, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn đang cân nhắc, chưa khởi động chương trình này.

Nguyên nhân là do hiện nay tỉnh đang thực hiện tinh giản biên chế theo quy định, biên chế gần như “bão hòa” nên rất khó sắp xếp các vị trí mới.

Thêm vào đó, hiện nay tỉnh Vĩnh Long đã có 41 cán bộ đi du học theo đề án Vĩnh Long 100 (thuộc Chương trình Mekong 1.000) về nước và được sắp xếp các vị trí công tác từ chuyên viên, trưởng phòng ở cấp huyện, tỉnh.

Hiện vẫn còn khoảng 17 người đang được đào tạo ở nước ngoài, tỉnh cũng đang tiếp tục tuyển thêm ứng viên để đào tạo trong giai đoạn sắp tới, cho đủ chỉ tiêu 100 người do Chương trình Mekong 1.000 phân bổ.

“Những người về nước đã có việc làm ổn định và có triển vọng phát triển tốt. Có người đã trưởng thành và đang đảm đương vị trí phó giám đốc sở. Do đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung sắp xếp vị trí cho nguồn nhân lực từ đề án này. Đây là những cán bộ được đào tạo tập trung cho những ngành mà tỉnh đang có nhu cầu” - ông Nghĩa nói

Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 'Hai con tôi du học cũng không về'

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, chính sách thu hút nhân tài hiện nay chưa bền vững và phần lớn du học sinh không về nước làm việc.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160414/giam-thu-hut-tu-dao-tao/1083955.html

Theo Nhóm PV/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm