Vợ chồng Nhung đều làm sale, công việc đòi hỏi phải trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với khách hàng. Mắc Covid-19, có muốn làm đến mấy họ cũng chỉ biết "chôn chân" ở nhà cho đến khi khỏi bệnh.
"Hai vợ chồng tôi và hai con đều có kết quả dương tính nCoV vào ngày 22/2. Ba ngày đầu tiên, chúng tôi sốt và rất mệt. Những ngày sau, tôi và chồng làm online, xử lý giấy tờ tại nhà. Nhưng phải gặp khách, chúng tôi mới có doanh thu", Nhung chia sẻ với Zing.
Không tiết kiệm được gì
Theo Nhung, cô làm việc tại công ty dược nên có am hiểu về thuốc và sức khỏe gia đình. Khi cả nhà chưa mắc Covid-19, cô đã chuẩn bị sẵn một số loại thuốc cần thiết để dự trữ, quyết không "chạy đua" mua những biệt dược được quảng cáo có công dụng điều trị bệnh. Cô cho rằng khi F0 buộc phải dùng đến thuốc đặc trị, đó là khi họ thực sự cần đến bệnh viện và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Hồng Nhung lo lắng khi giá xăng tăng kéo theo giá thực phẩm, chi phí sinh hoạt... |
Nhờ vậy, gia đình cô không tốn kém cho việc mua thuốc thang.
Tuy nhiên, việc mua thực phẩm hàng ngày cũng như để tẩm bổ cho hai con mắc bệnh lại là một bài toán khó đối với Nhung khi giá thực phẩm liên tục leo thang.
"Trong lúc mắc Covid-19, cả gia đình tôi phải cách ly tại nhà, không có người thân ở gần để nhờ việc mua thực phẩm và những thứ cần thiết. Chúng tôi phải mua online hầu hết mọi thứ rồi nhờ họ ship đến tận cửa. Việc mua sắm như vậy khó cho tôi trong việc cân nhắc giá cả, trong khi đó phí ship cũng chiếm một khoản tương đối.
Giá xăng tăng kéo theo giá tất cả mọi thứ đều tăng mà lương thì vẫn thế. Nhà tôi phải tiết kiệm triệt để từ điện, nước cho đến đồ ăn, không dám mua bán bất kỳ thứ gì nếu không thực sự cần thiết", Nhung cho hay.
Sau khi khỏi bệnh, chi phí di chuyển lại trở thành vấn đề lớn nhất đối với gia đình Nhung. Công việc đòi hỏi vợ chồng cô phải đi lại cả ngày, mỗi lần đổ xăng đều rất sốt ruột vì giá cả ngày một thay đổi.
"Chưa khi nào gia đình tôi phải đắn đo, cắt giảm chi tiêu nhiều như hiện tại. Thấy tin giá xăng tăng, dân sale như vợ chồng tôi lại xót ruột. Ví dụ, trước đây, tôi đổ 70.000 đồng là được đầy bình xăng xe Honda Air Blade, đi được khoảng một ngày. Giờ đây, cũng số xăng đó, tôi phải trả đến 110.000 đồng. Như vậy, tính bình quân một tháng, hai xe máy của hai vợ chồng tôi phải tốn thêm gần 3 triệu đồng.
Vừa mất đến gần 1/3 thu nhập tháng do mắc Covid-19, giá mọi thứ lại tăng cao, thật sự chúng tôi không tiết kiệm được đồng nào", Nhung than thở.
Gia đình Nhung có 2 con trai sinh đôi đang "tuổi ăn tuổi lớn", do vậy chi phí cho thực phẩm là khá lớn. |
"Sợ" chi phí thuốc thang
Chỉ trong vòng một tháng, chị H.V. (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mắc Covid-19 2 lần.
Ngày 15/2, chị test dương tính với SARS-CoV-2 và có triệu chứng đau họng, nhức đầu, mỏi cơ, nghẹt mũi, sốt rét, mất mùi vị. Bên cạnh đó, chị còn bị thở nghẹn, tay chân không vững, hay đổ mồ hôi và cảm thấy lạnh về chiều.
Một tuần sau, con của chị V. cũng trở thành F0. Sau khi âm tính trở lại, bé ho dai dẳng tới giờ chưa hết.
Hai đợt bệnh, chị V. tốn khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc, chưa kể kit test cũng tăng giá. Ảnh: NVCC. |
Tới ngày 11/3, chị V. tái nhiễm do lây virus từ chồng. Lần này, chị bị đau họng, nhức đầu, nghẹt mũi và có đờm.
"Tôi có sức đề kháng kém và tiền sử rối loạn tiền đình. Bởi vậy, tôi hạn chế đi ra ngoài, không tụ tập, luôn đeo khẩu trang và xịt khuẩn nhưng vẫn không may nhiễm bệnh", chị nói.
Bản thân thành F0 2 lần, trong khi chồng và con cũng ốm, chị V. mất thu nhập do không thể đi làm. Chị hiện là nhân viên văn phòng, cả công ty lần lượt mắc Covid-19 nên không có chính sách hỗ trợ gì.
"Lần đầu, tôi ăn uống còn không nổi nữa là làm online nên phải nghỉ 10 ngày. Vừa khỏe được ít hôm thì lại bị tiếp. Thật sự mệt mỏi vì vòng luẩn quẩn này", chị chia sẻ.
Hai đợt bệnh, chị V. tốn khoảng 10 triệu đồng tiền thuốc, có loại giá 3,4 triệu đồng/hộp. Chị mua để phòng hờ các triệu chứng nhưng có loại không dùng đến, đành bỏ không.
Chưa kể kit test tăng giá, có thời điểm chị V. mua 100.000 đồng/bộ. Ngoài ra, thực phẩm cũng lên giá, phí ship đắt nên người mẹ trẻ phải tính toán chi tiêu để không gián đoạn sinh hoạt.
"Sau 4 ngày, tôi đã âm tính và dần khỏe lại. Giờ chồng đi làm còn tôi vẫn nghỉ ở nhà chăm con. Điều tôi lo lắng nhất là bé bị di chứng hậu Covid-19. Chỉ mong con khỏe lại để mẹ yên tâm đi làm, kiếm thêm thu nhập", chị nói.
Khi cả nhà cùng là F0, chị N. tốn kém nhất ở khoản mua kit test, thuốc thang và tẩm bổ. Ảnh: NVCC. |
Giáp Tết Nguyên đán năm nay, vợ chồng chị S.N. (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đưa 2 con nhỏ về quê ngoại Yên Bái đón năm mới và mừng thọ mẹ.
Ngày 25/12 âm lịch, đại gia đình chị N. tụ họp đông đủ. Hai hôm sau, chị phát hiện mắc Covid-19, rồi lần lượt đến những người ở chung nhà.
"Sau hôm mừng thọ, đại gia đình tôi có 10 F0 gồm mẹ, vợ chồng anh trai, 2 cháu, vợ chồng tôi và 2 con, cháu gái. Thế là cả nhà bắt đầu hành trình cách ly và trị bệnh", chị kể lại.
Do gia đình đông người, chị N. cho biết khoản tốn kém nhất là mua kit test. Trong vòng nửa tháng, số tiền này khoảng 2 triệu đồng gồm tự test nhanh ở nhà và tại trạm y tế phường.
Về tiền thuốc, riêng hai mẹ con chị N. đã tốn khoảng 1 triệu đồng, chưa kể 8 thành viên còn lại.
May mắn là người thân xung quanh tiếp tế thực phẩm tận nơi nên họ không phải đặt đồ online và lo lắng phí ship đắt đỏ.
Sau khi hoàn thành cách ly, vợ chồng chị N. đưa các con trở lại Nha Trang. Cả nhà ngoại chị cũng dần hồi phục.
"Tôi làm công việc tự do nên thời gian nghỉ chữa Covid-19 ở quê không kiếm ra thu nhập. Anh chị tôi cũng phải xin nghỉ làm, dẫn đến ảnh hưởng lương. Gần đây, tôi và chị gái thường bị khó thở, thậm chí ho khan trở lại. Tôi chỉ mong không bị di chứng hậu Covid-19 để ổn định cuộc sống và kinh tế như trước đây", chị chia sẻ.