Bộ Y tế tổ chức hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu đại diện cho gần 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết trong những năm gần đây tỷ lệ sản phụ, trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm đáng kể.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc. Đặc biệt, số lượng sản phụ và trẻ em tử vong ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐT. |
Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.
Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết từ khi cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm đến nay đã có gần 3.000 người đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn.
Họ là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng tại địa phương, được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Do cùng văn hóa, phong tục tập quán nên các cô đỡ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại nơi mình sinh sống.
Tại hội nghị, 6 tập thể và 93 cá nhân đã được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.