Đều đặn mỗi sáng suốt một tháng qua, các gian hàng thuộc chương trình "Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch" mở cửa lúc 5h30 tại 2 địa điểm chính ở phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám (Hà Nội). Người dân có thể mang bìa giấy, chai nhựa, đồ gia dụng cũ để đổi lấy rau củ. |
Vào buổi sáng, Ngọc Anh (nhân viên bán hàng) nhận sản phẩm từ nhà cung cấp, phân loại và bày biện rau củ vào từng rổ. |
Cô cho biết mọi sản phẩm đều là nông sản hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tươi sạch và đạt tiêu chuẩn của VietGap. Bên cạnh rau củ, gian hàng còn cung cấp một số loại hải sản và thực phẩm khô. |
Đây là lần thứ 4 anh Nguyễn Văn Quỳnh (Hoàn Kiếm) đem bìa carton tới đổi thực phẩm. "Trước đó, trên đường đi làm qua phố Văn Miếu, tôi thấy một số người mang phế liệu đến rồi xách rau về. Do tò mò, tôi vào hỏi và mới biết đến chương trình", anh nói. |
Sau khi nhận phế liệu từ khách hàng, nhân viên sẽ cân và quy đổi thành tiền tương ứng. Mỗi 1 kg phế liệu tương đương 3.000-4.000 đồng. Số tiền này được dùng để mua các sản phẩm có tại gian hàng. |
Tranh thủ trống tiết, Trang Nhung (21 tuổi) mang một số bìa carton, giấy tờ cũ đến cơ sở Quốc Tử Giám. "Thành quả" đem về của cô là 2 lạng đỗ xanh và 2 quả cà chua. "Tôi thấy hoạt động này vừa giúp ích cho túi tiền của sinh viên, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng mô hình này sớm được nhân rộng", cô nói. |
Ngoài quy đổi phế liệu, khách hàng có thể mua sản phẩm tại cửa hàng bằng tiền mặt. |
Vào những ngày cao điểm, gian hàng thu nhận tới 250 kg phế liệu. Thông qua hoạt động tái chế thiết thực, chương trình mong muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. |