Tuyến đường đi từ xã Phước Kim đến xã Phước Thành mặc dù đã thông nhưng vẫn còn khá lầy lội. Nhiều giáo viên, học sinh 2 xã Phước Thành và Phước Lộc vẫn chưa thể quay trở lại dạy và học.
Giáo viên dọn vệ sinh trường lớp sau lũ. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Là giáo viên duy nhất ở lại vùng cô lập Phước Thành hơn 20 ngày qua, thầy giáo Hồ Văn Tin (trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Thành) lo lắng: “Lũ quét hết toàn bộ vật dụng cá nhân, xe máy của các giáo viên và học sinh. Nhiều học sinh trôi mất nhà, nguy cơ các em thất học rất cao. Vì vậy, ngày 20/11, thay vì làm lễ kỷ niệm thì các thầy cô giáo phải vượt rừng, vào từng nhà, tìm gặp phụ huynh, học sinh, nắm tình hình khó khăn sau bão lũ nhằm động viên các em”.
Theo thầy Trà Văn Nhiều, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Thành, trường có hơn 400 học sinh, trong đó có 4 lớp THCS. Nhiều học sinh lớp 9 vừa đi học, vừa là lao động chính của gia đình. Nhà trường đang rất lo đến khi khắc phục, sửa chữa lại trường lớp có chỗ học xong nhưng các em không thể trở lại trường do phải giúp gia đình dựng lại nhà cửa, tìm kiếm cái ăn trước mắt.
Theo ghi nhận, tại xã Phước Lộc, mặc dù chính quyền địa phương đã dựng nhiều nhà tạm cho bà con ở, trả lại trường lớp cho học sinh, nhưng các em không còn tinh thần trở lại lớp học.
“Để các em đi học bình thường và đầy đủ trở lại thật không dễ. Tất cả giáo viên chúng tôi sẽ phải nỗ lực động viên, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Hy vọng theo thời gian, các em sẽ vơi đi nỗi đau thương, mất mát để trở lại lớp học”, thầy Trần Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc, trăn trở.
Bà Võ Thị Lệ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phước Sơn, cho biết: “Với thiệt hại hiện tại, chắc chắn không thể thực hiện việc học bán trú cho toàn bộ học sinh, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục sớm nhất có thể. Phòng GD&ĐT sẽ chuyển sách vở, bút viết, đồ dùng học tập kịp thời để các em yên tâm đến lớp”.