Trước khi bị bắt, Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh, sinh năm 1993) từng được gọi là “hiện tượng mạng” khi sở hữu kênh YouTube với hơn 2 triệu lượt đăng ký.
Loạt video của anh ta chia sẻ chủ yếu có lời lẽ tục tĩu, chửi bới, nhậu nhẹt, đánh cờ bạc, ăn chơi ở các quán bar, đòi nợ thuê,... Gần đây, người này còn gây phản cảm vì hành vi dừng xe trên cao tốc để chụp ảnh và đập phá, đốt xe máy.
Việc lợi dụng yếu tố xã hội đen để gây sốc, thu hút người xem như Khá Bảnh và hàng loạt kênh giang hồ "mạng" khác đang trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Trên thế giới, những video có nội dung bạo lực, sử dụng vũ khí, chất kích thích, lời lẽ thô tục, công kích được cho là phản ánh cuộc sống của thế giới ngầm, đánh trúng vào tính hiếu kỳ, tò mò của đám đông,... cũng rất "ăn view".
Tuy nổi tiếng nhanh, những những "giang hồ mạng" này phải trả giá đắt, thậm chí vướng vòng lao lý.
Ngô Bá Khá bị tạm giữ để điều tra hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Ảnh: C.A. |
Sức hút của 'giang hồ mạng' trên thế giới
Đầu năm 2018, một anh chàng người Đức có tên Gzuz bất ngờ nổi tiếng tại nhiều nước sau khi tung ra MV Was Hast Du Gedacht. Chưa đầy một tuần ra mắt, video này đạt hơn 1 triệu lượt xem và lọt top 5 trending trên YouTube tại Mỹ.
Toàn bộ lời rap được viết bằng tiếng Đức không có phần phụ đề tiếng Anh. Hơn 40 reaction video của nhiều người nổi tiếng cố gắng giải mã sức hút của MV này. Nhưng tất cả chỉ cảm thấy sốc bởi hình ảnh máu me, thác loạn và bạo lực.
“Đây là thứ tồi tệ nhất tôi từng thấy”, một người đã thốt lên sau khi xem Was Hast Du Gedacht.
Hiện, MV này đã thu hút hơn 48 triệu lượt xem, 500.000 lượt like, 51.000 lượt dislike và 63.000 bình luận. ImDontai, một Youtuber có gần 2 triệu lượt đăng ký, cho rằng lý do MV của Gzuz “gây bão” trong giới trẻ Mỹ hoàn toàn bởi những hình ảnh gây sốc về ma túy và bạo lực.
Gzuz bất ngờ nổi tiếng sau sản phẩm âm nhạc gây sốc với bạo lực và ma túy. Ảnh: WSHH. |
Còn tại Anh, chỉ riêng tháng 5/2018, YouTube đã gỡ khoảng 30 video được cho là kích động bạo lực theo yêu cầu của cảnh sát London.
Phần lớn các video này xuất hiện những thanh thiếu niên bịt mặt, cầm súng, hút thuốc. Nhiều băng đảng còn công khai chửi bới, công kích, nhục mạ đối phương để tranh giành sức ảnh hưởng từ trên mạng đến ngoài đời.
“Chúng tôi hy vọng những hành động kiên quyết như vậy có thể hạn chế hoạt động của những nhóm băng đảng ngang nhiên truyền bá bạo lực trên mạng”, Ủy viên cảnh sát London Cressida Dick cho hay.
Cái giá của việc cổ súy lối sống buông thả, chạy theo 'triệu view'
Đầu tháng 6/2018, năm thành viên của nhóm nhạc 1001 gồm: Yonas Girma (21 tuổi) Micah Bedeau (19 tuổi), Isaac Marshall (18 tuổi), Jordan Bedeau (17 tuổi) và Rhys Herbert (17 tuổi, đều sinh sống ở phía tây London, Anh) phải nhận án tù từ 10 tháng đến 3 năm rưỡi.
Họ bị bắt cùng ba cây dao rựa, một con dao lớn và hai cây gậy bóng chày, cùng với mặt nạ và găng tay.
Nhóm thanh niên nói trước tòa án rằng họ chỉ chuẩn bị đạo cụ để thực hiện một MV, nhưng cảnh sát khẳng định nhóm người này sắp tấn công các thành viên của một nhóm đối thủ có tên là 12 World.
Hai nhóm từng có xích mích và thường xuyên chia sẻ các video bạo lực, đe dọa lẫn nhau trên mạng xã hội. Tại phiên tòa, những đoạn video ghi cảnh hăm dọa 12 World của nhóm 1001 được phát lại.
Nhóm nhạc 1001 bị bắt vì âm mưu tổ chức bạo lực. Ảnh: Standard. |
Theo số liệu của cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) và Sở Cảnh sát London, tại thủ đô nước Anh - nơi có số vụ giết người từ tháng 3/2017 đến 3/2018 tăng 44% so với cùng kỳ năm trước - các nhóm băng đảng thường xuyên tạo video biểu diễn các bài hát, đăng chúng lên mạng xã hội và thu hút hàng nghìn lượt xem.
Cách sát cho biết họ tìm thấy nhiều dấu hiệu bạo lực thông qua những video này. Nhiều người lo ngại nếu không được giám sát, bạo lực từ mạng xã hội sẽ tràn ra đời thực
Trong 3 năm trước đó, cảnh sát thủ đô nước Anh cho biết họ từng ngăn chặn một cuộc ẩu đả “vô cùng nghiêm trọng” của hai nhóm băng đảng cũng xuất phát từ những mâu thuẫn trên không gian mạng.
Ủy viên cảnh sát London Cressida Dick cảnh báo sự tranh chấp giữa những người trẻ tuổi trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể trở nên nghiêm trọng và tăng vọt nếu không có kiểm soát đúng cách.