Sinh ra và lớn lên ở phường 5, TP Cà Mau (Cà Mau), Lê Ngọc Ẩn - còn gọi là Ba Ẩn (56 tuổi) có tuổi thơ nghèo khó nên chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ.
Những năm tháng sống ngoài đường nhiều hơn ở nhà, Ẩn kết bạn với những đứa trẻ bụi đời và quen dần cách hành xử kiểu hè phố.
Có được tiền, Ẩn cho người khác vay lại để lấy lãi cao tiêu xài. Thấy tín dụng đen là cách làm giàu nhanh, Ẩn tập hợp nhiều tay em giúp mình thu nợ, trong đó có Vũ "Búa" (Trương Thành Liêm).
Một người dân cho biết, ai vay tiền mà chậm trả hoặc không trả đủ lãi lẫn gốc thì bị nhóm này dọa nạt đủ điều.
Ba Ẩn bị bắt vào cuối năm 2010. Ảnh: T.P. |
18 năm trước, Ba Ẩn được chủ một nhà hàng kể có nữ tiếp viên kiếm cớ gây chuyện vì muốn chuyển sang quán Hải Triều. Nghe Ba Ẩn dọa "tính sổ", chủ quán Hải Triều thách thức: "Ba Ẩn có ngon thì đến đây nói chuyện".
Vài phút sau, Ba Ẩn cùng Phan Kim Lê và Nguyễn Ngọc Hận xông vào Hải Triều để truy sát chủ quán. Sau vụ này, Công an Cà Mau truy nã Ẩn và tên này bị bắt khi đang trốn ở Cần Thơ.
Tháng 4/1999, TAND tối cao tại TP HCM tuyên Ẩn 11 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích. Hai đồng phạm Hận và Lê mỗi người lĩnh từ 7 đến 9 năm tù.
Chấp hành án xong ngày 28/6/2007, Ba Ẩn tiếp tục gầy dựng lại sự nghiệp từ nghề cho vay tiền góp. Ngoài căn nhà đường Quang Trung (phường 5, TP Cà Mau), vợ chồng Ẩn có quán cà phê gần bến xe Cà Mau. Lúc này, Ba Ẩn thường đeo dây chuyền to bằng ngón tay người lớn và được giới giang hồ gọi là "Năm Cam em" ở miền Tây.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Phó ban nhân dân khóm 3 (phường 5, TP Cà Mau), Ba Ẩn thường ngồi uống trà nhiều giờ liền trước nhà vào mỗi buổi sáng. Biết danh Ba Ẩn, những lần ông Chương được tên này mời đến uống trà thì vị phó ấp thường gọi Ẩn là "đại ca" cho ông ta vui.
Theo bản án số 59 của TAND TP Cà Mau xử ngày 29/3/2012, trong vụ ẩu đả tại quán cà phê Hê Rô ở phường 8 vào đêm 13/11/2010, cơ quan tố tụng xác định Vũ "Búa" (cháu rể Ba Ẩn) cùng nhiều người tham gia đánh nhau và la hét náo loạn cả khu dân cư. Lúc này, Ba Ẩn thể hiện là người cầm đầu băng nhóm, có phân cấp ngôi thứ.
"Khi sự việc xảy ra, lẽ ra Ẩn phải khuyên can hoặc báo chính quyền địa phương nhưng Ẩn dẫn cả băng nhóm kéo đến quán cà phê Hê Rô và sau đó xảy ra gây rối. Vì vậy, Ẩn phải chịu trách nhiệm về tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò đồng phạm", bản án nêu.
Khi TAND TP Cà Mau xét xử Ẩn tại trụ sở nhà tạm giữ Công an TP Cà Mau, gã giang hồ bị đại diện VKSND cáo buộc phạm thêm tội Cố ý gây thương tích. Lúc này, Ẩn xô ngã vành móng ngựa, lớn tiếng kêu oan khiến cảnh sát phải đưa bị cáo trở lại chỗ ngồi.
Manh động hơn, Ẩn liên tục chỉ tay về phía HĐXX và nói rằng, ông không chỉ đạo cuộc truy sát và gây rối trật tự công cộng mà chỉ là người trung gian đứng ra dàn xếp mâu thuẫn. Để đảm bảo cho việc xét xử các bị cáo còn lại, công an buộc phải đưa Ẩn vào nhà tạm giữ.
Lê Ngọc Ẩn tại phiên xử ngày 29/3/2012. Ảnh: CTV. |
Lần này, Ẩn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù vì tội Gây rối trật tự công cộng. 12 bị cáo còn lại lĩnh từ 1 năm 4 tháng đến 2 năm 6 tháng tù vì tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, VKSND TP Cà Mau kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để xử lại theo hướng Ẩn phạm tội Cố ý gây thương tích. Tháng 7/2012, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, bác kháng nghị của cơ quan công tố vì không xác định được Ẩn ra lệnh cho đàn em chém người.
Quá trình điều tra, Ẩn được cho là có biểu hiện bệnh tâm thần nên được đưa đi chữa trị bắt buộc 6 tháng. Sau đó, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (Phân viện phía Nam) xác định, Ba Ẩn có khả năng tiếp xúc, làm việc với cơ quan điều tra nên Công an TP Cà Mau khôi phục điều tra đối với Ẩn để xử lý tên này trong cùng vụ án với các đồng phạm khác.
Sau khi ra tù, Ba Ẩn bán nhà ở đường Quang Trung để về phường 6 sống cùng vợ. Nhiều người cho rằng, ông đã "gác kiếm" nhưng thế lực của Ba Ẩn vẫn còn rất mạnh ở Cà Mau, nhất là trong lĩnh vực cho vay tiền góp.