Với tên gọi Hạ huyền 2 live in Munakata, Giang Trang và các cộng sự gồm nhạc sĩ Thanh Phương (guitar), nhạc sĩ Lưu Hà An (piano), nghệ sĩ Vân Mai (đàn tranh) sẽ có một đêm diễn trong ngôi nhà cổ trên đảo Munakata vào tối 30/10 trong hành trình 7 ngày 6 đêm tại Tokyo – Nhật Bản.
Đây là lần thứ hai, Hạ huyền 2 được đưa sang nước ngoài. Trước đó, Hạ Huyền 2 đã có hành trình đến Paris (Pháp), Munich (Đức) trong tháng 4/2015.
Ca sĩ Giang Trang được xem là một trong những người hát nhạc Trịnh đương đại. Ảnh: CT. |
Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn nước Nhật để chơi Hạ huyền 2, Giang Trang cho biết nhạc Trịnh tối giản và có tính thiền, hướng về tình yêu bao la nên rất phù hợp với tính cách và văn hóa người Nhật.
"Bản thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các nghệ sĩ luôn có những mối liên hệ gần gũi với đất nước này. Tôi luôn có một niềm ước ao là thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn được chơi trong các không gian riêng, giao hòa và gần gũi thiên nhiên. Khi âm nhạc được chắp cánh và đến với nhiều tâm hồn, nhiều vùng đất đó là hạnh phúc không sao kể xiết", nữ ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh bộc bạch.
Giang Trang cho biết chị và các cộng sự sẽ tập luyện kỹ lưỡng để có một đêm Hạ huyền trên đảo, trò chuyện và gần lại với nhau bằng âm nhạc, rồi sau đó cùng đón bình mình ở nước Nhật.
Đêm diễn của Giang Trang tại Nhật sẽ có sự đồng hành của nhạc sĩ Thanh Phương, Lưu Hà An. |
Giang Trang cũng chia sẻ rằng khác với Hạ huyền 1 mang nặng tự sự cá nhân, Hạ huyền 2 hướng đến tinh thần yên tĩnh, nhưng là yên tĩnh để nhìn ra thế giới.
"Trong không gian acoustic của Hạ huyền 2, âm nhạc Trịnh Công Sơn nhẹ nhõm hơn, phá cách hơn khi đàn tranh hợp tấu cùng guitar, piano, sáo để tìm con đường mới chạm vào từng cội nguồn âm nhạc", nữ ca sĩ nói.
Từ Lênh đênh nhớ phố (2011), Hạ huyền 1 (2012), Hạ huyền 2 (2013), Giang Trang được gọi là “người-hát-nhạc-Trịnh đương thời". Chị nằm trong số ít nghệ sĩ đương đại kiên trì, bền bỉ trên con đường làm mới nhạc Trịnh.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng Giang Trang được nhớ và ở lại trong lòng mến mộ của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn cũ và mới bởi lối “hát-không”, tức hát mà như không phải hát, hát mà như trò chuyện.