Năm 2013, tốt nghiệp thủ khoa khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Thanh Nguyệt Minh được giữ lại trường làm giảng viên.
Sau hai năm, cô nàng sinh năm 1991 quyết định từ bỏ công việc tốt, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh.
Quyết định liều lĩnh
Tại thời điểm đó, bên cạnh việc giảng dạy tại trường Nhân văn, cô còn làm việc cho Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIP).
Quyết định thành lập trung tâm đồng nghĩa việc Minh phải từ bỏ hai công việc vốn là niềm mơ ước với nhiều người. Nguyệt Minh thừa nhận đây là lựa chọn liều lĩnh và bản thân đã suy xét rất nhiều trước khi quyết định.
Nguyễn Thanh Nguyệt Minh đánh đổi hai công việc ổn định để mở trung tâm tiếng Anh. |
Trong quá trình dạy học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyệt Minh nhận thấy tiếng Anh là một trong những điểm yếu lớn của phần lớn sinh viên. Được sự ủng hộ từ gia đình cũng như hướng dẫn ban đầu của một giảng viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm ở Hà Nội, Nguyệt Minh cùng hai người bạn bắt tay thành lập IPP ở TP.HCM.
9X cho rằng cô có sự khởi đầu khá suôn sẻ nhờ kinh nghiệm giảng dạy tại trường và nền tảng tích lũy từ quãng thời gian làm việc cho AIP. Nguyệt Minh cảm thấy may mắn khi những học viên đầu tiên là sinh viên cô từng dạy và bạn bè do họ giới thiệu.
Việc này không chỉ đảm bảo người học ban đầu cho trung tâm non trẻ mà còn là sự công nhận tuyệt vời đối với năng lực, tâm huyết Minh bỏ ra trong hai năm dạy học tại trường.
Đương nhiên, việc xây dựng trung tâm hoàn toàn không dễ dàng. Suốt hai năm qua, cô giáo trẻ luôn giữ chế độ làm việc khoảng 13, 14 tiếng mỗi ngày. Trừ việc hai, ba tháng lại du lịch một chuyến để giảm căng thẳng, cô gần như không có ngày nghỉ.
Là người cầu toàn trong công việc, cô không ngại “đập đi xây lại” không biết bao nhiêu lần cho đến khi giáo trình phù hợp nhất với học viên. Ngoài việc phụ trách các lớp Writing (viết), Minh còn phải đứng ra quản lý, xây dựng đội ngũ trung tâm.
Nhờ sự nỗ lực của cô và cộng sự, trung tâm dần tạo được uy tín, giúp nhiều sinh viên cải thiện khả năng ngoại ngữ. Trung tâm cũng có chương trình hỗ trợ, tổ chức khóa học miễn phí cho những học viên không thể đến trường.
“Qua hai năm, mình mới dám khẳng định ban đầu đã lựa chọn đúng đắn. Mặc dù khá mệt mỏi với công việc, những gì đạt được là sự đền đáp xứng đáng”, Nguyễn Thanh Nguyệt Minh tâm sự.
Suất học bổng danh giá của Chính phủ Anh
Ngoài sự lớn mạnh của trung tâm do chính tay Nguyệt Minh xây dựng, nỗ lực của cô gái 9X còn được đền đáp bằng suất học bổng danh giá do Chính phủ Anh trao tặng.
Nhờ nỗ lực hết mình và tinh thần dám thử thách, Nguyệt Minh (cô gái ở giữa) có cơ hội tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế. |
Trải qua vòng duyệt hồ sơ và vòng phỏng vấn khắt khe, Minh là một trong 21 học giả Việt Nam giành học bổng Chevening năm nay và sẽ học thạc sĩ ngành Quản trị Giáo dục tại ĐH Warwick, top 7 trường tốt nhất ở Anh.
Quyết định du học cũng không dễ dàng đối với cô. Một mặt, sự phát triển của trung tâm yêu cầu Minh phải học chuyên sâu để đủ kiến thức quản lý thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm từ tích lũy và được người đi trước truyền dạy như trước đây.
Mặt khác, việc Minh rời Việt Nam trong một năm cũng ảnh hưởng tới hoạt động của trung tâm. Sau khi suy xét, Nguyệt Minh nộp hồ sơ ứng tuyển và bắt đầu chuẩn bị về giáo trình lẫn đào tạo đội ngũ nhân viên.
Cô xác định một năm học tập tại Anh chắc chắn sẽ vất vả khi vừa phải cố gắng hấp thụ kiến thức vừa dành thời gian để quản lý trung tâm từ xa. Minh tin tưởng bản thân sẽ sắp xếp tốt. Đây đương nhiên không phải sự tự tin thái quá khi 9X đã làm rất tốt thời đại học.
Thời đó, cô đã tích cực ứng tuyển và trúng tuyển nhiều chương trình giao lưu quốc tế như học bổng Temasek trao đổi SV tại ĐH Quốc gia Singapore, giao lưu văn hóa với sinh viên Mỹ, dự SEALNet 2011 tại Indonesia, AEON 1% Club - Diễn đàn Môi trường 2013, Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ châu Á 2013 (Hitachi Young Leader Initiative)...
Nguyệt Minh tham dự chương trình Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ châu Á. |
Những chuyến đi này chiếm dụng rất nhiều thời gian song Nguyệt Minh vẫn đảm bảo thành tích học tập và tốt nghiệp ở vị trí thủ khoa. 9X tâm sự năng lượng để cô thực hiện tốt nhiều việc cùng lúc xuất phát từ quan niệm sống tận lực từng phút giây.
Cô cho rằng tuổi trẻ là quãng thời gian để mỗi người nỗ lực, đa dạng hóa sắc màu cuộc sống.
Dù không khẳng định bản thân đã thành công, Nguyễn Thanh Nguyệt Minh hài lòng với những gì đạt được trong thời gian qua, bao gồm việc xây dựng trung tâm tiếng Anh lẫn việc đặt chân lên 16 quốc gia khi tuổi đời chưa tròn 30.