Ngoài giải thưởng vinh dự Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng 2016 về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), TS Dương Trọng Hải - giảng viên bộ môn Khoa học máy tính, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - vừa qua nhận giải thưởng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo do Trung ương đoàn cấp và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo vì một thành phố thông minh 2016.
Trước đó, nam giảng viên thuộc top 68 Nhà Khoa học trẻ tiêu biểu gặp Thủ tướng chính phủ năm 2015 và sở hữu 4 đề tài nghiên cứu, hàng chục sách chương xuất bản quốc tế, gần 20 bàn báo đăng tạp chí quốc tế cùng nhiều giải thưởng, học bổng giá trị khác.
Tìm hướng đi riêng mình
Tâm sự về những nghiên cứu tâm huyết nhất trong thời gian gần đây trong ngày cận Tết, thầy Hải hồ hởi cho hay ông dành nhiều sức lực cho một số nghiên cứu về các vấn đề trong Industry 4.0 (Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4), như các hệ thống nông nghiệp thông minh, hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường nước xả thải.
Bên cạnh đó, người thầy này cũng đang đầu tư nghiên cứu hệ thống trợ giúp kết nối giữa người bệnh và bệnh viện, bác sĩ, cũng như thông tin về bệnh một cách hiệu quả, đơn giản để người dân bình thường có thể dễ dàng sử dụng. Đây cũng chính là một trong những đề tài cấp sở thầy đang thực hiện.
TS Dương Trọng Hải. |
“Trong nghiên cứu cơ bản, tôi lại đưa ra hướng mới trong máy học. Tức là, thay vì học ở dữ liệu thô, tôi kết hợp với học từ dữ liệu ngữ nghĩa để từ đó có thể học kế thừa từ tri thức đã có sẵn. Đây là một hướng đi hầu như là chưa tìm thấy các công trình đã đăng trên thế giới”, TS tiết lộ.
Với CNTT, giảng viên trẻ nhìn thấy một tiềm năng rất lớn ở Việt Nam.
“Nói Việt Nam là nước phát triển CNTT rất tốt nhưng hiện tại, việc ứng dụng CNTT vào thực tiễn vẫn chỉ là bước sơ khởi. Ngoài ra, tôi xác định CNTT có thể giúp Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và có thể có bước phát triển vượt bậc so với thế giới”, TS Hải nhận định.
Chính vì vậy, TS đã sớm tìm cách tiếp cận với các doanh nghiệp. Ông chia sẻ: “Đến nay đã có 20 sinh viên cao học đến từ công nghiệp tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của tôi. Các em là những cầu nối cho tôi đến với doanh nghiệp”.
Có những lúc để tiếp cận doanh nghiệp, TS Hải phải gửi hồ sơ xin việc để có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp, để hiểu bài toán của họ, để hiểu bên trong quá trình kinh doanh… và đưa ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của doanh nghiệp.
Không ít doanh nghiệp đã xem ông là một cộng sự, một R&D (Research & Development - nhà nghiên cứu và phát triển) của họ. Đặc biệt, trước Industry 4.0, TS Hải càng xác định rõ hơn nữa mục tiêu làm việc và nghiên cứu, nhằm góp phần đáp ứng như cầu thời đại.
Thấy may mắn vì… thiếu thốn
Có nhiều thành tựu đáng nể trong lĩnh vực CNTT ở tuổi còn khá trẻ, nhưng ít ai biết TS Dương Trọng Hải đã trải qua thời sinh viên thiếu thốn, việc sở hữu chiếc máy tính là quá trình gần như không tưởng. Ông kể thời điểm năm 2000 lúc mới trúng tuyển ĐH, chàng sinh viên chỉ nhìn thấy máy tính qua tivi nhà hàng xóm.
“Khi bước vào học, tôi gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận, đến mức gõ tên của mình cũng phải mất một phút. Chính sự thiếu hụt kiến thức ban đầu đó lại làm tôi có nhu cầu tìm hiểu về máy tính hơn ai hết”, TS Hải nói.
Những ngày đầu tiên tiếp xúc với máy tính cũng là những ngày chàng sinh viên Quảng Bình tìm kiếm khắp các nhà sách để tìm hiểu có những cuốn sách học tin học nào. Tuy nhiên, tất cả đều quá xa lạ. Cuối cùng, ông quyết định mua một cuốn duy nhất bản thân lúc đó có thể hiểu được, là Những địa chỉ Internet hay.
Chia sẻ về hoàn cảnh ngày đó, ông khiêm tốn giải thích thật ra, khó khăn này không phải chỉ riêng mình vì hầu hết sinh viên trong lớp ĐH đến từ những vùng quê nghèo, chỉ có một số bạn bè ở thành phố mới có điều kiện tiếp xúc và học hỏi về máy tính trước đó.
May mắn, năm đầu chương trình học chủ yếu là kiến thức cơ bản, vì thế chàng sinh viên đã có một năm để tự học, tự tìm hiểu trước khi được học chính thức chuyên ngành. TS trẻ cho biết kỹ năng và khả năng tự học là vô cùng quan trọng, đã được hình thành từ những năm học phổ thông.
Ngoài đi làm thêm để có tiền học, hầu hết thời gian chàng sinh viên tự học lấy các kiến thức về máy tính. Sau 3 năm trời miệt mài ở quán internet, mượn máy bạn bè thực hành, năm cuối ĐH, Hải dành dụm tiền mua được chiếc máy tính cũ làm luận văn.
“Đó cũng là may mắn của tôi, sự thiếu thốn đôi lúc tạo cho bạn tính năng động và sáng tạo trong học tập cũng như công việc nếu bạn có niềm đam mê và khao khát thay đổi”, TS Hải nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp ĐH và trải qua 3 năm công tác tại Đại học Quảng Bình, thầy giáo dành thêm 4 năm để học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Inha, Hàn Quốc.
Cầm tấm bằng với 23 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 công trình được công bố trên các tạp chí có chỉ số bởi ISI, tham gia rất nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức tại Australia, Mỹ, Châu Âu,… và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng những năm đầu về nước, giảng viên vẫn không xác định được mình phải làm gì cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
“Mãi đến 2 năm sau, định hướng nghiên cứu của tôi đã thay đổi khá lớn. Từ nghiên cứu cơ bản dần chuyển sáng nghiên cứu ứng dụng kết hợp nghiên cứu cơ bản. Bởi tôi xác định đã về nước thì cần nghiên cứu giải quyết các bài toán ở Việt Nam là ưu tiên hàng đầu”.
Kích hoạt niềm đam mê khám phá
Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) là nơi thầy Hải bắt đầu sự nghiệp sau khi về nước. Tại đây, niềm đam mê nghiên cứu của TS Trọng Hải được tiếp lửa.
Với kinh nghiệm khi đang còn trên ghế Nhà trường, trong giờ giảng, Dương Trọng Hải thường chỉ ra mối quan hệ môn học hiện tại, bài học hiện tại với các bài toán thực tế, bài toán trong doanh nghiệp, để các em có hứng thú trong giờ học, cũng nhằm truyền tải kiến thức công nghiệp lồng ghép với kiến thức hàn lâm.
TS Dương Trọng Hải vinh dự được gặp Thủ tướng. |
Bên cạnh đó, ngoài giờ, những mẩu truyện về làm nghiên cứu, những kiến thức nằm ngoài chương trình mà các em có thể tự học cũng được ông vắn tắt giới thiệu cho các em.
Thầy Hải cho hay ông hay truyền cảm hứng nghiên cứu cho các em từ việc kích hoạt niềm đam mê khám phá, cho các em biết giá trị nghiên cứu khoa học trong thực tế, giúp các em tiến hành những đam mê và sáng tạo.
“Có lần tôi hỏi các em: “Làm thế nào để học giỏi công nghệ thông tin mà suốt gần 4 năm học không có máy tính?”.
Các em cười rất lớn và nghĩ đó chỉ là câu nói đùa. Nhưng qua sự chia sẻ quá trình tôi học CNTT mà đến cuối năm 4 làm luận văn mới có được một cái máy tính cũ thì các em mới cảm thấy được mình đã bỏ phí quá lớn thời gian với những chiếc máy rất tốt của mình”, TS Hải kể lại.
Bởi thời đó, đến cuối năm 4, thầy Hải mới có được chiếc máy tính mà nếu đang lập trình thì phải gỡ bỏ bộ office, còn nếu phải soạn thảo văn bản thì các chương trình hỗ trợ cho lập trình đều phải gỡ bỏ bởi giới hạn của dung lượng ổ cứng.
Với sự chân tình, chàng TS Quảng Bình đã chỉ ra cho sinh viên biết điều khiến ông trở thành sinh viên giỏi trong khi không có máy tính học, chính là giá trị cốt lõi của niềm đam mê.
“Chỉ đam mê mới giúp chúng ta đi đến tận cùng của vấn đề và đạt được sự thành công nhất định, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Đừng chờ đợi vào sự may mắn”, ông Hải nhắn nhủ thế hệ trẻ.
Cũng theo TS Dương Trọng Hải, điều ông canh cánh trong lòng hiện nay là mong ước các nhà khoa học được hỗ trợ ban đầu để có một Lab làm việc, ở đó có các học viên sau ĐH và các bạn đến từ ngành công nghiệp cùng nhau thực hiện những ý tưởng sáng tạo, cùng nhau giải quyết các bài toán trong công nghiệp.
Theo TS, chỉ sau 3 năm, Lab đó có thể tự chủ được một phần và tiến tới tự chủ hoàn toàn về tài chính. Các trường ĐH, nên đầu tiên ưu tiên cho một số Nhà nghiên cứu với sự lựa chọn nhất định để làm thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình này ra. Như thế mới phát huy được năng lực của các Nhà nghiên cứu.
Giá trị mà họ mang lại sẽ vượt qua phòng Lab đó và đi tới các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.