Hội đồng bảo vệ tiến sĩ của Vũ Thị Thu Nga tại Đại học Paul Sabatier, Toulouse, Pháp. |
Từ chối học bổng du học Nga
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội), Vũ Thị Thu Nga đỗ Đại học Bách Khoa và ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Mặc dù được ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chọn đi học ở Nga vì điểm thi đầu vào cao, nhưng Nga chọn Đại học Bách khoa và đăng ký lớp Hệ thống điện Pháp khóa 44. Đây là lớp của Tổ chức hợp tác Đại học khối Pháp ngữ AUF.
Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2004, Nga vượt qua kỳ thi công chức của Đại học Điện lực, bắt đầu công việc giảng dạy.
Trong những năm công tác tại trường, Nga tiếp tục theo học thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội và lập gia đình năm 2007.
Cuối năm 2007, Nga sinh em bé. Hạn chế là phụ nữ có gia đình và con nhỏ nên việc đi nghiên cứu ở xa rất khó khăn. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình và đồng nghiệp, Nga được cấp học bổng 322 làm nghiên cứu sinh tại Toulouse, Pháp từ tháng 9/2011.
“Thời gian đầu, do xa nhà, nhớ con, nhiều lúc, mình cảm thấy không thể tiếp tục được. Với sự chia sẻ động viên của gia đình, bạn bè cùng đồng nghiệp, mình dần lấy lại được tinh thần và bắt đầu tập trung công việc”, Nga chia sẻ.
“Tóc dài” hì hụi cưa… cáp
Nói đến kĩ thuật điện, người ta hình dung công việc nặng nhọc và nguy hiểm dành cho đàn ông chứ không phải nghề của phái yếu. Nhưng với niềm đam mê nghiên cứu, Nga vượt qua được những khó khăn để đạt thành tích xuất sắc.
Nga tâm sự: Mình nghiên cứu quá trình tích điện trong vật liệu cách điện của cáp điện cao áp một chiều (HVDC). Nói thật, khi vào công việc, không màng đến giới tính! Thế nên dù là con gái, nhưng tay cờ lê, tay mỏ lết, lúc thì cưa, dao, kéo… một mình “đối mặt” điện áp một chiều 80 - 100kV trong phòng thí nghiệm, cưa cắt đoạn cáp điện dày vài cm! Làm nhiều rồi cũng quen!
Nhiều lúc đồng nghiệp nam đùa là phụ nữ đầu tiên ở Lab làm công việc nghiên cứu nặng nhọc và nguy hiểm như vậy.
Vất vả, nhưng Thu Nga quyết tâm theo đuổi, say mê học hỏi, để càng ngày càng thấy có thêm hứng khởi mỗi khi bắt tay vào làm việc, nghiên cứu.
Gia đình tiến sĩ Vũ Thị Thu Nga tại Paris, Pháp. |
Thành quả
Sau 1 năm, bắt đầu có những kết quả nhất định, Nga báo và tham gia các hội thảo quốc tế. Với những cố gắng trong công việc, cũng như sự hòa đồng trong giao tiếp, Nga được thầy cô, bạn bè quý mến và đánh giá cao trong công việc.
Giải thưởng đầu tiên Nga nhận được là Prix d'honneur (giải thưởng danh dự cho người đứng đầu) trong những sinh viên làm nghiên cứu sinh cùng niên khóa trong một buổi seminar của Laboratoire Plasme et Conversion d'Energie - LAPLACE (nơi Nga làm việc), tổ chức vào tháng 5/2013. Giải thưởng này đã tạo thêm động lực rất lớn cho Nga trong công việc.
Tiếp đó, tháng 11/2013, Nga dự cuộc thi cho nghiên cứu trẻ, được tổ chức tại hội thảo quốc tế ở Perpignan, Pháp. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền tải điện một chiều cao áp (HVDC) trên thế giới cũng tham gia cuộc thi.
Kết quả nghiên cứu của Nga đã vượt qua rất nhiều nghiên cứu trẻ trên thế giới như Pháp, Canada, Đức,Ý, Nhật, Trung Quốc…, giành được giải nhì.
Ngày 16/7/2014, với hội đồng bảo vệ gồm 7 người, Vũ Thị Thu Nga được các thành viên hội đồng đánh giá cao và đề cử là ứng viên cho quá trình xét giải thưởng luận văn tiến sĩ xuất sắc năm 2014.Tính theo thời hạn đăng ký 3 năm làm tiến sĩ, bắt đầu làm việc từ ngày 1/10/2011, Nga hoàn thành trước thời gian 2,5 tháng.
Cô xúc động nhớ lại: “Sau buổi bảo vệ luận án, giáo sư hướng dẫn nói rằng: Tôi rất tự hào có một sinh viên như bạn. Bạn là người tiên phong trong số rất nhiều nghiên cứu sinh từ nhiều nước cùng khóa. Bạn là người mang lại nhiều niềm vui cho tôi, nhóm nghiên cứu và Lab này”.
Tiếp sau đó, luận án của Nga được Hội đồng xét giải thưởng “Prix de thèse” (luận án xuất sắc) của Ecole doctoral GEET (trường Tiến sĩ GEET) thành phố Toulouse, Pháp chấm và đánh giá.
Vượt qua rất nhiều luận văn đã được bảo vệ trong năm 2014, Nga giành giải thưởng Luận văn tiến sĩ xuất sắc năm 2014 (Prix de thèse 2014).
Vũ Thị Thu Nga là một trong những người Việt Nam đầu tiên đạt giải thưởng Luận văn tiến sĩ xuất sắc tại Pháp.
Càng tự hào hơn vì đó là thành tích của một cô gái thế hệ 8X trong một môn nghiên cứu khoa học vốn “mặc định” dành cho nam giới.