Cuối tháng 5, dịch bệnh tại nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều em nhỏ trong khu cách ly ở Nậm Pồ, Điện Biên và nhiều nơi khác chỉ có thể nằm trên tấm chiếu đơn sơ trải trên sàn nhà. Các y bác sĩ, tình nguyện viên về điểm nóng thậm chí tranh thủ lót bìa hay chấp nhận ngả lưng ngay trên mặt đất để nghỉ ngơi.
Ở thời điểm đó, quỹ từ thiện Mỗi ngày một quả trứng lên ý tưởng cung cấp giường carton cho các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly. Cùng với bản thiết kế từ các giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, đầu tháng 6, hàng trăm chiếc giường như vậy đã được hoàn thành để chuyển đến các tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên.
Giường carton có thể chịu được sức nặng lên tới 180 kg. Ảnh: Mỗi ngày một quả trứng. |
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Phan Trung Nghĩa, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết khi biết tin quỹ Mỗi ngày một quả trứng phát động chương trình, ĐH Bách khoa đang hỗ trợ làm buồng lấy mẫu cách ly an toàn để phục vụ các y bác sĩ.
"Và chúng tôi thấy cũng cần quan tâm đến những người đang bị cách ly tạm thời với số lượng rất lớn. Họ có thể được ăn uống đầy đủ, nhưng chỗ ngủ không được thoải mái, chưa riêng tư", ông nói về quyết định tham gia thiết kế giường cho khu cách ly.
PGS Trung Nghĩa nói thêm theo WHO, virus SARS-CoV-2 bám trên vác vật liệu như sắt, nhựa... với thời gian gấp đôi thời gian bám trên giấy. Vì thế, giấy có thể an toàn hơn các vật liệu khác và vẫn có thể phun khử khuẩn, lau chùi nhanh được, giá thành rẻ, nhẹ...
Ông cho biết các nước khác cũng đã sử dụng giường carton song nước ta chưa có chỗ nào lắp loại giường này để phục vụ số đông. Nhóm của ông tham khảo các loại giường tương tự của Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ rồi thay đổi, cải tiến để nó đơn giản, nhẹ, sản xuất nhanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn, phù hợp với khí hậu, con người, văn hóa của người Việt.
"Chúng tôi thiết kế rất nhanh với tinh thần 'chống dịch như chống giặc' của Chính phủ, từ thiết kế, thử nghiệm đến bắt đầu sản xuất chỉ trong vòng 48 tiếng", PGS.TS Phan Trung Nghĩa nói.
Dù vậy, họ vẫn chú trọng yếu tố an toàn cho người sử dụng và tránh lây nhiễm. Giường gồm 12 thùng carton có vách tăng cứng với tấm ván ở trên tạo độ phẳng tuyệt đối. Ngoài ra, giường có thêm tấm quây đầu giường, vừa tạo sự riêng tư vừa ngăn chói sáng và hạn chế giọt bắn.
Việc lắp ghép đơn giản, chỉ dùng băng dính cố định nên có thể tháo lắp dễ dàng, nhanh chóng. Diện tích chiếc giường khá rộng, phù hợp với thực tế sinh hoạt trong khu cách ly tập trung thường gắn liền với giường.
Việc sản xuất cũng đơn giản, vận chuyển dễ. Giường bằng carton nên có thể tiêu hủy dễ dàng hoặc tái chế sau một thời gian sử dụng. Chi phí cho một chiếc giường hiện tại rơi vào mức 187.000 đồng.
Tuy nhiên, PGS Nghĩa thông tin nhóm của ông đã có thiết kế mới cho loại giường carton để chi phí rẻ hơn, lắp ghép nhanh hơn mà vẫn đảm bảo tính an toàn.
"Tôi hy vọng những chiếc giường như vậy sớm tiếp tục được gửi đến các khu vực cách ly cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, thiện nguyện trên cả nước", giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.