Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giáo dục đại học Việt Nam tụt hậu khá xa so với thế giới'

Theo nữ hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), giáo dục đại học Việt Nam đang bị tụt hậu. Các trường cần được tự chủ để "ra biển lớn".

Phải hành động cụ thể để ngành khoa học xã hội đóng góp cho cộng đồng Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, chính sách, dự án phát triển bỏ qua tiếng nói của các nhà khoa học xã hội dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng.

T

heo kế hoạch của trường, chiều 15/5, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trả lời Zing.vn, nữ hiệu trưởng đầu tiên trong lịch sử của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng giáo dục đại học Việt Nam đang bị tụt hậu so với thế giới. Trường đại học cần có cơ chế tự chủ để phát triển mạnh hơn nữa.

Trường đại học phải tự chủ, vươn tầm khu vực

- Là nữ hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong nhiệm kỳ của mình, bà mong đợi và muốn thay đổi điều gì?

- Mong đợi và hy vọng lớn nhất của tôi là sự đồng tâm hiệp lực và quyết tâm của cán bộ, giảng viên để cùng phát triển ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM lên tầm cao mới, đặc biệt là khẳng định vị trí của trường trong khu vực.

Hiện nay, hội nhập quốc tế về giáo dục một cách toàn diện và mạnh mẽ là thách thức lớn nhất. Không chỉ riêng trường chúng tôi mà đây là thách thức chung của nền giáo dục Việt Nam.

Chúng ta vẫn đang loay hoay việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu. Làm sao để đại học tự chủ nhiều hơn dù hành lang pháp lý đã cho phép? Sắp tới, yêu cầu này sẽ trở nên bức thiết hơn, vì rõ ràng nếu không hội nhập, chúng ta sẽ tụt hậu.

DH Viet Nam tut hau anh 1
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) trong một chuyến làm việc tại châu Âu . Ảnh: NVCC.

Ở cấp phổ thông, chất lượng giáo dục của Việt Nam được đánh giá khá tốt, nhưng bậc đại học tụt lại một khoảng xa so với mặt bằng chung của thế giới. Bà nghĩ gì về điều này và việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ gắn với việc cụ thể nào?

- Đối với bậc phổ thông, học sinh được đánh giá có khả năng tốt về các môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, bậc đại học lại tụt khá xa so với các nước trên thế giới. Bằng chứng là các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới thường vắng mặt đại diện của Việt Nam.

Tuy nhiên phải hiểu rằng, xếp hạng đại học tính đến nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có công bố quốc tế. Hiện nay, số lượng công bố quốc tế chưa nhiều nên ảnh hưởng thứ hạng của các trường.

Khi làm việc với một số lãnh đạo đại học trên thế giới, tôi thấy họ có những chính sách khuyến khích giảng viên. Bên cạnh việc giảng dạy, họ nghiên cứu khoa học để có những công trình công bố quốc tế. Thời gian tới, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TTP.HCM sẽ có chính sách khuyến khích giảng viên có những bài báo khoa học quốc tế.

Mặt khác, để giải phóng tất cả năng lực của một trường đại học, tôi nghĩ phải thông qua cơ chế tự chủ. Chúng ta không nên cho rằng tự chủ đại học chỉ là về tài chính, nghĩa là được tăng học phí thoải mái. Quan trọng hơn là tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm đối với xã hội.

Ở các nước trên thế giới, cụ thể là các trường đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội, đó là một lĩnh vực công. Trường được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa cứ tới kỳ thì trường nhận được kinh phí hoạt động. Mỗi trường phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mới nhận được tài trợ công. Ngược lại, số tiền tài trợ sẽ bị cắt giảm nếu làm không tốt.

Đó cũng là giá trị mà tôi theo đuổi, tự chủ gắn liền tự chịu trách nhiệm.

Khoa học xã hội phải phục vụ cộng đồng

- Là nhà nghiên cứu khoa học xã hội, bà có kế hoạch gì nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của trường trong thời gian tới gắn với quốc kế dân sinh?

- Việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Trước đây, nhà trường có nhiều cơ hội hợp tác trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên nhưng chúng tôi chưa có nhiều dự án, công trình có sự phối hợp giữa các trường, viện trong và ngoài nước.

Những bài công bố quốc tế thường là kết quả của công trình nghiên cứu có tính chất quốc tế. Song song đó, nhà trường sẽ có chính sách khuyến khích, động viên về mặt tinh thần và hỗ trợ kinh tế đối với người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Tôi nghĩ cần có sự phân loại. Một trường đại học có 2 chức năng là nghiên cứu và giảng dạy. Không phải ai cũng có khả năng nghiên cứu. Có những người làm công tác giảng dạy tốt nhưng nghiên cứu lại hạn chế.

Với chính sách hỗ trợ về kinh tế và động viên về tinh thần, giảng viên sẽ có định hướng tốt hơn.

- Ngành khoa học xã hội rất khó có được nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí uy tín. Bà có cho rằng sự phát triển của ngành này nên gắn với thước đo khác không?

- ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM có tôn chỉ là nghiên cứu khoa học đỉnh cao, phục vụ cộng đồng. Nghiên cứu khoa học đỉnh cao là để đóng góp cho ngành những lý luận, phương pháp, vấn đề.

Bên cạnh đó, sự thành công của người nghiên cứu khoa học xã hội còn phản ánh qua sự đóng góp cho xã hội. Do vậy, thời gian qua, nhà trường định hướng để xã hội hiểu, nhìn nhận đúng hơn về đóng góp của ngành khoa học xã hội nhân văn. Ngành này phải chứng tỏ được có đóng góp cụ thể cho xã hội.

DH Viet Nam tut hau anh 2
Trong nhiệm kỳ mới, nữ hiệu trưởng ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vươn tầm khu vực. Ảnh: Minh Thư.

Xã hội đang có định kiến với các ngành khoa học xã hội vì không thấy được sự đóng góp một cách rõ ràng. Không chỉ ở nước ta mà nhiều nước đang phát triển cũng gặp phải tình trạng này. Không còn cách nào khác là phải hành động, chứng minh cho xã hội thấy ngành khoa học xã hội nhân văn luôn hướng đến phát triển bền vững, nhân bản.

- Khoa học xã hội sẽ ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

- Cuộc cách mạng 4.0 nói cho cùng không nằm ngoài mục đích phục vụ con người nên không thể tách rời các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Trong cuộc cách mạng số, khi thấy bị chi phối quá nhiều bởi số hóa, hơn bao giờ hết, chúng ta lại càng phải có yếu tố nhân văn.

Chúng ta tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số nhưng để một người có thể sống trong một tập thể, xã hội cần có yếu tố nhân văn. Họ phải có các kỹ năng về xã hội, giao tiếp để có thể tồn tại trong cuộc cách mạng số. Thế nên, công nghiệp số càng phát triển, ngành khoa học xã hội càng phát triển.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (44 tuổi, quê Long An) là nữ hiệu trưởng đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Đông phương học tại trường, bà theo học thạc sĩ nhân học văn hóa - xã hội tại ĐH Toronto (Canada) trước khi hoàn thành tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học tại trường.

Từ năm 2013 đến nay, bà Lan giữ chức vụ phó hiệu trưởng phụ trách quản lý khoa học và sau đại học. Trước đó, bà từng là giảng viên và phó trưởng khoa Nhân học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có nữ hiệu trưởng đầu tiên

Trong lịch sử thành lập và phát triển của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Ngô Thị Phương Lan là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Minh Nhật thực hiện

Video: Minh Thư

Bạn có thể quan tâm