Học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) trong giờ ôn tập môn địa lý . |
Đại diện đoàn giám sát, ông Đào Trọng Thi cho biết mạng lưới cơ sở GDPT không ngừng được củng cố và mở rộng, bình quân hằng năm gần 250 trường mới được thành lập, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập tăng nhanh của học sinh. Cả nước hiện có đủ cơ sở vật chất bảo đảm chỗ học cho gần 15 triệu học sinh.
Nặng kiến thức, nhẹ sáng tạo
Báo cáo giám sát viết: “Chương trình GDPT chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt giữa các cấp học từ trung học đến trung học phổ thông. Thay vì phải xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết sách giáo khoa, thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết sách giáo khoa. Sau khi có sách giáo khoa đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành chương trình chuẩn quốc gia”.
Ðoàn giám sát nhận định nội dung chương trình “còn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và đạo đức học sinh. Chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung chưa thật sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều dẫn đến quá tải. Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh”.
Cho rằng những đánh giá, nhận định, con số trong báo cáo giám sát cho thấy bức tranh khá đầy đủ về GDPT, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng vẫn đề nghị phải trả lời rõ ràng các câu hỏi: chất lượng cao hay thấp, chương trình nặng hay nhẹ, sách giáo khoa hiện đại hay lạc hậu?.
“Tôi vẫn chưa rõ sau giám sát thế này thì đâu là vấn đề cần thiết để đổi mới căn bản nền giáo dục nước ta. Tức là phải chỉ rõ những gì cụ thể cần thay đổi, cần sửa chữa. Tại sao chương trình sách giáo khoa của ta đến nay vẫn chưa hạ màn, vẫn cứ tranh luận mà không ngã ngũ” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề.
Đáp lại, ông Đào Trọng Thi nói các vấn đề đổi mới giáo dục vẫn chưa đượt rút lại, nên bản báo cáo giám sát không nên đề xuất quá chi tiết. “Ví dụ, chúng tôi khẳng định chương trình phân ban không thành công, có thể nói là thất bại. Và tới đây phải bỏ phân ban, thiết kế chương trình theo hướng vừa phân hóa vừa tích hợp, giảm bớt môn học, ngoài các môn học bắt buộc thì học sinh được lựa chọn các môn học theo sở thích và định hướng nghề nghiệp... Nhưng nếu nói rõ như vậy mà không làm được hoặc không quyết định làm như vậy thì sẽ gây khó khăn cho những người tổ chức, quản lý giáo dục” - ông Thi nói.
Tiền nhiều có dám đảm bảo chất lượng?
Thừa nhận ngân sách đầu tư cho giáo dục chiếm 20% tổng chi hằng năm là sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng với quy mô giáo dục không ngừng mở rộng thì mức đầu tư đó chưa đáp ứng yêu cầu.
“Trong cơ cấu chi thì 80% cho lương, 20% cho cơ sở vật chất nhà trường và cơ cấu này tồn tại mấy chục năm nay. Nhưng trước đây chỉ có phấn trắng bảng đen, còn bây giờ là cần máy tính, Internet, các dụng cụ học tập hiện đại” - ông Luận phân tích. Ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng “đầu tư ngân sách không đảm bảo nhu cầu nâng cao chất lượng GDPT”.
“Thời đại ngày nay mà cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục thì không ổn. Chúng ta có nhiều gia đình bỏ tiền cho con em đi học nước ngoài với chi phí rất lớn, tại sao chúng ta không mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội để đầu tư?” - ông Phan Xuân Dũng đề nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi: “Nếu nâng đầu tư ngân sách thì có dám khẳng định là sẽ nâng cao chất lượng giáo dục được không?”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: “Tại sao các gia đình bỏ nhiều tiền cho con ra nước ngoài học, phải chăng là sự thiếu niềm tin vào chất lượng giáo dục nước nhà?”.
“Bản báo cáo không thể không đề cập trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đối với những vấn đề của giáo dục. Nói rằng ngân sách đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đề cập đến lộ trình đầu tư cho GDPT tới đây thế nào: ngân sách bỏ ra bao nhiêu, người dân bỏ ra bao nhiêu, túi tiền người dân dành cho giáo dục sẽ tăng hay giảm? Báo cáo cũng cần đi vào những vấn đề cụ thể liên quan đến đổi mới giáo dục đang được xã hội quan tâm như có bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không? Hai kỳ thi gần nhau, tỉ lệ tốt nghiệp quá cao thì đó là vấn đề. Nếu giữ lại kỳ thi thì cũng phải có căn cứ thuyết phục” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu nhiều câu hỏi.