Theo nghiên cứu về ATGT cho học sinh THPT tại Hà Nội của PGS. TS. Chu Công Minh, công bố tại lễ ký kết hợp tác ATGT giữa Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM) và Uỷ ban ATGT quốc gia, có đến 90% số vụ tai nạn giao thông ở trẻ em liên quan đến học sinh THPT và xu hướng này gia tăng trong 2 năm gần đây. Từ đó, câu hỏi về giáo dục ATGT như thế nào cho hiệu quả càng trở nên cấp thiết hơn.
Báo động tai nạn giao thông ở học sinh THPT
Nghiên cứu của PGS. TS. Chu Công Minh cho thấy tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 học sinh do tai nạn giao thông (TNGT) là 7,39. Tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á (gấp 1,25 lần Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc).
Tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh) của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,49-0,5 vụ/học sinh), nghĩa là bình quân cứ 2 học sinh thì có một học sinh va chạm liên quan tới TNGT trong năm 2016.
Phần lớn học sinh lớp 9 đi bộ và đi xe đạp tới trường (chiếm 67%), trong khi đó 52% học sinh THPT lại sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép.
PGS. TS. Chu Công Minh công bố kết quả nghiên cứu ATGT cho học sinh THPT. |
Dữ liệu từ CSGT cho thấy tỷ lệ học sinh đi xe không có gương chiếu hậu rất cao: xe máy điện (81%), xe đạp điện (90%) trong khi loại phương tiện này có thiết kế với vận tốc tương đối lớn (25-50km/h). Điều này tiềm ẩn rủi ro mất ATGT khi học sinh rẽ, chuyển hướng trên đường.
Việc vi phạm quy định về tốc độ và di chuyển sai làn đường ở đối tượng học sinh khá cao. Phần lớn học sinh THPT đều chưa được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách, nên vi phạm quy định về tốc độ xảy ra khá nhiều. Ngoài ra, việc di chuyển không đúng làn đường cũng là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT.
Kết hợp lý thuyết và thực hành ATGT
Trước thực trạng nhức nhối về tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đối tượng học sinh THPT, vấn đề giáo dục ATGT kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đang được đặt ra.
Về việc giảng dạy chính khóa ATGT tại trường học ở Việt Nam, các nội dung này được khuyến khích lồng ghép trong môn Giáo dục công dân với thời lượng 2 tiết/kỳ và tăng dần lên 3-4 tiết/kỳ. Ngoài ra thời lượng chương trình ngoại khóa về ATGT trung bình khoảng 1-2 buổi/học kỳ. Tuy nhiên nội dung chủ yếu mới dừng lại ở dạy học sinh quy tắc và biển báo hiệu giao thông đường bộ.
Song song với giáo dục lý thuyết về ATGT, việc đào tạo thực tế kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh THPT cũng khá quan trọng.
Theo đó trong thời gian tới, với sự phối hợp giữa Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giáo dục& Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố, ngoài việc học lý thuyết, đối tượng học sinh THPT sẽ được giảng dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
Các giải pháp nâng cao ATGT trẻ em
Với việc đối tượng học sinh THPT sử dụng ngày càng nhiều xe máy điện, xe đạp điện, dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ chuyên gia người Nhật Shigeo Yoshizawa (IMMA), đã có đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện là từ 16 tuổi trở lên. Thêm vào đó, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cần phải có chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện. Điều tra thực tế cho thấy tỷ lệ cha mẹ học sinh ủng hộ khá cao, đến 89%.
Tiếp đến, cần đề cao hơn nữa việc kiểm soát hành vi và phương tiện đi lại của học sinh. Theo đó, xe máy điện, xe đạp điện và kỹ năng điều khiển phương tiện này cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông cần được duy trì. CSGT mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông đường bộ ở đối tượng học sinh THPT.
Bên cạnh đó là việc cải thiện các công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường.
Hợp tác giữa Uỷ ban ATGT quốc gia và VAMM
Chương trình hợp tác ATGT do Ủy ban ATGT quốc gia và VAMM phối hợp tổ chức đã liên tục thực hiện các nghiên cứu đánh giá tình hình tham gia giao thông tại Việt Nam. |
Bên cạnh nghiên cứu ATGT ở đối tượng học sinh THPT năm 2016, chương trình hợp tác bền vững về ATGT do Uỷ ban ATGT quốc gia và VAMM phối hợp tổ chức đã diễn ra với các hoạt động tuyên tuyền, giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho hơn 4,1 triệu đối tượng trên cả nước, từ học sinh, sinh viên các cấp đến khách hàng, đại lý và cảnh sát giao thông; quyên tặng gần 130.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn, trong đó phần lớn dành cho trẻ em - thế hệ cần được bảo vệ và hướng dẫn về ATGT từ nhỏ.
Có thể nói, cùng với những nỗ lực và thành công trong hoạt động về ATGT, VAMM cùng Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực để hướng tới sự phát triển an toàn và bền vững của giao thông Việt Nam, đặc biệt là đưa ra những giải pháp thiết thực về giáo dục ATGT đối với thế hệ tương lai.