TP.HCM hiện có 50 trường CĐ, 65 trường trung cấp (TC). Năm 2017, các trường CĐ tuyển được 34.521 sinh viên, TC tuyển được 25.079. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, công tác tuyển sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi bật là việc phân luồng chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu…
Muốn tiếp cận học sinh phải đi "cửa sau"
Trong khuôn khổ ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp 2018 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành đoàn TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM và báo Người Lao Động tổ chức ngày 13/5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP, đại diện các trường đã cùng tham dự hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM" với nhiều ý kiến xác đáng được nêu về thực trạng của giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Học sinh tham gia ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp 2018. Ảnh: Người Lao Động. |
Trước tiên, phải kể đến thông tin của giáo dục nghề nghiệp đến với học sinh (HS) và xã hội rất hạn chế. Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng trường TC Bách khoa TP.HCM, cho rằng thông tin trên báo chí lâu nay chủ yếu là về ĐH mà rất ít đề cập giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, chính những giáo viên dạy lớp 9 cũng chưa sẵn sàng định hướng cho HS theo hướng học nghề.
Dẫn ra nhiều trường hợp, ông Sáng cho biết HS học xong lớp 9 đi học nghề được miễn 100% học phí nhưng nhiều em phải rất vất vả mới được hưởng chính sách. Có em phải vay lãi đóng học phí sau đó cầm biên lai học phí đến phòng lao động - thương binh và xã hội quận/huyện mới được giải quyết.
Không tiếp cận được HS cũng là vấn đề được đại diện các trường đề cập. Đại diện trường TC Xây dựng TP.HCM cho biết các trường THCS lâu nay luôn đóng cửa đối với các trường CĐ, chỉ làm việc với một số trường nên để vào trường tiếp cận HS, các trường CĐ, TC thường phải dùng những mối quan hệ cá nhân chứ chưa có chính sách chung từ cơ quan quản lý.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng phụ huynh, HS quan tâm nhiều đến việc làm sau khi tốt nghiệp. Với công nghệ hiện nay, việc quản lý lao động không khó, cần nắm bắt được đánh giá của doanh nghiệp về chuyên môn, kỹ năng của người lao động.
Theo ông Hiếu, tư vấn phân luồng cho HS nên làm sớm để các em nhận thức được lợi ích của học nghề, phân luồng theo kiểu rớt lớp 10 công lập mới đi học nghề là không ổn, các em sẽ bị vấn đề tâm lý.
Ông Hiếu cho biết sở GD&ĐT đang nghiên cứu đưa thêm nguyện vọng vào hồ sơ đăng ký thi lớp 10, trong đó có thêm nguyện vọng là trường TC.
Đẩy mạnh truyền thông
Cánh cửa ĐH đã rộng mở với hầu như mọi thí sinh, cùng với tâm lý trọng bằng cấp thì giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn có những trường tuyển sinh đạt yêu cầu.
Bà Hồng Thị Thanh Thủy, phó hiệu trưởng trường CĐ nghề TP.HCM, cho biết những năm qua, kết quả tuyển sinh của trường luôn đạt 100%. Đạt được kết quả đó, yếu tố quyết định nhất là chất lượng đào tạo.
Đại diện trường CĐ Lý Trọng cũng cho biết từ năm 2014 đến nay, kết quả tuyển sinh của trường luôn tốt, năm sau cao hơn năm trước. Trường đã phối hợp với các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đánh giá chất lượng sinh viên.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho rằng ngoài yếu tố chất lượng, cách làm của các trường cũng tác động đến kết quả tuyển sinh.
"Nhiều trường cử con người, phương tiện đến các trường phổ thông chỉ để gửi tờ rơi rồi về thì làm sao tuyển sinh được" - ông Lâm nói.
Rõ ràng, sự chủ động và cách làm của các trường nghề tác động nhiều đến kết quả tuyển sinh, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, phụ trách báo Người Lao Động - thông tin: Cũng như một số cơ quan báo chí khác, báo đã có 17 năm tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng ông nhận thấy đây vẫn là sân chơi của các trường ĐH, rất ít trường CĐ, TC chủ động tham gia. Dường như các trường CĐ, TC đang bị lùi về phía sau ở khía cạnh truyền thông - đưa thông tin đến xã hội.
Để phát triển giáo dục nghề nghiệp, theo ông Trung, cần có cơ chế phối hợp truyền thông để cung cấp đến xã hội cơ hội việc làm của HS, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường nghề, nhu cầu thị trường lao động… việc này cần phải kiên trì, dài hơi.
"Tại sao cử nhân chấp nhận chạy xe ôm công nghệ lại không chịu học nghề trong khi thị trường nhu cầu lao động cao?" - ông Trung đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Lâm khẳng định vai trò của truyền thông là rất quan trọng. Ông cho biết trong thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan liên quan tìm cơ chế hợp tác đẩy mạnh truyền thông để giáo dục nghề nghiệp đến với mọi người, mọi nhà.
Cơ hội học sinh, giáo viên gặp cơ sở đào tạo
Ngày hội Tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp 2018 với chủ đề "Vững tay nghề, sáng tương lai" khai mạc sáng 13/5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM). Tham gia ngày hội có 45 cơ sở đào tạo với 47 gian hàng.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, hiệu trưởng trường CĐ An ninh mạng, cho biết trường tham gia ngày hội với mong muốn giới thiệu rộng rãi đến HS ngành đào tạo an ninh mạng - một ngành rất quan trọng và có nhu cầu rất cao trong thời đại số.
Nhiều HS tham gia ngày hội cho biết định hướng của các em là mong muốn vào ĐH, với HS THCS là học tiếp lên THPT nhưng cũng muốn tìm hiểu thông tin bậc đào tạo TC, CĐ để chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết ngày hội là cơ hội để HS và các cơ sở đào tạo có cơ hội gặp gỡ, qua đó, các trường có điều kiện giới thiệu năng lực, thế mạnh đào tạo; đồng thời để HS các cấp chọn được nghề phù hợp với năng lực. Đối với giáo viên, đây cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi và nâng cao chuyên môn.