Giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với hiện tại, đòi hỏi người giáo viên không chỉ giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà còn phải giỏi về công nghệ và cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Xã hội cũng cần ứng phó với vấn đề bất bình đẳng số để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục.
Công nghệ số tích hợp sâu trong chương trình
GS.TS Nguyễn Hữu Châu - giảng viên cao cấp Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các chương trình giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với các chương trình hiện tại. Xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.
Khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai, học sinh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những điều mới mẻ để khám phá và phát huy năng lực. Ảnh: INT. |
Trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”. Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh chọn môn học, một số phần của nội dung môn học, cách thức, các kĩ thuật, công cụ học và cả thời gian học phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung.
Mặc dù học với công nghệ số sẽ càng thể hiện rõ hơn vị trí trung tâm của người học nhưng người thầy càng trở nên quan trọng hơn với vai trò hướng dẫn và trợ giúp. Dạy học sẽ thực sự là “dạy cách học”, “dạy cách khám phá kiến thức”. Giáo viên không chỉ cần giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà phải giỏi về công nghệ và giỏi về cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Sứ mệnh của người giáo viên càng trở nên nặng nề hơn. Phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ giáo viên với rất nhiều phẩm chất khác biệt ở các trường sư phạm. Cũng cần chuẩn bị chương trình bồi dưỡng cho các giáo viên đang hành nghề.
Vì việc học có thể diễn ra mọi nơi và mọi lúc nên các nhà trường với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước. Ở nhiều nước, người ta dự báo về tình trạng không còn trường học truyền thống và học sinh có thể chọn học ở những nơi thích hợp nhất. Nhờ sự xâm nhập mạnh của công nghệ thông tin, các tư tưởng dạy học tích cực vốn rất khó thực hiện trong khuôn khổ các lớp học truyền thống chật hẹp, với thời gian hạn chế và với người giáo viên đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức duy nhất sẽ được thể hiện trong quá trình dạy học với công nghệ số.
Để thích ứng với chương trình giáo dục trong tương lai, theo GS Nguyễn Hữu Châu, cần phải bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị xây dựng Chương trình giáo dục mới. Thông thường, chu kì của một chương trình giáo dục là 15, 16 năm. Do đó ngay từ bây giờ, cần bắt đầu ngay việc xây dựng chương trình của thời kì công nghệ số. Trong khi chờ đợi chương trình mới, các chương trình tích hợp STEM (Khoa học - Công nghệ - Kĩ thuật - Toán học) cần được khích lệ ở Việt Nam. Các chương trình và khóa học STEM nhằm chuẩn bị kĩ năng cho người lao động tham gia vào thị trường lao động tự động hóa.
Tình trạng bất bình đẳng số
Công nghệ thông tin sẽ mang đến cho giáo dục những cuộc cách mạng về phương pháp, cách thức dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin vào những yếu tố tích cực cũng cần tỉnh táo để nhận thức được những thách thức và bất lợi có thể xảy ra trong giáo dục ở tương lai, trong đó có việc đối phó với tình trạng bất bình đẳng số.
GS Nguyễn Hữu Châu chia sẻ: Thuật ngữ “bất bình đẳng” số (Digital divide) nói đến sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận công nghệ số giữa những nước giầu và những nước nghèo, giữa những vùng phát triển và vùng chậm phát triển, giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp.
Dù công nghệ càng phát triển nhưng giáo viên vẫn giữ vai trò quan trọng. Ảnh minh họa: INT. |
Trong tương lai khi công nghệ số càng phát triển, khoảng cách số này càng lớn, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục ở các vùng miền khác nhau. Đây là những khoảng cách không thể san lấp. Sự bù đắp cho vùng khó chỉ bằng cách đổ tiền trang bị nhiều hơn máy tính và các phương tiện công nghệ thông tin là thực sự không hiệu quả. Người ta lo ngại về sự khác biệt không chỉ ở cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin mà quan trọng hơn là ở những gì người học thu nhận được từ các phương tiện công nghệ số.
Cả hai khoảng cách như vậy sẽ làm cho học sinh nghèo, các vùng khó chịu đựng thua thiệt nhiều hơn. Ở Việt Nam, tình trạng phân biệt này là rất rõ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Điều này sẽ làm cho mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục rất khó đạt. Giống như ở nhiều nước không thể san lấp các khoảng cách số, ở Việt Nam cần có những nỗ lực để cải thiện tình hình cho các địa phương khó khăn. Có thể học được một số bài học kinh nghiệm về vấn đề này từ các quốc gia khác như tăng cường việc học di động.
Học bằng điện thoại di động là rất tiện tích với tất cả mọi người, vì có thể học ở mọi nơi và mọi lúc. Học bằng điện thoại di động càng thích hợp hơn với những vùng khó và với học sinh có khó khăn về tài chính khi mà các em rất khó có điều kiện để có máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng sách giáo khoa điện tử. Đây vừa là nguồn cung cấp tri thức, vừa là phương tiện cho học sinh thực hiện khám phá, kiến tạo kiến thức và tự đánh giá kết quả học.
Với các chức năng như vậy, sách giáo khoa điện tử là hữu ích với tất cả học sinh nhưng càng hữu ích hơn với học sinh ở những nơi không có Internet hoặc Internet phập phù, không ổn định. Tuy nhiên, cần xây dựng sách giáo khoa điện tử theo đúng nghĩa của nó mà không phải chỉ là những bản chụp PDF của các sách giáo khoa in trên giấy. Cuối cùng một bài học rất đáng học từ những nước đang phát triển khác là sử dụng công nghệ cũ theo những cách thức mới. Radio, TV vẫn cần được tận dụng khai thác sử dụng ngay cả trong thời kì phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn.